Thời gian trôi qua...
Bao nhiêu năm sau, lúc ấy Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đuổi theo rất gấp nên từ Gia Định, Nguyễn Ánh theo “đường Sứ”, qua Tây Ninh sang Lào đi Xiêm cầu binh cứu viện.
Lúc Nguyễn Ánh chạy đến trảng Mang Chà vùng Bùng Binh hiện nay, bị Tây Sơn đuổi nã, còn đang do dự chưa biết tính lẽ nào thì được nhân dân cho biết trên núi có bà hiển thánh, ai tin bà cầu gì được nấy. Nguyễn Ánh mới sai Quản cơ Lê Văn Duyệt phi ngựa đến núi cầu bà mách giùm tương lai nhà Nguyễn.
Trong đêm, lúc mơ màng giấc điệp, Nguyễn Ánh được bà cho biết cứ theo “đường Sứ” đến Tây Ninh vòng qua Núi Bà, lên Võ môn tam cấp, qua Xiêm cầu viện, sự nghiệp cả sẽ nên, còn việc ngăn đón Tây Sơn, bà đã có cách.
Nguyễn Ánh cùng quan quân hôm sau tiếp tục cuộc thoát thân và công cuộc được như bà đã ứng mộng. Quân Tây Sơn theo đường thủy sông Sài Gòn đuổi theo rất gấp. Được tin Nguyễn Ánh qua trảng Mang Chà, quân Tây Sơn càng hăng hái chèo thuyền không quản ngày đêm, định tận diệt dòng họ Nguyễn.
Nhưng vừa qua khỏi khúc sông Bùng Binh, thuyền thình lình đụng vào đá chìm trong đêm tối, làm cho quan quân Tây Sơn chết rất nhiều. Vì lực lượng còn quá ít, nên các tướng sĩ sống sót phải dùng một vài chiếc thuyền còn lại trở về Gia Định. Trên sông Sài Gòn tại chỗ thuyền Tây Sơn chìm nay còn xoáy nước.
Nhờ vậy, Nguyễn Ánh chúa tôi thoát nạn và về sau được các tướng hữu danh hợp về một mối, phá tan Tây Sơn, xây dựng lại nghiệp cũ.
Sau khi lên ngôi, vua bèn cho đúc cốt Bà Đênh bằng đồng đen và giao quan trấn thủ miền Nam đưa lên núi tại động thờ bà và kèm theo sắc phong cho bà là Linh Sơn Thánh Mẫu. Do đó nơi thờ bà được chư sư và bá tánh gọi là Linh Sơn Tiên Thạch Động.
Dân chúng, nghe lại tích bà, nên gọi núi Tây Ninh là núi Chân Bà Đênh rồi nay gọi tắt và trại ra là núi Bà Đen.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Tạp chí Doanh nghiệp và tiếp thị. |
Sự tích việc lập Điện Bà
Phật Bà đã hiển thánh, nhưng việc thành lập Điện Bà dùng làm nơi hương khói thờ phụng bà, không phải dân dựng nên ngay, mãi về sau điện mới được dựng nên do tu sĩ Đạo Trung.
Vào cuối thời kỳ Tây Ninh còn thuộc đất Miên, có một vị tu sĩ tên là Đạo Trung đến ẩn trú trên núi Bà và sinh sống bằng cách khai khẩn một khoảng đất tại nơi đây.
Tu sĩ cô đơn sống 31 năm một mình nơi núi rừng, sớm chiều lo tụng kinh niệm Phật. Cho đến một ngày kia bỗng nhiên, tu sĩ trông thấy Phật Bà hiển hiện trên đỉnh núi. Và ít lâu sau, tại một dòng suối, tu sĩ tìm được bức tượng bằng đá của Phật Bà, ông liền thỉnh về núi lập động để thờ phụng. Điện Bà có từ đó.
Điện Bà lập nên, khách thập phương tấp nập về chiêm bái nhất là trong tháng đầu xuân.
Sự tích Phật Bà theo dân Chàm
Dân Chàm ngụ tại xã Đông Tác, thường nhắc tới sự tích Phật Bà khác hẳn sự tích trên. Theo họ sự tích Phật Bà như sau:
Ngày xưa Hoàng đế nước Chàm cướp công chúa nước Việt làm hoàng hậu. Sau xảy ra chiến tranh giữa hai nước Chàm và Việt, hoàng hậu không nghĩ đến việc giúp đỡ chồng gìn giữ đất nước, lại cố tình giúp đỡ nước Việt để chiến thắng nước Chàm.
Hoàng hậu đã khuyên nhà vua đốn bỏ một cây thần mọc ở trước cung điện. Nước Chàm thuở ấy được thịnh vượng nhờ cây thần này, và dân Chàm tin rằng cây thần linh thiêng là nhờ phép mầu của Phật Bà.
Vua Chàm nghe lời hoàng hậu đốn cây thần, dùng gỗ cây chế tạo một chiếc tàu chiến. Với tàu chiến, mỗi lần ra quân, quân Chàm luôn luôn thắng quân Việt, chiếc tàu chiến vẫn được Phật Bà che chở.
Quân Việt phải tìm cách cắm cừ giữa sông, chiếm đoạt được chiếc tàu, sau đó mới chiến thắng được quân Chàm!
Dân chúng trẩy hội
Mỗi năm xuân tới, dân chúng miền Nam kéo nhau tới lễ Điện Bà, người đông như nước chảy. Lễ Điện Bà để cầu sự phù hộ của người và cũng nhân dịp ngắm xem phong cảnh hùng vĩ của Núi Bà.
Đến Tây Ninh, còn phải đi chừng hơn mười cây số về phía Bắc mới tới chân núi, đường đi dễ dàng, có thể sử dụng các loại xe.
Từ chân núi, khách trẩy hội phải đi bộ và phải leo núi. Điện Bà ở lưng chừng núi, nơi cao độ 380 thước. Đường lên núi tuy phải leo trèo, nhưng có nhiều đoạn được xây thành bực đi cũng dễ dàng. Hai bên đường rải rác có những ngôi nhà nhỏ xinh xinh để khách nghỉ chân. Có thể ở những ngôi nhà này có vài bà hoặc cô bán quà bánh và đồ giải khát, thường là trái cây. Cũng có người bán những lâm sản lấy ở trong núi như những hạt đậu nọc dùng để trị rắn rết hoặc bọ cạp cắn rất thần hiệu.
Khách đi giữa bóng cây râm mát, giữa tiếng ve kêu như khúc nhạc thiên thu, và có lúc con đường lên núi lại đi qua một dòng suối nước chảy róc rách thật nên thơ.
Đền Linh Sơn Thánh Mẫu ở lưng chừng núi. Khách vào lễ đền rồi nghỉ ngơi. Tuy đền ở giữa rừng núi, nhưng trong tháng Giêng, từ mồng 10, ngày nào cũng đông khách tới lễ bái, nhất là ngày rằm quang cảnh đền càng nhộn nhịp, người lễ bái đông gấp bội những ngày khác.
Lễ tại đền xong, khách có thể ra về hoặc tiếp tục theo đường mòn leo lên núi. Núi cao trên 800 thước và đỉnh núi luôn luôn có mây che, do đó núi còn có tên là Vân Sơn.
Thường thường khách lễ trong đền xong, đều lên lễ chùa ở phía trên. Nơi đây nhà chùa có cơm chay đãi khách, khách cứ việc dùng rồi cúng tiền vào quỹ chùa, có hoặc không, nhiều hoặc ít tùy hỉ. Nếu khách muốn lưu lại chùa, nhà chùa sẽ có giường màn mời khách ngủ, ai cũng như ai không phân biệt sang hèn, không phân biệt người cúng tiền vào chùa nhiều ít.
Khách có thể lưu lại hai ba ngày hay lâu hơn nữa, khách vẫn được nhà chùa thết đãi một cách nồng hậu như người mới tới. Ở chốn tu hành, đồng tiền không có nghĩa, và người mộ đạo, ai cũng như ai.
Chùa đã ở gần đỉnh núi, nhưng trên cao nữa còn có miếu Sơn Thần. Khách có thể lên miếu, nếu không ngại dốc đá chênh vênh, leo trèo khúc khuỷu. Dân chúng sùng bái Linh Sơn Thánh Mẫu, mùa xuân tới ai cũng nghĩ tới đi lễ để cầu mong một năm thịnh vượng.