Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các đội eSports Việt Nam kiếm tiền từ đâu

Ở Việt Nam, eSports (thể thao điện tử) là cuộc chơi hấp dẫn nhưng cũng mang tới nhiều thách thức cho các nhà đầu tư.

Phát triển vũ bão trong những năm qua, eSports Việt Nam dần xuất hiện nhiều đội được tổ chức có hệ thống và quy mô. Họ thu hút các nhà tài trợ, có được nguồn tiền lớn, trả lương cao cho vận động viên và đang không ngừng mở rộng.

Doanh thu cua mot doi eSports anh 1

Các đội eSports hàng đầu có doanh thu từ nhiều nguồn khác nhau nhờ giá trị thương hiệu và thành tích.

Nguồn tiền của eSports

Tương tự thể thao truyền thống, đội eSports cũng có nhà tài trợ, đối tác quảng cáo và bán vật phẩm ăn theo. Họ cũng kiếm thêm doanh thu từ tiền thưởng dựa theo thành tích đấu giải và hợp tác với các nền tảng phát trực tuyến.

"Doanh thu của một đội eSports ở Việt Nam đến từ tiền đấu giải, bán vật phẩm cổ động, phí sử dụng hình ảnh khi tham gia hoạt động quảng bá thương hiệu của nhãn hàng hoặc thông qua livestream trên nền tảng trực tuyến", BLV Hoàng Luân nhận định với Zing.

Nguồn thu của các đội tỷ lệ thuận với thành tích và danh tiếng có được trong khoảng thời gian dài. "Nguồn tiền từ nhà tài trợ hoặc quảng cáo rất quan trọng, không chỉ về mặt kinh tế mà còn phản ánh giá trị thương hiệu của đội", anh nói.

Bán vật phẩm ăn theo thương hiệu cũng là hình thức phổ biến, nhưng không phải đội nào cũng thành công, nhất là tại Việt Nam. "T1 và 100 Thieves nằm trong số ít đội tuyển eSports thế giới có nguồn thu tương đối tốt từ việc bán vật phẩm. Phần lớn các đội còn lại trên thế giới chưa thu được đáng kể từ hình thức này", BLV Hoàng Luân chia sẻ.

Việc hợp tác cùng nền tảng phát trực tuyến cũng đóng góp một phần doanh thu cho các đội. Dù vậy, đây chỉ là nguồn thu trong thời gian ngắn vì các đội eSports chuyên nghiệp có lịch tập và thi đấu dày đặc trong năm. Game thủ chuyên nghiệp của các đội chỉ có thể tham gia mảng này ở thời điểm nghỉ ngơi giữa các mùa giải.

Nguồn tiền từ việc thắng các giải đấu cũng giúp các đội bù đắp phần nào chi phí vận hành. "Phần lớn game thủ chuyên nghiệp sẽ nhận lương, thưởng theo hợp đồng đã ký với các đội. Các đội không bị bắt buộc phải chia sẻ tất cả nguồn thu cho game thủ chuyên nghiệp", Hoàng Luân nói thêm.

Đội Tốc chiến SBTC Esports vừa thu về 1,6 tỷ đồng tiền thưởng sau 2 chức vô địch Icon Series SEA mùa hè và thu trong năm 2021. Số tiền này giúp họ trang trải nhiều khoản trong thời điểm khó khăn dịch bệnh.

Dù vậy, cũng giống như nhiều CLB bóng đá, đa số đội eSports chưa tự cân đối được thu chi. Nguồn sống chủ yếu của họ vẫn tới từ các ông bầu hay nhà tài trợ chính.

"Yếu tố sống còn của các đội eSports ở Việt Nam lúc này là chủ đầu tư có đủ tiền để tiếp tục cuộc chơi hay không. Tôi nhận định chủ quan là đa phần các đội chưa thể có đủ doanh thu từ các nguồn để bù vào chi phí vận hành", BLV Hoàng Luân cảm thán.

Doanh thu cua mot doi eSports anh 2

Nguồn doanh thu giúp các đội giảm tải gánh nặng chi phí vận hành.

Sức hút từ các tựa game

Yếu tố quan trọng tác động nguồn doanh thu của một đội eSports nằm ở cộng đồng người chơi các tựa game. Một cộng đồng người hâm mộ lớn mạnh sẽ thúc đẩy giá trị thương hiệu và tầm ảnh hưởng của các đội eSports. Nhãn hàng hay tổ chức lớn cũng sẽ ưu tiên lựa chọn đội eSports thi đấu tại các tựa game đang thịnh hành.

"Một tựa game ăn khách, thu hút với lượng người chơi lớn giúp các đội eSports xây dựng cộng đồng dễ hơn. Họ cũng dễ tìm được nguồn tiền gián tiếp thông qua thu nhập từ phát trực tuyến, quảng cáo và bản quyền hình ảnh", ông Nguyễn Hải Hoàng, chủ sở hữu một đội ở VCS B chia sẻ với Zing.

GAM Esports, Saigon Phantom, Team Flash và SBTC Esports là những đội có giá trị thương hiệu cao ở Việt Nam. GAM Esports là đội LMHT giàu thành tích và nổi tiếng nhất lịch sử. Còn Team Flash và Saigon Phantom tạo dựng tên tuổi ở tựa game Liên Quân Mobile.

SBTC sở hữu lượng người hâm mộ đông nhất Việt Nam từ các nền tảng phát trực tuyến trước khi dấn thân vào eSports chuyên nghiệp. Đội Tốc chiến của SBTC được đánh giá mạnh nhất thế giới (theo Gosu Gamers) và thống trị các giải đấu ở Việt Nam.

Doanh thu cua mot doi eSports anh 3

Cộng đồng người hâm mộ lớn tác động tích cực đến doanh thu của các đội eSports.

Liên Minh Huyền Thoại và Liên Quân Mobile là 2 tựa game có sức hút lớn nhất ở Việt Nam lúc này. Trang mạng xã hội chính thức của LMHT ở Việt Nam sở hữu 3,6 triệu lượt người theo dõi. Con số đó ở Liên Quân Mobile là 4,1 triệu.

Giải đấu chuyên nghiệp của 2 tựa game này thu hút nhiều nhà đầu tư lớn từ nước ngoài trong vài năm qua. Vào tháng 5, NRG Esports, một trong 10 tổ chức thể thao điện tử lớn nhất thế giới, hợp tác với CMG.ASIA hoàn tất thương vụ mua lại GAM Esports.

Các đội eSports cũng kiếm thêm nguồn thu từ việc tham dự giải đấu lớn của một tựa game. Họ sẽ nhận thêm tiền ăn chia với ban tổ chức từ quảng cáo, bán vé...

Kỳ Chung kết Thế giới 2017 của LMHT chào đón khoảng 80 nghìn người hâm mộ tới sân và 90 triệu lượt theo dõi trực tuyến. Kỳ International Dota 2 Championship 2017 thu hút 52 nghìn khán giả đến sân.

Lượng người xem lớn giúp các giải đấu này mang về doanh thu khổng lồ. Nguồn tiền từ đó được phân chia cho các đội tham dự dựa theo thành tích và thứ hạng.

Sự thành công của một tựa game được quyết định một phần bởi cộng đồng người hâm mộ. Đó cũng là yếu tố liên quan mật thiết đến doanh thu của một đội eSports.

Theo tìm hiểu của Zing, chi phí vận hành một đội Liên Minh Huyền Thoại ở hạng đấu cao nhất Việt Nam ngốn từ 150 triệu đến 300 triệu đồng mỗi tháng.

Trong đó, chi phí thuê mặt bằng của gaming house dao động từ 15 đến 50 triệu đồng mỗi tháng. Các khoản phí sinh hoạt khác bao gồm điện, nước, mạng internet, ăn uống và tài khoản tập luyện ở máy chủ nước ngoài rơi vào 30 đến 40 triệu đồng.

Các cũng đội tiêu tốn từ 70 đến 100 triệu tiền lương cho nhân sự. Tuy nhiên đây là chi phí dành cho các đội không có ngôi sao. Con số này có thể lên đến 200 triệu đồng nếu đội sở hữu ít nhất một ngôi sao.

"Một đội eSports chi tiêu tiết kiệm thì cũng tốn khoảng 150 triệu đồng mỗi tháng", một quản lý ở VCS tiết lộ với Zing.

Nhìn vào mức chi tiêu, có thể tưởng tượng nguồn kinh phí cần thiết để vận hành các đội eSports chuyên nghiệp tốn kém cỡ nào.

Sự khắc nghiệt của nghề game thủ chuyên nghiệp

Có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, game thủ eSports đồng thời phải đối mặt với những khắc nghiệt của công việc và sống trong môi trường đào thải rất cao.

GAM Esports đối mặt nguy cơ giải thể

GAM Esports không thể đến Iceland dự Chung kết Thế giới (CKTG) 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng thời đối mặt nguy cơ giải thể vì không được thi đấu trong thời gian dài.

Levi: 'Chúng tôi đang ở hoàn cảnh ngặt nghèo'

Đỗ "Levi" Duy Khánh, đội trưởng GAM Esports, tin việc không thi đấu trong thời gian dài gây ảnh hưởng lớn đến phong độ và sự nghiệp của các game thủ VCS.

Huỳnh Khoa

Ảnh: GAM Esports, Dot Esports

Bạn có thể quan tâm