Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chàng trai Việt thành cố vấn cho đội eSports Hàn Quốc

Gắn bó với Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) từ khi còn sinh viên, Lê Văn Tùng từng bước trở thành bình luận viên (BLV), phân tích viên và cố vấn cho đội eSports ở Hàn Quốc.

Năm 2013, Lê Văn Tùng ở tuổi 18 chỉ xem LMHT là công cụ giải trí sau thời gian căng thẳng trên giảng đường đại học.

Sau 8 năm kiên trì theo đuổi đam mê, chàng trai sinh năm 1995 đạt được một số thành tựu trong sự nghiệp với vai trò streamer, bình luận viên (BLV) và thành viên ban cố vấn của Fredit BRION, đội thi đấu ở LCK (Giải LMHT Hàn Quốc).

"Tôi nhận ra niềm đam mê mãnh liệt với tựa game này và dành nhiều thời gian hơn cho nó. Từ đó, tôi cố gắng tìm kiếm công việc có liên quan đến LMHT. Năm 2016, tôi bắt đầu đảm nhận công việc BLV cho các giải LMHT Việt Nam và thế giới", Tùng chia sẻ với Zing.

BLV Van Tung anh 1

Văn Tùng được đánh giá là BLV có chuyên môn hàng đầu ở tựa game LMHT. Ảnh: VCS.

Những ngã rẽ cuộc đời

Tốt nghiệp ngành Kinh tế đối ngoại ở Đại học Ngoại thương, Văn Tùng bắt đầu sự nghiệp bằng hướng đi khác mục đích ban đầu. Anh thử sức với công việc bình luận các trận LMHT trong những ngày đầu ra trường.

Quyết định của Tùng vấp phải sự phản đối từ phía gia đình. "Gia đình không thực sự ủng hộ. Tôi cố gắng thuyết phục bố mẹ cho phép mình theo đuổi con đường này", Tùng nhớ lại.

ESports của thời điểm 2013 vẫn còn trong giai đoạn sơ khai ở Việt Nam. Chính vì vậy, phần lớn người theo đuổi công việc ở lĩnh vực này đều gặp khó khăn chung về vấn đề tài chính. Tùng cũng không ngoại lệ.

Anh chia sẻ mình gặp nhiều khó khăn về vấn đề tài chính trong thời điểm mới ra trường. Chưa được đón nhận từ khán giả và hạn chế trình độ là những vấn đề của chàng cử nhân Đại học Ngoại thương khi đó.

Đồng thời, Tùng còn phải đối mặt áp lực đến từ phía gia đình và cộng đồng người xem khó tính của eSports. Đây là thứ áp lực vô hình nhưng đầy sức nặng với anh ở tuổi đôi mươi.

"Thời điểm mới ra trường, tôi không kiếm được đủ chi phí để trang trải cuộc sống và khó khăn đến mức nghĩ tới việc bỏ nghề. Tôi từng dự định từ bỏ để tìm công việc đúng với ngành học", anh kể.

Bước ngoặt đến với Tùng khi nhận lời mời cộng tác bình luận một thời gian ở VCS (Giải LMHT Việt Nam) vào năm 2018. Việc bình luận ở giải eSports hàng đầu Việt Nam giúp anh được nhìn nhận về năng lực và nổi tiếng hơn. Từ đó, những cơ hội lần lượt đến với Tùng.

BLV Van Tung anh 2

Văn Tùng gặp nhiều khó khăn trong thời gian đầu đến với eSports. Ảnh: NVCC.

Hành trình đến với eSports Hàn Quốc

Sau khoảng thời gian bình luận ở VCS, Tùng lọt vào mắt xanh của Dương "Tinikun" Nguyễn Duy Thanh, HLV GAM Esports ở thời điểm đó. "Tôi vô tình được mời tham dự chung một sự kiện với các thành viên và HLV GAM Esports. Sau khi trao đổi với nhau, anh Tinikun ngỏ lời giúp đỡ và mời tôi gia nhập đội với vai trò phân tích viên", Tùng kể lại.

Được trải nghiệm các trận đấu LMHT ở đẳng cấp cao nhất cùng những người có chuyên môn hàng đầu giúp Tùng hoàn thiện về chuyên môn và tư duy. Sau khi GAM Esports vô địch giải mùa hè 2019, anh quyết định trở lại công việc BLV và thử sức thêm với vai trò streamer. Khả năng bình luận cùng kiến thức chuyên môn có được từ công việc phân tích viên giúp Tùng làm nghề tốt hơn.

Song hành với công việc BLV, Tùng cũng thử sức với nghề streamer và phần nào đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, hướng đi của anh lại khác biệt so với phần còn lại.

BLV Van Tung anh 3

Khoảng thời gian ở GAM Esports giúp Văn Tùng hoàn thiện tư duy làm nghề. Ảnh: NVCC.

Thay vì tập trung chơi game trong những buổi trực tuyến, Tùng chủ yếu bình luận và phân tích trận LMHT của các giải đấu lớn hoặc game thủ hàng đầu thế giới. Hướng đi độc đáo này giúp Tùng dần tạo dựng cộng động riêng và có lượng người xem đáng kể trên các nền tảng phát trực tuyến.

Chia sẻ với Zing, Tùng cho biết muốn lan tỏa những kiến thức và góc nhìn có được sau vài năm làm nghề. "Tôi mong mọi người sẽ hiểu rõ hơn về cách một trận đấu diễn ra, qua đó có được trải nghiệm tốt hơn khi xem giải. Đồng thời, những kiến thức tôi truyền tải sẽ giúp họ hiểu hơn về LMHT và cải thiện khả năng chơi game", Tùng nói.

Đầu tháng 9, Fredit BRION bất ngờ công bố Tùng là thành viên trong ban cố vấn của đội. Với chức danh "member of Advisory Board", Tùng phụ trách đánh giá năng lực thí sinh tham gia các đợt tuyển dụng thực tập sinh của Fredit BRION. Các đội Hàn Quốc trong thời gian qua hướng sự chú ý đến thị trường eSports giàu tiềm năng ở Việt Nam.

Nhiều đội có động thái tuyển chọn thực tập sinh ở Việt Nam với hy vọng tìm kiếm nhân tài cho đấu trường LCK. Việc hợp tác với Fredit BRION là bước tiến lớn trong sự nghiệp của Tùng.

8 năm theo đuổi eSports, chàng trai 26 tuổi dần gặt hái nhiều thành quả trong sự nghiệp. Thu nhập cũng không còn là vấn đề khiến anh phải lo lắng lúc này.

"Tôi có mức thu nhập để trang trải cuộc sống thoải mái hơn và còn tiết kiệm được khoản tiền tương đối", anh nói.

Ngoại binh Hàn Quốc: 'Lối sống và văn hóa Việt rất hợp với tôi'

Khi VCS (Giải LMHT Việt Nam) hè 2021 không tổ chức, Kim "Poss" Min-cheol tận dụng khoảng thời gian này để cảm nhận văn hóa và con người ở Việt Nam.

Các đội eSports Việt Nam kiếm tiền từ đâu

Ở Việt Nam, eSports (thể thao điện tử) là cuộc chơi hấp dẫn nhưng cũng mang tới nhiều thách thức cho các nhà đầu tư.

Huỳnh Khoa

Bạn có thể quan tâm