Hai tiểu thuyết Lý triều dị truyện và Đại Nam dị truyện của Phan Cuồng. Ảnh: Quỳnh Anh. |
Khi nói đến tiểu thuyết kinh dị, độc giả thường tìm đến tác phẩm của các nhà văn nước ngoài như: Stephen King, Edgar Allan Poe, H.P Lovecraft hay Shirley Jackson. Nếu không hứng thú với hình tượng ma cà rồng, quái vật ba đầu hay phù thủy, người đọc sẽ chọn thưởng thức các sáng tác của một số nhà văn Trung Quốc như: Quỷ Cổ Nữ, Lôi Mễ, Sái Tuấn.
Nói đến văn học kinh dị, dường như các tác giả Việt còn khá lép vế. Thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, vẫn có một số tiểu thuyết kinh dị của tác giả trong nước được đón đọc nhiệt tình. Trong đó, không thể bỏ qua những cái tên như: Lý triều dị truyện, Đại Nam dị truyện của Phan Cuồng và Tết ở làng Địa Ngục của Thảo Trang.
Có thể nói Phan Cuồng và Thảo Trang là hai cây bút khiến độc giả yêu thích thể loại kinh dị trong nước khá bất ngờ. Họ đã viết nên những câu chuyện ma mị thuần Việt. Từ bối cảnh, không gian, đến các yếu tố về phong tục, văn hóa đều tạo cho người đọc cảm giác gần gũi.
Phan Cuồng - ngòi bút kể chuyện ma cuốn hút
Trước khi hai cuốn tiểu thuyết Lý triều dị truyện và Đại Nam dị truyện được phát hành, độc giả yêu thích truyện kinh dị đã biết tới cái tên Phan Cuồng khi các sáng tác của anh được đăng tải trên Internet. Những câu chuyện rùng rợn về các quái nhân thông thạo thuật phù thủy, biết yểm bùa, giỏi khâm liệm của chàng trai này trở thành “món lạ” đối với bạn đọc.
Phan Cuồng cho biết từ nhỏ anh đã thích nghe kể chuyện ma. Những câu chuyện về ngày rằm tháng bảy, cùng những phong tục tập quán của người Việt trong việc ma chay, lo mộ phần, cúng giỗ… khiến tác giả này tò mò. Từ đó, Phan Cuồng nảy ra ý định viết một tác phẩm về các nhân vật ma quái, giỏi thuật phù thủy và có thể liên hệ với người chết.
Từ xa xưa, đời sống tâm linh của người Việt rất phong phú. Ông bà ta thường quan niệm “trần sao âm vậy”, thế nên người chết cũng có thế giới của riêng của mình, với đủ buồn vui, sướng khổ giống như người còn sống. Sau khi chết, con người ta không biến mất, mà bắt đầu một đời sống khác, ở một cõi tâm linh.
Theo thời gian, quan niệm mang tính duy tâm về “cõi âm” của người Việt cũng có nhiều thay đổi và ngày càng phong phú hơn. Chúng đã trở thành chất liệu để Phan Cuồng viết nên hai tác phẩm Lý triều dị truyện và Đại Nam dị truyện.
Ngoài óc tưởng tượng và khả năng miêu tả sống động, tác giả còn thêm thắt vào nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử vào trong tác phẩm. Từ đó, tạo cho tiểu thuyết một không gian u linh, huyền bí đậm màu sắc văn hóa dân tộc với những hình ảnh quen thuộc như: cây tre, giếng nước, gốc đa, đình làng…
Lồng ghép các yếu tố liên quan tới lịch sử, dã sử vào một tác phẩm kinh dị là một “nước cờ tốn nhiều công phu” của Phan Cuồng. Nó đòi hỏi tác giả phải tìm tòi, nghiên cứu về lịch sử và xâu chuỗi các sự kiện, nhân vật một cách hợp lý, để câu chuyện không khiên cưỡng.
Đọc Lý triều dị truyện và Đại Nam dị truyện, độc giả thấy được sự tỉ mỉ của tác giả trong việc miêu tả từng chi tiết nhỏ như: trang phục, kiểu tóc, cách xưng hô cả các nhân vật. Dù chỉ là tiểu tiết trong tác phẩm, nhưng Phan Cuồng luôn chú ý để đưa vào đó các yếu tố văn hóa bản địa phù hợp. Nhờ vậy, cuốn tiểu thuyết có được một không gian gần gũi và đậm chất Việt.
Tết ở làng Địa Ngục của Thảo Trang được nhiều bạn đọc trẻ yêu thích. Ảnh: T.T. |
Thảo Trang và cái Tết rùng rợn ở làng Địa Ngục
Ra mắt vào đầu năm 2022, cuốn tiểu thuyết Tết ở làng Địa Ngục của Thảo Trang đã phát hành 4.000 bản trong lần in đầu tiên. Đây là một con số khá ấn tượng với một tác giả trẻ thuộc thế hệ 9X.
Nhiều người cho rằng Tết ở làng Địa Ngục là màn “chào sân” ấn tượng của Thảo Trang.
Giống Phan Cuồng, nhiều độc giả đã biết tới Thảo Trang qua Internet. Tết ở làng Địa ngục cùng một số tác phẩm khác của cô đã được đăng tải trên mạng trước khi cuốn sách đến tay bạn đọc.
Tết ở làng Địa Ngục lấy bối cảnh một ngôi làng hẻo lánh vùng sơn cước. Dân làng là hậu duệ của một toán cướp, lưu lạc từ Đàng Trong ra. Họ bị người dân ở kinh thành xua đuổi đến nơi “thâm sơn cùng cốc”. Ngôi làng ấy không có tên, nhưng bị người ta coi như chốn địa ngục.
Trong làng, chỉ có người trưởng làng là ông Thập mới có thể xuống núi và giao tiếp với bên ngoài. Vào một ngày cuối năm rét mướt, ông Thập thấy một âm hồn mặc quan phục đỏ tới báo rằng dân làng sắp gặp tai họa. Sau đó, nhiều chuyện kỳ dị đã xảy ra.
Thảo Trang dùng nhiều hình ảnh quen thuộc mà người Việt thường dùng để ám chỉ tai ương và vận xui như: quạ đen, chim lợn, tiếng chó sủa vào đêm sáng trăng.
Ngoài ra, trong tác phẩm này, tác giả đã sử dụng khá nhiều ca dao, tục ngữ và các từ địa phương, để diễn tả lời ăn, tiếng nói của nhân vật. Những chi tiết nhỏ nhặt đấy đã khiến cho tác phẩm gần gũi với độc giả Việt.
Tác giả Thảo Trang từng chia sẻ khi còn nhỏ, cô lớn lên cùng những câu chuyện kể của bà và mẹ. Trong những mẩu chuyện ấy, có rất nhiều tình tiết liên quan tới ma quỷ để răn đe trẻ nhỏ. Chúng đã để lại ấn tượng sâu sắc cho tác giả, thôi thúc cô viết một cuốn tiểu thuyết kinh dị mang nhiều yếu tố văn hóa Việt.
Ngoài Tết ở làng Địa Ngục, Thảo Trang mới cho ra mắt cuốn tiểu thuyết kinh dị thứ hai với nhan đề Ngủ cùng người chết.