Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao AirAsia có giá vé máy bay quốc tế rẻ hơn cả nội địa?

Giá vé may bay chặng Hà Nội/TP.HCM đi Thái Lan, Malaysia đang rẻ hơn bay nội địa nhờ các chính sách "thắt lưng buộc bụng" của hãng hàng không AirAsia.

AirAsia là hãng hàng không lớn thứ 4 tại châu Á. Ảnh: Bloomberg.

Trong bối cảnh giá vé máy bay nội địa có xu hướng tăng cao, du khách Việt Nam đã hướng đến việc du lịch tại các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia.

Tại các chặng bay quốc tế này, AirAsia đang là hãng hàng không có mức giá rẻ nhất. Đặc biệt với các chặng bay từ TP.HCM/Hà Nội đến Bangkok (Thái Lan) hay Kuala Lumpur (Malaysia), giá vé hãng bay này đưa ra thậm chí còn rẻ hơn giá vé máy bay các tuyến du lịch trọng điểm nội địa Việt Nam hiện nay như Hà Nội - TP.HCM; Hà Nội - Phú Quốc...

Bí kíp "thắt lưng buộc bụng"

AirAsia là hãng hàng không giá rẻ hàng đầu châu Á được sáng lập bởi tỷ phú Tony Fernandes có trụ sở tại Malaysia. Sau hơn 2 thập kỷ phát triển, AirAsia đã dẫn đầu phong trào du lịch tiết kiệm tại thời điểm các hãng hàng không quốc gia với giá vé đắt đỏ đang thống lĩnh thị trường.

Với phương châm tiết kiệm tối đa mọi chi phí, hãng hàng không này đã tích cực phát triển hình thức đặt vé qua mạng, bán thức ăn và đồ uống trên máy bay, tập trung cho các chuyến bay tầm ngắn…

Hiện 80% vé máy bay của AirAsia được bán qua trang web và ứng dụng di động. Điều này giúp hãng giảm thiểu chi phí hoa hồng cho các đại lý và chi phí in ấn vé giấy.

AirAsia,  gia re,  hang bay anh 1

AirAsia tiết kiệm tối đa mọi chi phí để có mức giá vé rẻ nhất thị trường. Ảnh: AirAsia.

Trong khi đẩy mạnh việc giảm giá vé máy bay, dịch vụ phụ trợ như bán hành lý, suất ăn và các tiện ích khác đã đóng góp đáng kể vào doanh thu của AirAsia. Những dịch vụ này không chỉ bổ sung vào doanh thu mà còn giúp hãng hàng không duy trì giá vé thấp nhờ nguồn thu phụ trợ ổn định.

Trong năm 2023, doanh thu từ các dịch vụ phụ trợ của AirAsia đạt 2,5 tỷ RM (khoảng 540 triệu USD), chiếm 18% tổng doanh thu từ hàng không. Mức doanh thu này tương đương khoảng 51 RM/hành khách (khoảng 11 USD).

Bên cạnh đó, hãng bay này cũng chỉ sử dụng một loại máy bay là Airbus A320, giúp giảm chi phí bảo trì và đào tạo phi công. Tối ưu hóa lịch trình bay để tăng số giờ bay mỗi ngày của máy bay là một trong những chiến lược chính của AirAsia. Khi máy bay bay nhiều giờ hơn, chi phí cố định như lương phi công, bảo trì và khấu hao máy bay được phân bổ trên nhiều chuyến bay hơn, giúp giảm chi phí trung bình trên mỗi chuyến bay.

Theo báo cáo tài chính năm 2023, AirAsia đã vận chuyển gần 57 triệu hành khách trong năm 2023, tăng 67% so với năm liền trước. Hệ số tải hành khách (load factor) đạt 88%, cho thấy hãng đang bán được nhiều vé và tận dụng tối đa công suất của máy bay. Chi phí trên mỗi km ghế khả dụng (CASK) của hãng đã giảm 17% so với năm trước, được coi là điểm sáng trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng và biến động tỷ giá.

Ngoài ra, phần lớn chuyến bay Air Asia khai thác có thời gian bay không quá 4 tiếng và nếu bay dài hơn, chúng cần được xem xét kỹ về mặt lợi nhuận. Nhờ đó, một phi hành đoàn có thể chở nhiều lượt khách hơn trong khi không tốn nhiều chi phí ăn ở, trợ cấp bởi nhân viên có thể trở về nhà cùng ngày.

Những địa điểm hạ cánh cũng được hãng bay này tính toán kỹ lưỡng. Theo đó, AirAsia thường sử dụng các sân bay nhỏ hoặc sân bay phụ có chi phí hạ cánh và dịch vụ mặt đất thấp hơn so với các sân bay chính. Như tại Thái Lan, AirAsia sử dụng sân bay Don Mueang thay vì Suvarnabhumi trong khi đó tại Malaysia, AirAsia sử dụng sân bay Senai thay vì sân bay quốc tế Kuala Lumpur (KLIA).

Nhờ sử dụng sân bay nhỏ, AirAsia có thể duy trì tỷ lệ thời gian quay đầu máy bay (turnaround time) thấp hơn 25 phút, so với 45 phút tại các sân bay lớn. Điều này giúp tăng số giờ bay mỗi ngày, giảm chi phí trung bình trên mỗi chuyến bay và tăng hiệu quả khai thác​.

Sẽ là điểm sáng cho thị trường Việt Nam?

Theo Bloomberg, các kế hoạch mở rộng đầy tham vọng của AirAsia đang hướng tới Singapore và Việt Nam. Điều này báo hiệu một bước đi táo bạo nhằm mở rộng dấu ấn của hãng tại Đông Nam Á.

Tỷ phú Tony Fernandes cho biết hãng muốn có mặt tại những thị trường này dù biết rõ mình không phải là "tay chơi" lớn nhất ở đây.

Tại Việt Nam, hãng hàng không giá rẻ này chưa có pháp nhân mà chỉ đang khai thác các chặng bay quốc tế trên các tàu bay mang quốc tịch nước ngoài. Hàng tuần, có khoảng 117 chuyến bay kết nối giữa một số thành phố của Việt Nam với Thái Lan, Malaysia.

AirAsia,  gia re,  hang bay anh 2

Chuyên gia nhận định Việt Nam cần có nhiều hãng hàng không hơn để gia tăng sức cạnh tranh và giảm giá vé. Ảnh: Chí Hùng.

Trước đây, hãng đã 4 lần lên kế hoạch thành lập liên doanh hàng không giá rẻ tại thị trường Việt Nam nhưng đều thất bại.

Gần đây nhất, năm 2019, AirAsia Investment, Gumin và Hải Âu đã chấm dứt nghĩa vụ có liên quan đến thỏa thuận thành lập liên doanh hãng hàng không tại Việt Nam.

Theo một chuyên gia hàng không, việc có thêm các hãng hàng không tham gia thị trường sẽ giúp ngành hàng không Việt Nam có sự cạnh tranh tích cực hơn. Hiện tại, thị trường Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào 2 hãng bay ở 2 phân khúc khác nhau là Vietnam Airlines và Vietjet Air

Vị chuyên gia cho rằng Nhà nước cần thiết lập các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho các hãng hàng không mới tham gia. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất để tạo nên một thị trường sôi động với tính cạnh tranh cao mà khách hàng là người hưởng lợi.

Cục Hàng không nói giá vé máy bay cao không do phí dịch vụ

Cục Hàng không phản bác quan điểm của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng phí dịch vụ hàng không chiếm tỷ trọng cao trong giá vé máy bay.

Bộ trưởng Tài chính: Thuế, phí chiếm rất ít trong giá vé máy bay

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng phần chiếm tỷ trọng cao trong giá vé là phí dịch vụ như phí đỗ máy bay, sân bay... do ngành giao thông quản lý.

Vé máy bay đi Thái Lan, Malaysia rẻ hơn nội địa

Ở một số đường bay, du khách có thể mua được vé giá tốt bay đến Bangkok, Kuala Lumpur của hãng hàng không giá rẻ AirAsia.

Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Diệu Thanh

Bạn có thể quan tâm