Nhóm điều phối viên hòa giải của Mỹ và Ai Cập đã đến Israel vào ngày 13/5 để đàm phán về việc giảm căng thẳng leo thang. Lực lượng Hamas hiện trong quá trình thảo luận nội bộ trước khi ngồi vào bàn đàm phán về việc chấm dứt xung đột, theo New York Times.
Giới phân tích nhận định rằng cả Israel và Hamas đều cần thuyết phục công chúng rằng họ đã giành phần thắng trong cuộc giao tranh trước khi nghĩ đến chuyện hòa giải xung đột. Các nhà quan sát cũng nhất trí rằng nhiệm vụ này đối với phe Hamas sẽ đơn giản hơn so với Israel.
Bài toán "chiến thắng"
Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel cần cân nhắc tác động của cuộc giao tranh đối với bước đường chính trị của ông. Trước đó, tương lai trên chính trường của Thủ tướng Netanyahu đã được dự đoán sẽ gặp nhiều trắc trở do mối bất hòa nội bộ giữa người Do Thái và người Israel gốc Arab tại nhiều nơi trên khắp đất nước.
Israel đứng trước lựa chọn khó khăn khi phải quyết định liệu bức tranh “chiến thắng” mà họ muốn tô vẽ có bao gồm việc đưa quân vào Dải Gaza hay không. Nếu tiến quân, cuộc xung đột sẽ kéo dài và con số thương vong của cả hai bên sẽ tiếp tục tăng.
Rạng sáng 14/5, lực lượng phòng vệ Israel (IDF) gia tăng áp lực quân sự nhắm về phía Hamas với một đợt tấn công thảm khốc vào Dải Gaza. Dẫu vậy, đại diện IDF khẳng định lực lượng này chưa tiến quân vào vùng chiến sự mà chỉ không kích và pháo kích từ biên giới vào.
Các cuộc không kích liên tiếp với đỉnh điểm là đợt nã pháo của Israel vào ngày 14/5 được cho là loạt tấn công tàn khốc nhất trong 7 năm qua vào Dải Gaza. Ảnh: Reuters. |
Bên kia chiến tuyến, lực lượng Hamas, vốn đã kiểm soát Dải Gaza từ 2006 và trải qua hai cuộc chiến với Israel, cũng gặp những khó khăn nhất định trong việc thuyết phục công chúng rằng họ đã giành phần thắng trong cuộc giao tranh này.
Đối với người Palestine, việc Tổng thống Mahmoud Abbas của họ hoãn vô thời hạn cuộc bầu cử vào tháng 4 đã tạo ra một khoảng trống mà Hamas sẵn sàng lấp đầy.
Bởi lẽ, với vai trò bảo hộ thánh địa Jerusalem và quản lý kho tên lửa cải tiến, Hamas vẫn tự xem lực lượng này là phe Palestine “duy nhất”, không phụ thuộc vào ông Abbas.
Nhân tố Ai Cập
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói chuyện với ông Netanyahu và lặp lại tuyên bố về quyền tự vệ của Israel. Bên cạnh đó, ông Biden cũng cử Phó trợ lý ngoại trưởng Hady Amr, một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, để hỗ trợ xúc tiến quá trình hòa giải giữa Palestine và Israel.
Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ Hady Amr. Ảnh: Brookings Institution. |
Tuy nhiên, Mỹ lựa chọn không đối thoại với Hamas vì xem đây là một tổ chức khủng bố. Mỹ cũng có lập trường rằng ông Abbas không có thực quyền đối với Dải Gaza hay Hamas.
Do đó, nhiều khả năng ông Amr sẽ làm việc với các quan chức Ai Cập, vì nước này thường đóng vai trò hòa giải trong các cuộc chiến giữa Israel và Palestine, bao gồm cả hai đợt xung đột lớn gần đây vào các năm 2008 và 2014.
Theo đài truyền hình nhà nước Ai Cập Al Arabiya, vào ngày 13/5, chính quyền nước này đã cử các quan chức an ninh tới Tel Aviv và Gaza để bắt đầu các cuộc đối thoại đa phương. Bộ Ngoại giao Ai Cập chưa bình luận về chi tiết này.
Trước đó, ngày 11/5, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cho biết giới chức nước này đã liên hệ với Israel và “các quốc gia liên quan” khác trong nỗ lực xoa dịu bạo lực nhưng Israel không hồi đáp.
Abdel Monem Said Aly, một nhà phân tích có thâm niên nghiên cứu về các mối quan hệ của Ai Cập, cho rằng quốc gia Bắc Phi này “sẽ làm hết sức mình” vì lợi ích và sự ổn định khu vực.
Ai Cập được kỳ vọng sẽ là nhân tố đóng vai trò hòa giải giữa Palestine và Israel. Ảnh: AFP. |
“Vấn đề phức tạp hơn nhiều so với trước đây,” ông Said Aly nhận xét. “Ai Cập sẽ nói chuyện với Saudi Arabia và Emirates, những bên có tiềm lực tài chính, để cùng hướng đến mục tiêu tái thiết Gaza”.
“Nhưng vấn đề ở Israel không phải là đối thoại với ông Netanyahu. Đó là chuyện tương đối đơn giản”, ông Said Aly nói thêm. “Vấn đề nằm ở việc thuyết phục các bên liên quan khác trong chính nội bộ Israel”.
Nhận định về phía Palestine, ông Said Aly nói: "Tồn tại một khoảng trống về sức ảnh hưởng chính trị (tại Palestine). Hamas có thể gia tăng sức ảnh hưởng bằng cách khuấy động dư luận về vấn đề người Palestine ở các nước Hồi giáo, từ đó xây dựng tính chính danh cho đợt bầu cử trong tương lai".
"Đợt xung đột này là một diễn biến đi lệch khỏi vấn đề cốt lõi cần giải quyết, và đây là vấn đề đáng lo ngại hơn nhiều so với Hamas", Giáo sư Mark A. Heller thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia tại Đại học Tel Aviv, Israel, nói. "Quân đội có thể xử lý Hamas, nhưng người dân Israel cần một hệ thống chăm lo đời sống của họ, và hiện nay hệ thống ấy vẫn chưa tồn tại".