Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vi quyển - dòng sách chinh phục giới sưu tầm

Những cuốn sách có kích cỡ nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay đã xuất hiện từ vài thế kỷ trước trên thế giới. Ở Việt Nam, dòng sách này cũng được giới sưu tầm quan tâm.

Theo Hiệp hội Sách vi quyển của Mỹ (Miniature Book Society), một cuốn vi quyển thường có chiều cao, chiều rộng và độ dày không quá 3 inch.

Trên thế giới, dòng sách này đã xuất hiện từ lâu. Thông qua những cuốn vi quyển, chúng ta có thể đánh giá, đo lường về sự phát triển công nghệ in và sự tinh xảo trong kỹ thuật gia công của quốc gia đó.

vi quyen anh 1

Những cuốn vi quyển có thiết kế tinh xảo, nhỏ gọn. Ảnh: P. M.

Thước đo ngành in của quốc gia

Fly’s eye Dante (1878) là ấn bản mini của Divine Comedy (Thần khúc) trải qua 11 năm thực hiện với kích thước chỉ 11/4x13/4 inch. Nó được bọc da đỏ có chạm nổi bằng vàng, là ấn bản nhỏ nhất thế giới về trường ca kinh điển của Dante và cũng là một trong gần 50 cuốn sách mini được chỉ định đặt trong Thư viện London (Anh), theo The Guardian.

Trước Fly’s eye Dante còn có ấn bản nhỏ nhất của Kinh thánh được in lần đầu tiên năm 1896 với chiều ngang một inch, đi kèm chiếc kính lúp nhỏ xíu, giúp độc giả có thể đọc được chữ.

Theo Hiệp hội Sách vi quyển của Mỹ, những cuốn sách mini đầu tiên được sản xuất chủ yếu hướng tới sự thuận tiện, dễ lưu trữ. Chẳng hạn, Kinh thánh thu nhỏ giúp các tu sĩ bỏ túi tiện lợi; những cuốn sách nhỏ về phép xã giao giúp các quý cô thời Victoria có thể kín đáo tham khảo để ứng xử cho đúng mực…

Năm 1922, Nữ hoàng Mary (1867-1953, vương hậu nước Anh) đã khiến dòng sách mini trở nên nổi tiếng khi cho trưng bày 200 cuốn có kích thước nhỏ trong thư viện của bà.

Dù đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, miniature books (vi quyển, hay còn gọi là sách mini) vẫn là một khái niệm còn khá mới mẻ với bạn đọc Việt Nam. Cỡ chữ của nó chỉ khoảng 0,07-0,1 cm, thậm chí còn nhỏ hơn nữa, phải dùng kính lúp mới có thể đọc được.

Bà Nguyễn Thùy Dương - người sáng lập và Giám đốc điều hành Phúc Minh Books (đơn vị thực hiện một số bộ vi quyển) - cho rằng việc thực hiện dòng sách này theo đúng quy chuẩn là rất khó và “không phải bỗng dưng UNESCO lấy vi quyển làm thước đo sự phát triển công nghệ in của mỗi quốc gia”.

Việc tạo ra những cuốn sách mini nhỏ gọn trong lòng bàn tay đòi hỏi trình độ tay nghề điêu luyện của người làm sách. Vi quyển thường được in ít hơn sách phổ thông, số lượng lưu hành thường giới hạn dưới 100 bản.

Do đó, chúng được xem là kết tinh của tình yêu nghệ thuật và văn học mà nghệ nhân đã dành không ít thời gian, sức lao động để tạo nên. Vi quyển thể hiện rất rõ mức độ đầy đủ của kỹ thuật đóng sách từ bìa, trang, cách thức trình bày đến in ấn và gia công...

Trên thế giới, Baku Museum of Miniature Books (Azerbaijan) là bảo tàng trưng bày nhiều cuốn sách mini. Năm 2015, nơi đây được sách Kỷ lục Guinness công nhận là bảo tàng tư nhân lớn nhất về sách mini với hơn 6.500 cuốn đến từ 64 quốc gia khác nhau.

Dòng sách vi quyển ở trong nước

Dù chưa được coi là vi quyển, các đơn vị xuất bản ở Việt Nam cũng đã thực hiện những cuốn sách mini hay cẩm nang bỏ túi. Có thể kể đến Dế mèn phiêu lưu ký, một số cuốn trong Tủ sách Vàng của Nhà xuất bản Kim Đồng hay cuốn Từ điển tiếng "em" đang thịnh hành trong giới trẻ. Song, những ấn phẩm đó vẫn chưa thực sự được chú trọng về kỹ thuật in ấn và gia công như dòng vi quyển.

Độc giả ngày nay, bên cạnh nội dung sách, còn đặc biệt quan tâm tới hình thức, thiết kế của ấn phẩm. Ngày càng có nhiều nhà sưu tầm những dòng sách, cuốn sách quý hiếm, đặc biệt, trong đó có vi quyển.

Ở Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Thành Đàm là người được cử sang phương Tây học kỹ thuật làm sách mini. Hiện ông sở hữu tủ sách mini với khoảng hơn 500 cuốn về các lĩnh vực, chủ đề khác nhau; có cuốn chỉ nhỏ bằng hộp diêm.

Hai năm gần đây, Phúc Minh Books thực hiện dòng vi quyển. Bộ đầu tiên là Thể xác và tâm hồn (Maxence van der Meersch) gồm 3 cuốn.

Mới đây, bộ Những người phụ nữ bé nhỏ của đơn vị này tái xuất với diện mạo mới, được làm từ lụa tơ tằm và nhuộm màu tự nhiên từ hạt cà phê. Bề mặt lụa mịn, các sợi tơ se khít, đạt hiệu quả cho việc bồi và in nhũ.

Đây là bộ vi quyển đầu tiên ở Việt Nam sử dụng chất liệu lụa tơ tằm thủy ấn (phương pháp in tranh trên bề mặt nước). Bìa và tờ gác được các nghệ nhân thủy ấn hoa vân trên nền lụa và giấy, làm hoàn toàn thủ công. Mỗi bộ sách là độc bản.

Việc tạo ra một cuốn sách mini đòi hỏi những kỹ thuật đặc biệt và người thực hiện phải “nhỏ hóa” mọi chi tiết theo quy chuẩn.

Theo bà Nguyễn Thùy Dương, ở Việt Nam, dòng vi quyển không nhiều nơi thực hiện. Lý do đến từ cả bên “cung” (người làm sách) và “cầu” (người mua sách). Dòng sách này có năng suất thấp, chi phí cao, cộng thêm chưa có trào lưu sưu tầm vi quyển nên người tìm mua còn rất hạn chế.

“Làm sách tiêu chuẩn quốc tế mà đưa chất liệu lụa tơ tằm vào thì còn gì tuyệt vời hơn, vừa đảm bảo sự độc đáo, tinh tế vừa tôn vinh giá trị dân tộc”, đại diện Phúc Minh Books nêu quan điểm.

Ở phiên bản giới hạn 100 bộ lần này, mỗi bộ sách được đóng triện son đỏ và đánh số từ 001 đến 100, kích thước là 5,5x7,6 cm. Tác phẩm được dịch mới hoàn toàn và bổ sung 202 tranh minh họa của họa sĩ Frank T. Merri, 15 tranh vẽ màu nước của họa sĩ Trần Minh Tâm và 5 bài thơ của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Phong Việt.

Bìa sách có sử dụng màu tự nhiên do nghệ nhân Đồng Phước Quang nghiên cứu pha chế từ hạt cà phê cùng một số loại hoa, lá cây rừng. Mỗi cuốn đều có sự phối màu để tạo hoa vân tương ứng với số tập của từng cuốn sách.

Nhà sưu tầm sách Từ Xuân Minh chia sẻ rằng việc lấy màu hoa vân thủy ấn để đánh dấu số tập thay vì viết số lên bìa hoặc gáy sách là một ý tưởng rất hay. “Tôi dễ dàng nhận được sự tinh tế có chủ đích qua màu hoa vân thủy ấn tăng dần theo số tập từ 1 đến 5”, anh Minh nói.

Trong khi đó, anh Nguyễn Tuấn Bình (chủ tiệm Bình Bán Book) lại thấy ấn tượng bởi “gáy sách có độ bật, độc giả đã có thể mở trang sách dễ dàng và khi xếp sách lên giá, 5 cuốn gáy tròn đều trông rất thích mắt”.

Cũng sở hữu bộ vi quyển này trong tay, Hạnh Nguyễn - admin Hội Văn học kinh điển - bày tỏ: “Trước giờ tôi chỉ thấy thủy ấn trên giấy, nay nhìn trên lụa trông đẹp hơn hẳn. Màu sắc uyển chuyển nhẹ nhàng, nhìn như một bức tranh. Phần cạnh gáy đã được quét lớp màu phủ nhũ vàng lấy cảm hứng từ kỹ thuật tranh sơn mài truyền thống”.

Người đàn ông Mỹ sưu tập sách, ảnh quý hiếm

Ở tuổi 70, nhà sưu tập người Mỹ Stephan Loewentheil mong muốn tìm đơn vị hoặc cá nhân tiếp quản 20.000 bức quý hiếm về Trung Quốc thế kỷ XIX.

Đua nhau làm bản đặc biệt, đâu là sách thực sự quý, hiếm?

Sách đặc biệt giống hệt bản phổ thông, chỉ khác có bìa cứng; những cuộc sang tay, đẩy giá sách đặc biệt diễn ra trong chớp mắt...

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm