Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Truyện Kiều’ qua góc nhìn của họa sĩ Lê Thiết Cương

Họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ 24 bức tranh lấy cảm hứng từ "Truyện Kiều", thể hiện góc nhìn mới về tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du.

Truyện Kiều là niềm cảm hứng cho nhiều họa sĩ. Từ các bộ tứ danh họa như Trí, Vân, Lân, Cẩn; Nghiêm, Liên, Sáng, Phái; bộ tứ thành danh ở trời Âu là Phổ, Thứ, Lựu, Đàm đến các họa sĩ nổi tiếng như Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Tị, Tạ Thúc Bình, Lê Văn Đệ… đều từng họa Kiều. Mỗi họa sĩ đều có cách hiểu, vẽ Kiều riêng.

Tuyệt tác thi ca của Nguyễn Du tiếp tục khơi gợi cảm xúc cho các họa sĩ đương thời sáng tạo. Mới đây, họa sĩ Lê Thiết Cương ra mắt 24 tranh vẽ Kiều với phong cách, chất liệu mới mẻ. Các bức tranh đang được trưng bày tại Gallery Thăng Long (Hàng Gai, Hà Nội). Tác phẩm cũng được in thành sách Truyện Kiều - Nguyễn Du / Lê Thiết Cương - 24 tranh.

Le Thiet Cuong ve Kieu anh 1

Sách tập hợp các bức tranh vẽ Kiều do họa sĩ Lê Thiết Cương thực hiện. Ảnh: Đỗ Thu.

Vẽ Kiều theo phong cách tối giản

Theo truyền thống nghệ thuật phương Đông, “thi trung hữu họa”, trong thơ luôn có hình ảnh, màu sắc. Tuy vậy, để họa thơ, vẽ một bức tranh từ cảm hứng mà câu thơ khơi gợi không phải dễ dàng; nhất là với những câu thơ tả tâm tình, những câu triết lý nhân sinh.

Họa sĩ Lê Thiết Cương định hình với phong cách hội họa tối giản. Ông sử dụng phong cách của mình để vẽ tranh Kiều tối giản với chất liệu bột màu trên vải màn bồi giấy dó.

Nàng Kiều trong tranh của Lê Thiết Cương mang đậm hồn dân tộc với yếm đào, khăn mấn, khăn mỏ quạ, đội nón. Mỗi bức tranh vẽ trên cảm hứng từ những câu thơ trong truyện Kiều. Đó có thể là tranh họa lại những câu tả cảnh, tả người như “Cỏ non xanh tận chân trời / Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” hay “Râu hùm hàm én mày ngài”…

Với những câu thơ về tâm trạng, nỗi lòng, họa sĩ chọn cách vẽ ước lệ, tối giản. Họa sĩ vẽ bức Tương tư, là phần họa câu thơ “Sông Tương một dải nông sờ / Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia”.

Để diễn tả Thúy Kiều, Kim Trọng nhớ thương mà không được gặp nhau, họa sĩ vẽ chân dung hai nhân vật ngược nhau. Mỗi nhân vật ở một đầu tranh, có bốn nét vẽ như bốn sợi dây đàn nguyệt tượng trưng cho một dòng sông chảy qua khuôn mặt hai người.

Cũng với vài nét phác tưởng chừng đơn giản, họa sĩ vẽ những bức tranh ước lệ, gợi đến những câu thơ, triết lý nhân sinh trừu tượng như “Đau đớn thay phận đàn bà / Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”, hay “Có tài mà cậy chi tài / Chữ tài liền với chữ tai một vần”…

Le Thiet Cuong ve Kieu anh 2

Họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh: Duy Anh.

“Dịch” thơ sang họa

Lê Thiết Cương từng minh họa thơ của các tác giả như Đặng Đình Hưng, Du Tử Lê, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương… Ông là người vẽ bìa cho nhiều tập thơ văn của các tác giả nổi tiếng, vẽ minh họa thơ trên gốm.

Với Truyện Kiều, Lê Thiết Cương đã gắn bó từ nhỏ. Truyện thơ của Nguyễn Du đã thấm vào họa sĩ một cách tự nhiên, từ lời ru của bà và người thân xung quanh.

Sau bao năm ấp ủ, giờ đây, Lê Thiết Cương bắt tay vẽ trên cảm hứng từ tác phẩm của Nguyễn Du. “Sở dĩ lần này có thể vẽ Kiều được vì với Truyện Kiều, người vẽ đã đi qua những đoạn trường nào đó thì nhập vào Kiều dễ hơn chăng?”, họa sĩ giãi bày.

Lê Thiết Cương cho rằng trước khi vẽ Kiều, người vẽ cần đọc trước. Đọc ở đây không chỉ là nhìn mặt chữ, mà là “đọc” vẻ đẹp của câu chữ. Trước khi sử dụng màu, tạo hình, họa sĩ cũng cần xác định công việc mình làm, tức vẽ bức tranh hoặc minh họa dựa trên tác phẩm văn chương là gì.

Họa sĩ Lê Thiết Cương xác lập một tâm thế, quan điểm riêng khi vẽ Kiều. Với ông, “Truyện Kiều là ga khởi hành, nhưng đích đến dứt khoát phải là hội họa, phải là vẻ đẹp của chữ nghĩa đã được chuyển soạn thành vẻ đẹp của ngôn ngữ tạo hình”.

Quan niệm vẽ Kiều là dịch từ thơ sang hội họa, phổ họa vào Kiều, công việc mà họa sĩ Lê Thiết Cương làm cũng giống như việc nhạc sĩ Phạm Duy thực hiện Kiều ca, nhạc sĩ Trần Quảng Nam soạn opera Kiều…

Mỗi bức tranh vẽ trên cảm hứng từ câu thơ của Nguyễn Du cùng dẫn giải của họa sĩ như một gợi ý để người đọc thơ, người ngắm tranh thêm một cách hiểu về Truyện Kiều.

Mỗi bức tranh vẽ của Lê Thiết Cương lại có thêm một câu thơ ngắn của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha sáng tác từ câu thơ Kiều. Khởi đi từ thơ Nguyễn Du, tranh vẽ của Lê Thiết Cương và thơ của Nguyễn Thụy Kha trên mỗi trang sách tạo thành một bản hòa tấu giữa thi ca và hội họa.

Trong cuốn Truyện Kiều - Nguyễn Du / Lê Thiết Cương - 24 tranh, phần phụ lục, họa sĩ Lê Thiết Cương thống kê 177 chữ “lòng” được sử dụng trong 3.254 câu Kiều.

Từ chữ “lòng” đầu tiên trong câu “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” và chữ “lòng” cuối cùng trong câu “Thiện căn ở tại lòng ta”, Nguyễn Du đã nhiều lần sử dụng từ này: Ướm lòng, não lòng, nặng lòng, lấy lòng, tạ lòng, dứt lòng, lòng xuân…

Lê Thiết Cương cho rằng chữ “lòng” thể hiện toàn bộ nội dung, tư tưởng, nghệ thuật của Truyện Kiều. Để giải quyết được chuyện ở “cõi người ta”, cần quay về với chính mình “thiện căn ở tại lòng ta”; tất cả đều ở lòng nhân.

Ngoài phần tranh và phụ lục, cuốn sách cũng in lại toàn bộ nội dung Truyện Kiều của Nguyễn Du. Phần thơ này in theo bản Nguyễn Du - Truyện Thúy Kiều do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, ấn bản đầu in năm 1925.

Triết lý Tarot với 'Truyện Kiều'

Bài Tarot và "Truyện Kiều" dù có cách thể hiện khác nhau, cùng nhắm đến kể chuyện về nhân sinh và con người.

Kể lại 'Truyện Kiều' bằng lời của 12 nhân vật

Tác giả Cao Nguyệt Nguyên và 12 họa sĩ trẻ có cách tiếp cận mới với tác phẩm kinh điển của Nguyễn Du qua cuốn sách "Truyện Kiều tự kể".

Đỗ Thu

Bạn có thể quan tâm