Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Uống rượu bia bị đỏ mặt là dễ bị ung thư?

Người dễ bị đỏ mặt khi uống rượu bia có nhiều nguy cơ ung thư đường tiêu hóa hơn, nhưng bất cứ ai uống rượu bia ở mức độ nào cũng làm tăng nguy cơ ung thư.

Bất kể bạn uống rượu bia dù ít dù nhiều, dù lâu lâu mới uống hay uống thường xuyên, đều làm tăng nguy cơ ung thư. Ảnh: cdn.centr.

Rượu bia là những thức uống chứa ethanol, hay còn gọi là cồn. Với đa số người Việt, việc uống rượu bia (thức uống có cồn nói chung) sẽ dễ dẫn tới một hiện tượng là mặt (hoặc cả cơ thể) bị đỏ bừng lên ngay sau khi uống. Sự thật là đằng sau hiện tượng này hé lộ nguy cơ ung thư cao hơn bình thường ở những người có biểu hiện này.

Nguyên nhân chính của hiện tượng đỏ bừng sau khi tiêu thụ thức uống có cồn là do acetaldehyde - chất trung gian trong quá trình phân giải cồn - bị tích tụ quá nhanh. Cụ thể, khi phân giải cồn (ethanol), cơ thể dùng một loại enzyme gọi là Alcohol dehydrogenase (ADH) để chuyển cồn thành acetaldehyde trước khi một loại enzyme khác (Aldehyde dehydrogenase, ALDH) nhanh chóng phá vỡ chất này thành acetate và đưa vào quy trình chuyển đổi acetate thành năng lượng…”.

Ở những người bị đỏ mặt sau khi uống rượu bia, họ đang mang đột biến khiến nhóm enzyme ALDH của họ bị hoạt động kém đi hẳn, dẫn tới quá trình phá vỡ chất trung gian acetaldehyde bị chậm lại, dẫn tới tích tụ chất này nếu tiêu thụ nhiều cồn trong thời gian ngắn.

Trong khi đó, acetaldehyde là chất có ngưỡng độc thấp, khi đạt tới ngưỡng độc sẽ gây các phản ứng như đỏ mặt, tăng nhịp tim, nôn ói. Nói cách khác, ở những người mang đột biến làm yếu đi hoạt động của nhóm enzyme ALDH, chu trình phân giải cồn không diễn ra đủ nhanh nên chất độc acetaldehyde tích tụ khiến họ có phản ứng đỏ mặt.

Vấn đề lớn ở đây là acetaldehyde không chỉ gây các tác dụng kể trên. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp chất này vào nhóm có đủ bằng chứng gây ung thư ở người (nhóm 1, theo phân loại của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Thế giới - IARC).

Việc tích tụ chất này trong máu sẽ làm tăng nguy cơ ung thư, do đó, về lý thuyết, những người dễ bị đỏ mặt khi uống bia rượu sẽ có nhiều nguy cơ ung thư hơn những người không mang đột biến gây hiện tượng này.

Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng nếu so sánh giữa hai nhóm khi tiêu thụ cùng một lượng cồn trong cùng một khoảng thời gian. Một nghiên cứu phân tích tổng hợp (nghiên cứu có độ tin cậy cao nhất) đăng năm 2019 cho thấy những người mang đột biến làm giảm khả năng của ALDH sẽ dễ bị ung thư dạ dày/đường ruột hơn.

Nhưng điều đó không đồng nghĩa là những người không mang đột biến này thì có thể uống rượu bia thoải mái.

Để giải thích cho vấn đề này, hãy hình dung việc tiêu thụ cồn như hình ảnh bạn đổ cồn vào một cái phễu. Cái phễu là dụng cụ giúp rút nước (dịch lỏng nói chung) dễ dàng hơn vào trong một bình chứa có miệng nhỏ, được thiết kế có đầu hứng to và lỗ thoát nhỏ.

Lỗ thoát càng nhỏ thì tốc độ chảy của nước đi qua phễu sẽ càng chậm và bị ứ đọng trong phễu lâu hơn; ngược lại, lỗ thoát càng to thì nước càng đi qua phễu sẽ càng nhanh. Tuy nhiên, cho dù bạn dùng cái phễu với lỗ thoát lớn, nếu bạn đổ nước vào quá nhanh (quá nhiều cùng một lúc), thì nước vẫn sẽ bị ứ đọng trong phễu một thời gian do thoát không kịp.

Khi bạn tiêu thụ cồn cũng vậy, cho dù bạn không mang đột biến làm giảm hoạt động của ALDH, nhưng nếu bạn uống quá nhiều cùng một lúc thì cơ thể cũng sẽ không xử lý kịp lượng acetaldehyde sinh ra, và bạn cũng sẽ bị các hiện tượng tương tự như ở những người mang đột biến ALDH, do đó cũng sẽ phải đối mặt với cùng nguy cơ ung thư như họ.

Tất cả nghiên cứu đến nay đều chỉ ra rằng không có một ngưỡng an toàn nào khi tiêu thụ thức uống có cồn. Tức là, bất kể bạn uống rượu bia dù ít dù nhiều, dù lâu lâu mới uống hay uống thường xuyên, đều làm tăng nguy cơ ung thư của chính bản thân bạn. Do đó, tốt nhất vẫn là hạn chế việc tiêu thụ thức uống có cồn (rượu bia).

Ruy băng tím - ThS. Nguyễn Cao Luân / Sài Gòn Books - NXB Dân trí

SÁCH HAY