Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Năm giọng khó hát của quan họ là gì?

Năm giọng này khó hát vì tiếng hát phải xuất phát từ bề sâu trong cuống họng. Năm giọng Trên này chỉ dùng tới khi hát giải.

NĂM GIỌNG TRÊN

Thường gặp nhau trong ngày hội trai gái quan họ chỉ bắt qua ba giọng Sổng, Vặt và Bỉ, nhưng ngoài ba giọng phổ thông trên, quan họ còn có năm giọng nữa, là năm giọng Trên. Năm giọng này khó hát vì tiếng hát phải xuất phát từ bề sâu trong cuống họng. Năm giọng Trên này chỉ dùng tới khi hát giải. Năm giọng này mang những tên rất lạ:

Lên núi: Giọng hát khi hát lên, người nghe có cảm giác như thấy một đoàn người reo hò cùng nhau leo núi. Câu hát lối thứ tự. Rất tiếc kẻ viết bài này lâu ngày không còn nhớ được câu nào.

Đường bạn: Giọng gắn bó keo sơn với những lời hát rất tình tứ.

Xuống sông: Cũng như giọng lên núi, khi hát lên người nghe có cảm giác như một đoàn người đang bước xuống kín nước ở dòng sông.

Hừ la: Tên thật kỳ khôi với những bài hát giọng kéo dài đặc biệt.

Tình tang: Cũng như giọng hừ la, lúc hát câu hát được đệm bằng những tiếng tình tang. Năm giọng trên của quan họ chỉ người lão luyện mới hát nổi, vừa tốn hơi tốn sức, lại phải diễn tả cho đúng điệu của mỗi giọng.

Nep cu anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: dulich3mien.

NGUỒN GỐC TỤC HÁT QUAN HỌ

Như trên đã nói, theo tương truyền thì tục hát quan họ do Hiếu Trung Hầu đặt ra để mua vui lúc tuổi già. Vốn là một hoạn quan, không có con cái, Hầu đã phó thác sự cúng giỗ của mình sau khi nhắm mắt cho dân chúng tổng Nội Duệ, nhưng trong tuổi già sống không con trơ trọi, ngày tháng nặng nề Hầu tìm cái vui trong cái vui của đàn trẻ trong thôn xã, trong hàng tổng.

Dựa theo lối hát ví của vùng Kinh Bắc tức là tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc), Hầu đặt ra lối hát quan họ này để cho trai gái hát với nhau trong những buổi gặp gỡ. Hầu dùng lối hát quan họ thay cho hát ví, hát ví bao giờ cũng chỉ có một giọng đều đều, kém linh động, kém tình tiết, kém cả nồng nàn trong lối diễn tả.

Vốn đã được hầu hạ nhà vua trong cung cấm, Hầu căn cứ vào những điệu nhạc khi vui khi buồn khi đầm ấm khi dằn dỗi để đặt ra những giọng hát quan họ, diễn tả cho đúng tình cảm từ lúc trai gái mới gặp nhau, qua thời kỳ gắn bó cho tới khi từ giã tượng trưng bởi ba giọng chính: Sổng, Vặt và Bỉ.

Lúc mới sơ khởi, Hầu có ban nhạc hòa theo các giọng hát, nhưng về sau trong thôn quê, không phải lúc nào cũng sẵn nhạc, nên dân chúng gặp gỡ nhau là hát theo những điệu giọng Hầu đã đặt ra. Thay vì nhạc, họ hát giọng đối để tránh sự trơ trẽn của đơn ca, để người có giọng ấm có thể dìu dắt người còn non giọng.

Hát quan họ lúc đầu chỉ có tại mấy xã thuộc tổng Nội Duệ như Lũng Giang, Lũng Sơn v.v... nhưng dần dần dân chúng vùng lân cận thấy hay đều cùng nhau tập hát. Cho tới thời tiền chiến, tục hát quan họ này lan suốt nhiều xã thuộc hai huyện Tiên Du và Võ Giàng tỉnh Bắc Ninh, và còn lan tràn sang một số các xã tỉnh Bắc Giang ở bên kia sông Cầu như Mật Ninh, Nội Ninh...

Toan Ánh/ NXB Trẻ

SÁCH HAY