Gửi Tết
Hàng năm gần ngày Tết đến, nghĩ tới tổ tiên, con cháu, những người đã ra ở riêng hoặc thuộc các ngành thứ, đều phải gửi Tết tới nhà trưởng, tức là người có trách nhiệm giữ giỗ Tết các bậc đã qua đời. Gửi Tết tức là đem đồ lễ đến nhà gia trưởng để người gia trưởng cúng tổ tiên trong dịp Tết.
Thường đồ lễ bao giờ cũng có vàng hương. Tùy theo tình liên lạc gia đình, có những thứ vàng riêng dùng trong việc gửi Tết. Những ngành trực thống phải gửi vàng hoa, còn những ngành khác dùng vàng hồ hoặc vàng lá.
Vàng hoa làm toàn bằng giấy màu vàng, làm kỹ lưỡng có mặt kính, có trang kim óng ánh, tượng trưng cho vàng thoi, do đó mỗi nghìn vàng là một nghìn thoi nhỏ. Vàng hồ là một thứ vàng gồm một phần ba những thoi vàng ở lớp trên làm bằng giấy bổi vàng và hai phần ba lớp dưới là những thoi bạc làm bằng giấy bổi trắng cũng có mặt kính nhưng ít hơn, hoặc có khi không có.
Những ngành trực thống, ngoài vàng hương, còn phải gửi thêm bánh mứt, gạo nếp, gà. Người gia trưởng sẽ dùng những đồ lễ gửi Tết của các ngành thứ cúng tổ tiên trong mấy ngày Tết. Lẽ tất nhiên bao giờ người gia trưởng cũng phải chi tiêu thêm, nhưng những đồ lễ gửi Tết bao giờ cũng đem cúng hết trong dịp Tết.
Con cháu gửi Tết để tỏ lòng nhớ ơn và kính mến tổ tiên. Tục này cũng thắt chặt thêm mối dây liên lạc giữa những người trong quyến thuộc xa gần.
Cây có gốc mới nở ngành sinh ngọn, Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu. Người ta nguồn gốc từ đâu? Có tổ tiên trước rồi sau có mình.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Van Trang Ho/Pexels. |
Biếu Tết
Cùng với việc gửi Tết nhà trường, người ta cũng nghĩ đến việc biếu Tết. Đây là dịp để người ta trả ơn những người đã có công với mình:
Học trò biếu Tết thầy học, con bệnh biếu Tết thầy lang, Dân biếu Tết quan, con nợ biếu Tết chủ nợ, Bạn bè biếu Tết lẫn nhau, Kẻ dưới biếu Tết bề trên. Trong việc biếu Tết này, quà biếu thường chẳng đáng bao nhiêu, nhưng tâm chân thành thật là đáng kể.
Tôi không nói đến những trường hợp con cháu biếu Tết ông bà cha mẹ, việc biếu Tết này có thể coi như gửi tết, nhưng chỉ nói đến những trường hợp khác để nhắc lại việc tục lệ lấy ân tình ràng buộc.
Thầy dạy học, hàng năm đã có lương vua, hoặc như ngày nay đã có lương chính phủ, nhưng Tết đến học trò không bao giờ quên thầy, nói chi đến những ông đồ dạy học quanh năm không có lương vua hoặc lương chính phủ, ngày Tết học trò có bổn phận phải nghĩ đến thầy, và phải nghĩ đến một cách rất chu đáo.
Các ông lang chữa bệnh thì lấy tiền, vậy mà con bệnh, nhờ được ông lang chữa cho khỏi bệnh, tuy đã trả tiền ông lang, nhưng cũng không bao giờ quên ơn ông đã cứu mình thoát bệnh. Hàng năm, mỗi Tết đến con bệnh lại nhớ tới ông lang, và ít nhiều cũng kiếm chút lễ mọn tết ông lang để tỏ lòng biết ơn.
Con nợ biếu Tết chủ nợ phần vì sự giúp đỡ của chủ nợ đã cho mình vay tiền trong lúc túng thiếu, và cũng nhân dịp để khất nợ.
Dân biếu Tết quan, kẻ dưới Tết người trên đều là vì cảm tình ân nghĩa, không ai bắt buộc ai nhưng ai cũng nghĩ đến sự ăn ở sao cho phải đối với những người đã có ơn với mình. Bạn bè biếu Tết nhau cũng vậy, đây là những dịp để chứng tỏ sự quý mến bạn hữu đối với nhau, nghĩ đến nhau.
Tôi tưởng cũng nên nói tới trường hợp các chàng rể chưa cưới Tết bố mẹ vợ. Biếu Tết thật là trịnh trọng để tỏ lòng biết ơn các người đã sinh ra vị hôn thê của mình. Sau khi cưới được vợ rồi, hàng năm các chàng rể cũng không bao giờ quên tết bố mẹ vợ.