Thất bại 0-3 của CLB Hà Nội trên sân nhà trước Bình Định không đơn thuần là tai nạn của đội bóng giàu thành tích nhất V.League. Trên sân nhà, thầy trò HLV Chun Jae-ho bị đối thủ áp sát quyết liệt, tấn công trực diện đồng thời khắc chế mọi phương án chiến thuật bằng lối chơi khoa học và hiệu quả.
Ngoài sự hơn thua về chuyên môn, CLB Hà Nội còn rơi vào cuộc chiến tâm lý với đội Bình Định khi đối thủ liên tục khiêu khích. Tại đây, một trong những cầu thủ giàu kinh nghiệm nhất của Hà Nội đã sa bẫy. Đó là Đỗ Duy Mạnh.
Duy Mạnh mắc lỗi nghiêm trọng khiến CLB Hà Nội thua 0-3 trước Bình Định. Ảnh: Trương Hiếu. |
Chuyên môn
Lối chơi quyết liệt, thậm chí có phần “rắn” là đặc trưng trong phong cách phòng ngự của Đỗ Duy Mạnh. Được HLV Chu Đình Nghiêm kéo từ tiền vệ phòng ngự xuống trung vệ và thành danh ở vị trí này, Duy Mạnh luôn duy trì lối đá chú trọng tranh chấp tay đôi, sử dụng sức càn lướt và kỹ năng phán đoán để đoạt bóng trong chân đối thủ.
Khả năng một đấu một ấn tượng giúp Duy Mạnh có chỗ đứng trong sơ đồ phòng ngự 3 trung vệ của tuyển Việt Nam, chơi tốt ở vị trí mà HLV Park Hang-seo thừa nhận rằng kỹ năng đấu tay đôi cùng sức mạnh, thể lực có vai trò hàng đầu. 4 năm qua, Duy Mạnh là cầu thủ phòng ngự hiếm hoi (cùng Quế Ngọc Hải, Bùi Tiến Dũng) có chỗ đứng vững chắc tại CLB lẫn đội tuyển.
Tuy nhiên, mặt trái trong lối đá quyết liệt của Duy Mạnh, ở nhiều thời điểm, là sự thiếu tỉnh táo, kỷ luật và đôi khi không giữ được cái đầu lạnh.
Ở tình huống phạm lỗi dẫn đến quả phạt đền, Rafaelson có đủ thời gian quan sát và rướn bóng để biến pha bóng của đối thủ thành trái luật. Nhưng trước khi nói đến sự khôn ngoan và kinh nghiệm của tiền đạo Bình Định, việc xoạc bóng kẹp trúng chân đối thủ là giải pháp tồi mà một trung vệ có thể đưa ra. Pha bóng diễn ra ngay trong vùng cấm ở tốc độ cao, chân Mạnh va chạm với chân Rafaelson khiến trọng tài khó có lựa chọn nào khác ngoài thổi phạt đền.
Trong 774 phút thi đấu từ đầu giải, Duy Mạnh đã có ít nhất 3 lần gây khó cho CLB Hà Nội vì các tình huống phạm lỗi của mình. Ở trận gặp CLB Đà Nẵng, trung vệ 26 tuổi vào bóng nguy hiểm khiến tiền đạo Osagouna Christian phải rời sân bằng cáng. Trận gặp HAGL, Duy Mạnh lại vào bóng lỗi khi đạp thẳng gầm giày vào chân Bruno Henrique.
Đó đều là những pha phạm lỗi bắt nguồn từ sự chậm chạp và phán đoán chưa tốt trong vùng cấm. Vì phán đoán sai, Mạnh bị dồn vào thế phải xoạc bóng. Vì chậm chạp, cú xoạc của anh thường bị xem xét có lỗi bởi các trọng tài.
Duy Mạnh nhiều lần đẩy đội nhà vào thế khó. Ảnh: Trương Hiếu. |
Tâm lý thi đấu
Nếu pha phạm lỗi rõ ràng với Rafaelson đến từ chuyên môn, cú vung tay trả đũa vào mặt Jermie Lynch lại phản ánh tâm lý thi đấu chưa tốt. Ở tình huống này, Lynch đã khéo léo gài bẫy Duy Mạnh khi đánh nguội trước. Nhưng với kinh nghiệm 7 mùa giải đá V.League cùng 5 năm đá chính ở đội tuyển, cầu thủ 26 tuổi lẽ ra không nên “sa bẫy” theo cách này.
Cái đầu nóng của Duy Mạnh là điều từng được nói tới không ít. Trung vệ gốc Đông Anh từng khiến tuyển Việt Nam chịu 2 quả phạt đền ở vòng loại thứ ba World Cup 2022. Trong đó ở trận gặp Oman (lượt đi), cú vung tay thừa thãi trúng tiền đạo đối thủ của Duy Mạnh đã dập tắt cơ hội có điểm của tuyển Việt Nam.
Duy Mạnh từng giải thích lối chơi “gắt” của anh chỉ nhằm mục đích bảo vệ đồng đội. Có thể hiểu, đó là chiêu bài tâm lý khi trận đấu đang ở giai đoạn căng thẳng. Nhưng trong bối cảnh các đối thủ ngày càng hiểu điểm yếu tâm lý của Duy Mạnh để khai thác triệt để, nếu không nghiêm túc nhìn lại bản thân, trung vệ mang áo số 28 có thể gây khó khăn cho chính đội bóng của anh.
Nếu không lấy lại phong độ, Duy Mạnh có thể đối mặt cuộc cạnh tranh vị trí khốc liệt tại cả CLB lẫn tuyển quốc gia. Tại đội Hà Nội, HLV Chun Jae-ho đang có Nguyễn Thành Chung, Bùi Hoàng Việt Anh, Huỳnh Tấn Sinh, chưa kể Đậu Văn Toàn có thể đá trung vệ khi cần. Ở đội tuyển, Thành Chung, Việt Anh, Adriano Schmidt, thậm chí Đình Trọng đều đủ khả năng thay thế vị trí trung vệ lệch phải của Duy Mạnh khi cần.