Sự phát triển mạnh mẽ của eSports (thể thao điện tử) biến game thủ chuyên nghiệp trở thành nghề được giới trẻ mơ ước. VĐV eSports có thể nhận mức lương cao hơn mặt bằng chung của xã hội, đồng thời nổi tiếng và được hâm mộ như những ngôi sao giải trí hàng đầu.
Nhưng đằng sau ánh hào quang đó là hiện thực phũ phàng, VĐV eSports có tuổi nghề rất ngắn.
ESports mang đến cơ hội đổi đời cho nhiều bạn trẻ, nhưng đây là loại hình thể thao có tuổi nghề rất ngắn. |
Giai đoạn sung sức
"Giai đoạn đẹp nhất của một VĐV eSports là từ 18 đến 23 tuổi. Sự nghiệp của họ dài hay ngắn thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố", cựu game thủ Đoàn Văn "Warzone" Ngọc Sơn nhận định với Zing.
VĐV eSports thường giải nghệ khi 25 tuổi. Sự nghiệp của họ chia làm 4 giai đoạn.
Đầu tiên là thời điểm trước 18 tuổi. Họ phải trải qua quá trình huấn luyện khắc nghiệt với ít nhất 10 giờ tập mỗi ngày. Các đội eSports tuyển chọn những game thủ tiềm năng nhất để đưa vào huấn luyện trong khoảng 2 năm. Nếu vượt qua giai đoạn khó khăn này, họ sẽ được thi đấu chuyên nghiệp khi 18 tuổi hoặc có thể sớm hơn đôi chút tùy vào quy định ở các hệ thống giải.
Ở tuổi 21, ShowMaker đã là game thủ Liên Minh Huyền Thoại hàng đầu thế giới. |
Giai đoạn hai bắt đầu từ 18 đến 20 tuổi. VĐV eSports lúc này chỉ là những tài năng trẻ sở hữu kỹ năng cao, nhưng thiếu kinh nghiệm. Thời điểm này rất quan trọng khi những người thể hiện kỹ năng tốt nhất và đáp ứng được môi trường chuyên nghiệp sẽ trụ lại. Số còn lại sẽ bị đào thải.
Giai đoạn ba nằm trong khoảng 20 đến 23 tuổi. VĐV eSports sẽ đạt đỉnh phong độ ở thời điểm này khi kỹ năng hoàn thiện đồng thời tích lũy lượng kinh nghiệm cần thiết. Họ phải cạnh tranh gắt gao với nhiều đồng nghiệp để trở thành ngôi sao.
Cuối cùng, họ bước vào buổi hoàng hôn của sự nghiệp sau 23 tuổi. Game thủ sẽ đạt đến giới hạn của đôi tay và xuống phong độ kể từ tuổi 24 trở đi.
Chạm đến giới hạn cơ thể
VĐV eSports khó lòng duy trì sự nghiệp khi bước vào tuổi 25. Các đội eSports cũng không mặn mà trong việc ký hợp đồng với những game thủ ở tuổi này, ngoại trừ trường hợp xuất chúng như Faker hay Doinb.
Lý do lớn nhất khiến game thủ không thể thi đấu chuyên nghiệp lâu dài nằm ở thể trạng. Việc dành ít nhất 10 giờ tập luyện mỗi ngày trước máy tính khiến VĐV eSports giảm dần phản xạ từ não bộ, độ nhạy của mắt và sự tập trung. Song hành với đó, cánh tay cầm chuột của họ cũng dần yếu đi và mất sự linh hoạt.
"Bước vào giai đoạn xuống phong độ, phản ứng của tôi với các tình huống chậm hơn rất nhiều. Khi bộ não kịp phản ứng thì tay lại không nghe lời. Tôi cũng giảm khả năng tập trung và dễ phân tâm bởi yếu tố bên ngoài", Warzone chia sẻ.
Uzi, huyền thoại LPL (Giải Liên Minh Huyền Thoại Trung Quốc), là trường hợp đáng tiếc giải nghệ do chấn thương. |
Ngoài ra, hàng loạt chấn thương bắt đầu hiện rõ trên cơ thể nhiều VĐV eSports. Đây là cũng là nguyên nhân phổ biến khiến họ sớm giải nghệ.
Năm 2020, Uzi tuyên bố giải nghệ ở tuổi 23. Anh phải đối mặt với những chấn thương ở lưng, vai và cánh tay phải trong phần lớn sự nghiệp. "Bác sĩ nói đôi tay của tôi cứ như của người trong độ tuổi từ 40 đến 50. Đôi khi, tôi cảm thấy cánh tay của mình đã giải nghệ rồi", Uzi từng chia sẻ khi còn thi đấu.
Yếu tố tinh thần
VĐV eSports phải tập luyện khắc khổ khi còn là thực tập sinh đến lúc thi đấu chuyên nghiệp. Việc phải duy trì điều này nhiều năm liền khiến tâm lý và tinh thần của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
VĐV eSports thường xuyên kết thúc việc tập luyện một cách kiệt sức cả về thể xác lẫn tinh thần vào mỗi cuối ngày.
Đặc biệt, VĐV eSports chơi game không phải để giải trí như người bình thường. Họ chơi game vì thành tích và để chiến thắng. Khác biệt này khiến VĐV eSports luôn rơi vào trạng thái căng thẳng, thậm chí mất ngủ trong suốt sự nghiệp.
Faker vẫn thi đấu đỉnh cao ở tuổi 26. |
"Bất kỳ công việc nào cũng yêu cầu tinh thần, nhưng VĐV eSports đặc biệt cần duy trì điều này. Họ sẽ xử lý các tình huống chính xác khi có tinh thần tốt. Họ cũng có thể giữ vững tinh thần khi gặp đối thủ mạnh hay tình huống khó khăn nếu có sự thoải mái cũng như hứng khởi", Warzone cho biết.
Tinh thần bị bào mòn xuống mức thấp nhất là lý do cuối cùng khiến VĐV eSports đi đến quyết định giải nghệ.
Faker và Doinb là 2 trường hợp hiếm hoi vẫn có thể thi đấu chuyên nghiệp ở tuổi 25. Cùng sinh năm 1996, họ luôn duy trì cơ thể và tinh thần ở trạng thái tốt sau nhiều năm thi đấu.
"Faker và Doinb là những tài năng không ai sánh bằng khi còn đỉnh cao. Nên khi họ suy giảm phong độ, đẳng cấp của họ vẫn hơn rất nhiều đồng nghiệp. Yếu tố tâm lý, môi trường và quá trình rèn luyện cũng phần nào tác động đến sự nghiệp của họ", Warzone phân tích.