Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tục chia phần trong hội hè của người Việt xưa

Trong những hội hè đình đám thường có tiệc tùng ăn uống, nhất là luôn luôn có phần chia cho dân làng.

Với những tục ăn uống với phần chia này, có nhiều người cho rằng đây là những hủ tục gây tốn kém cho dân quê, và chỉ tổ cho bọn đàn anh trong làng bày vẽ bắt dân làng đóng góp rồi cùng nhau phè phỡn. Ý kiến trên thật ra cũng có phần nào đúng những xã cường hào ác bá thường lợi dụng cơ hội để đè nén dân làng, nhưng nói đúng ra có phải chỉ riêng các bậc đàn anh tiệc tùng với nhau đâu. Dân làng đóng góp thì dân làng có ăn tiệc và cũng hưởng phân chia.

Chúng ta không nên nhìn tiệc tùng và phân chia trong những hội hè xã thôn với cặp mắt quá khắt khe như vậy. Nếu chúng ta hiểu rằng xưa kia tại thôn quê ba bốn làng mới có một ngôi chợ và chợ không phải họp hàng ngày, một tháng chỉ có sáu phiên, nghĩa là năm ngày chợ mới họp một lần, và sự di chuyển xưa kia không dễ dàng như ngày nay, không có xe đạp, không có xe máy, không phải cứ lúc nào người dân quê muốn đi chợ cũng được. Chúng ta lại phải hiểu thêm vấn đề dinh dưỡng của dân quê xưa thật nghèo nàn, chỉ rau dưa, hoặc đôi khi có con tôm con cá, rất ít khi có thịt thà.

Và cũng không phải lúc nào người dân quê cũng giết một gia súc làm thức ăn, người ta chỉ giết gà, giết vịt, mổ heo, mổ bò vào những dịp giỗ chạp, lễ tiết, và muốn ăn một miếng thịt, người ta phải tới chợ rất xa nhà để mua.

Nep  cu anh 1

Ảnh minh hoạ.

Với tiệc tùng, với phân chia trong hội hè đình đám, đây là một dịp bổ khuyết dinh dưỡng cho dân quê.

Chính vì vậy mà mỗi khi có việc làng, người dân quê rất vui lòng đóng tiền để được dự tiệc, để được phân chia. Ở đây, có người sẽ nói rằng tiền đóng nhiều song phần chia ít hoặc ăn uống có bao nhiêu, chỉ có đàn anh lợi dụng xơi hết.

Nói như vậy tức là chưa bao giờ sống ở thôn quê, và chưa bao giờ biết cái không khí hội hè đình đám. Trong một đám tiệc làng, cả làng cùng dự, đành rằng các bậc đàn anh được hưởng phần hơn, nhưng so với số tiền đóng dân làng cũng không bao giờ thiệt. Với số tiền đóng góp, nếu bỏ ra đi mua chợ, vừa mất công, vừa mất thì giờ, so lại số thịt thà mua được chưa chắc đã nhiều hơn số phần chia, vì ở đây dân làng mổ cả một con heo, con bò, còn đi mua là mua lẻ, còn phải tiền lời của người bán.

Tóm lại, tiệc tùng và phân chia trong dịp hội hè đình đám, chính là cơ hội cho người dân quê được ăn thịt, bổ khuyết cho sự dinh dưỡng thiếu thốn quanh năm.

Nói như trên không phải ý chúng tôi muốn làm sống lại tục lệ này. Đời sống ngày nay với nhiều phương tiện mới khác với đời sống xã hội xưa. Chúng ta phải biết thích ứng. Trên đây là mấy mục đích chính của hội hè đình đám, nhưng ngoài những điểm trên, Hội hè đình đám đối với dân quê còn có thể có những mục đích khác.

Thí dụ: Như hai xã giao hiếu với nhau, trong dịp hội hè tại làng nọ, làng kia thường cử phái đoàn tới tham dự lễ để tỏ tình đoàn kết, hoặc thí dụ nhiều làng có những tục lệ mà theo tin tưởng của người dân quê thì hàng năm cần phải được nhắc lại để tránh sự không hay cho dân làng, như tại nhiều làng mà cả làng làm một nghề không được coi là cao quý nhưng là một nghề thiết thực, thì trong dịp hội hè, nghề này được công khai đề cao với lễ nghi để dân làng không có mặc cảm khi hành nghề v.v...

Thời gian mở hội

Hội hè đình đám không phải mở quanh năm, và không phải bất cứ lúc nào dân làng cũng vào đám. Ca dao có câu:

Tháng giêng ăn Tết ở nhà, Tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè.

Ca dao nói như vậy, không phải hội hè chỉ mở riêng vào tháng ba, thực ra ngay trước ngưỡng cửa mùa xuân tới, người ta bắt đầu mở hội tại nhiều xã thôn quê, như làng Bạch Lưu Hạ, huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phú), nhưng hội hè đình đám mở nhiều nhất trong ba tháng mùa Xuân, nhất là trong tháng Giêng và khi mùa Thu tới, với tiết Thu mát mẻ của tháng tám, với lúa ba trăng trổ bông, với việc cày cấy vụ tháng mười đã hoàn tất, dân quê cũng mở hội ở nhiều nơi như trong mùa Xuân vậy.

Hội hè cứ theo chu kỳ hàng năm mà trở lại, khiến người ngoại quốc khi nghiên cứu về phong tục Việt Nam đã dùng danh từ Hội Mùa (Fêtes saisonnières) để chỉ những hội hè này.

Toan Ánh/ NXB Trẻ

SÁCH HAY