Những người yêu mến các cuốn sách quý hiếm và cổ xưa trên thế giới không còn xa lạ với Stephan Loewentheil - chủ nhân của hàng loạt bộ sưu tập giá trị. Mới đây, khi bước sang tuổi 70, người đàn ông này tìm người tiếp quản một phần bộ sưu tập đồ sộ và hiếm có của mình. Đó là hơn 20.000 bức ảnh gốc về Trung Quốc thế kỷ XIX.
Chủ nhân của loạt tư liệu hiếm có
Là luật sư, Stephan Loewentheil sinh ra ở Mỹ, dành hàng thập kỷ để sưu tập số ảnh đồ sộ này. Ông cũng sưu tầm và bán nhiều cuốn sách quý hiếm. Không lâu trước đây, Loewentheil vừa mua tuyển tập kịch First Folio (tên đầy đủ là Mr.William Shakespeare's Comedies, Histories & Tragedies, tạm dịch là Những vở hài kịch, kịch lịch sử và bi kịch của Ngài William Shakespeare) của Shakespeare với giá gần 10 triệu USD.
Theo SCMP, những vị khách tới mua sách hiếm của Loewentheil có nhiều người nổi tiếng. Loewentheil cũng từng bán những cuốn sách được dùng làm tặng phẩm cho các đời tổng thống Mỹ từ thời ông George H.W. Bush.
Nhà sưu tập Loewentheil và tuyển tập kịch First Folio của Shakespeare có trị giá gần 10 triệu USD. Ảnh: Timur York. |
Bộ sưu tập của người đàn ông này còn có các bức chân dung vẽ, chụp nhiều tác giả, nhân vật nổi tiếng như Charles Darwin, cựu Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln, nhiếp ảnh gia Mathew Brady hay một số tư liệu chụp trong cuộc nội chiến Mỹ. Nhiều tác phẩm trong số đó đã được các tổ chức, bao gồm Bảo tàng Getty, Phòng trưng bày chân dung Quốc gia ở London, Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Washington, mua lại.
Ông Loewentheil bắt đầu thích thú với những tư liệu về Trung Quốc từ thuở niên thiếu. Năm cuối đại học (1971), Loewwentheil làm việc tại Liên Hợp Quốc, khi đó, Trung Quốc vừa được khôi phục quyền lợi hợp pháp trong tổ chức trên.
Khi theo học Trường Luật, Đại học Cornell (New York, Mỹ), Loewentheil đại diện đến Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đại học Thanh Hoa. “Du lịch đến Bắc Kinh càng khiến niềm đam mê của tôi thêm mãnh liệt”, người đàn ông này nói.
Sau đó, ông bắt đầu sự nghiệp buôn bán sách cổ khi bước sang tuổi 30. Đây cũng là lúc Loewentheil nhận ra cần phải bảo tồn lịch sử Trung Quốc qua nhiếp ảnh.
Vào giữa những năm 1990, ông đã có trong tay rất nhiều album ảnh quan trọng và các bản in cuối triều nhà Thanh hay album của nhiều nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng như Felice Beato, John Thomson, Thomas Child và William Saunders.
Qua thời gian, số lượng ảnh về Trung Quốc thế kỷ XIX của Loewentheil lên tới 20.000 bức. Chúng đều được lưu trữ tại nơi chuyên dụng, kiểm soát khí hậu, nhiệt độ, cùng khoảng 2.000 cuốn sách hiếm khác mà Loewentheil sở hữu.
Chân dung những phụ nữ ở Hà Môn do nhiếp ảnh gia nổi tiếng Lai Fong chụp những năm 1870. Đây là một trong 20.000 bức ảnh gốc thuộc bộ sưu tập của Stephan Loewentheil. Ảnh: Stephan Loewentheil/Photography of China Collection, |
Tìm chủ nhân mới cho bộ sưu tập ảnh quý
Người phụ nữ đeo vòng tay bằng ngọc, tóc búi cao sáng bóng, đứng tựa vào bàn. Cô nhìn thẳng, địu trên lưng là đứa trẻ với khuôn mặt tò mò. Vẻ mặt của người phụ nữ yên bình nhưng rắn rỏi, như một bà mẹ trẻ. Có lẽ, cuộc đời của người phụ nữ này đã mang một ý nghĩa mới.
Bức ảnh trên được Pun Lun Studio chụp vào những năm 1870 tại Trung Quốc. Đây là tấm hình đặc biệt hiếm có bởi âm bản của nó đã bị lửa thiêu rụi vào năm 1876.
Một bức hình khác ghi lại cảnh đường phố trong con hẻm hẹp. Phía xa xa, hàng loạt cửa hiệu thương mại, đa dạng ngành nghề như trà, mì, điểm tâm đến giấy, rùa đá, gạch lát sàn. Bức ảnh được chụp những năm 1870 do A Chan Studio. Nó mang đến cái nhìn hấp dẫn về cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc.
Hai tấm ảnh trên chỉ là số nhỏ trong 20.000 bức hình gốc đặc biệt, có niên đại từ năm 1850 đến 1920, thuộc bộ sưu tập Photography of China của ông Stephan Loewentheil. Những bức ảnh miêu tả kiến trúc truyền thống, thiên nhiên, văn hóa, nghề thủ công và con người, cũng như nghi lễ, những cuộc đấu tranh hay kỳ quan, hoạt động sống hàng ngày.
Bức ảnh người phụ nữ địu con do Pun Lun Studio chụp vào những năm 1870 ở Trung Quốc. Ảnh: Stephan Loewentheil/Photography of China Collection. |
Bộ sưu tập của nhà sưu tầm người Mỹ Stephan Loewentheil mang đến những bản ghi hình ảnh hiếm có về thế kỷ XIX tại Trung Quốc. Đó là những con sông, ngọn núi tuyệt đẹp hay không khí giao thương sầm uất, làng nghề thủ công hoặc Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành.
Bước sang tuổi 70, Loewwentheil tìm kiếm người lưu trữ mới cho những bức ảnh trong bộ sưu tập của mình. Hơn 20.000 tấm ảnh được ông sưu tập trong nhiều thập kỷ, có chất lượng tốt đồng đều, nguyên vẹn. Ông cũng chưa bán bất kỳ tấm nào trong số này.
Theo Loewwentheil, ông muốn chủ nhân mới của bộ sưu tập là tổ chức hoặc cá nhân người Trung Quốc. Bởi lẽ, “đó là nơi nó thuộc về”.
“Bộ sưu tập là nguồn tư liệu không thể thay thế và tôi hy vọng nó sẽ tìm thấy một ngôi nhà mới lâu bền, được công chúng và nhiều học giả thưởng thức, nghiên cứu”, ông nói.