Lược khảo văn học gồm 3 tập (lần lượt ra mắt thời gian 1963-1968), được GS Nguyễn Văn Trung viết hướng đến đối tượng trước nhất là "nhằm gửi tới những sinh viên bắt đầu bước vào ngưỡng cửa đại học" khi ông phụ trách phần Văn học tổng quát tại Đại học Văn khoa.
Giãi bày là thế, nhưng vượt thoát khỏi chủ đích thực sự của tác giả, tác phẩm nghiên cứu này là một công trình dày dặn và có giá trị học thuật cao, được đông đảo bạn đọc thời đó và bây giờ đón nhận. Những kiến giải trong sách vẫn thể hiện được sự mới mẻ, ý kiến gợi mở, góc nhìn riêng, khách quan của tác giả.
Tác phẩm được NXB Tổng hợp TP.HCM phát hành, mới được trao giải tại Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba.
Ngôn ngữ văn chương là "tiếng nói trong im lặng"
Trải qua ba tập sách, tác giả đưa độc giả tìm hiểu nhiều ngõ ngách của văn học mà ở đó, những quan niệm, trường phái, những đúc kết có thể làm sáng rõ nhiều vấn đề dẫu là khô khan như khái niệm, định nghĩa văn học, văn chương... trở nên mềm và sống động, thực sự trực quan trong cảm nhận của người đọc.
Bàn về văn chương Việt Nam, với tiêu chí "tiếng nói, chữ viết của một nước là cái hồn của nước đó", tác giả chủ trương "có lẽ không thể coi thơ văn viết bằng tiếng nước ngoài là văn chương Việt Nam".
Dẫn trường hợp văn chương do trí thức Tây học người Việt viết bằng Pháp ngữ trước 1945, tác giả cho rằng đó là trí thức vong bản, đã mất dân tộc tính, nên văn chương của họ cũng không phản ánh được hồn cốt của dân tộc.
Bộ sách Lược khảo văn học của GS Nguyễn Văn Trung gồm 3 tập do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành. Ảnh: Trần Đình Ba. |
Văn chương chữ Hán lại là trường hợp đặc biệt, vì một thời kỳ lâu dài chữ Hán được coi là văn tự chính, được dùng trong giáo dục, khoa cử và sáng tác văn chương.
Dẫu là tác phẩm nghiên cứu văn chương, những dữ liệu lịch sử lại được đan cài, bổ túc cho luận chứng rất thực tế và sống động.
Cũng qua đó, ta biết được thời Hồ Quý Ly, thời Tây Sơn, chữ Nôm được dùng làm văn tự chính thức, tiếc rằng thời gian thực hiện ngắn ngủi cùng triều đại nên thứ chữ dân tộc ấy không có cơ hội khẳng định chỗ đứng vững chắc.
Tác giả dành dung lượng sách nói về vai trò, vị trí của nhà văn, với thiên chức của người cầm bút. Xem xét vị trí của nhà văn trong xã hội, GS Nguyễn Văn Trung nhận định người viết phải hòa mình vào thực tế đời sống của xã hội. Nhưng nếu tìm hiểu trong dặm dài sự phát triển của văn chương, không phải lúc nào nhà văn cũng "nhập thế".
Từng có thời, nhà văn, cũng là ẩn sĩ, lập am, lập thất, lên núi cao, về thôn quê để sống ẩn dật, lánh đời trần tục như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm... Nhưng viễn cảnh đó không còn trong xã hội thực tại đối với người làm thiên chức văn học.
Nếu trong nhiều tác phẩm văn học sử trước kia như Việt Nam văn học sử yếu (Dương Quảng Hàm), Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam (Trương Tửu), Lịch sử văn chương Việt Nam (Hồ Hữu Tường)... bàn chuyện thuần về văn học, thì ở tác phẩm này, tác giả mở rộng địa hạt tìm hiểu hơn rất nhiều.
Chẳng hạn ở tập 3 có cả một chuyên luận về ngôn ngữ văn chương qua văn vần, văn xuôi, qua những biến đổi của thơ, tiểu thuyết. Xem ngôn ngữ văn chương là "tiếng nói trong im lặng" được thực hiện qua ngòi bút, nhưng vai trò, giá trị biểu đạt của nó thì vô biên.
Không dừng lại ở đó, tác giả mở rộng đường biên khi tìm hiểu cả ngôn ngữ kịch bởi lý do kịch là "bộ môn văn chương hay là bộ môn nghệ thuật tạo hình". Ở đó là những phân định chuyên sâu về nhạc kịch, tuồng chèo... cùng những phạm trù liên quan được truyền tải ở chất bi, chất hài, chất phê phán...
Góc nhìn độc đáo về những nghi án văn chương
Tập 3 của sách được bao hàm với chủ đề khô khan "Nghiên cứu và phê bình văn học", nhưng lại vô cùng hấp dẫn khi gạn lọc "những nghi án văn chương chưa được giải quyết".
Một phần lớn nội dung của tập này đã được tác giả thực hiện làm bài giảng cho sinh viên Văn khoa niên khóa 1966-1967 với tên gọi Ngôn ngữ văn chương và phê bình văn học.
Lược khảo văn học tập 3 của GS Nguyễn Văn Trung. Ảnh: Trần Đình Ba. |
Với những nghi án văn chương Việt Nam, nguyên nhân được tác giả phân tích thể hiện ở việc thiếu sử liệu về tác giả, tác phẩm. Có trường hợp chắc chắn về tác giả nhưng lại không thể xác định được tác phẩm nguyên bản. Chẳng hạn như Lục Vân Tiên.
Chỉ riêng bản Lục Vân Tiên của Abel des Michels in tại Paris năm 1883 và bản của Trương Vĩnh Ký in tại Sài Gòn cùng năm đó đã sai khác nhau đến mấy trăm chữ.
Bản Trương Vĩnh Ký có 2.076 câu, bản Abel des Michels lại có 2.088 câu.
Trường hợp Truyện Kiều được xem là tuyệt tác, là niềm tự hào dân tộc thì thống kê đến năm 1960 có ít nhất 7 bản Nôm, 21 bản quốc ngữ nhưng... không biết bản nào là gốc, là chuẩn vì đã bị "sửa sang" qua thời gian.
Bên cạnh nghi án văn chương khuyết bản đầu tiên của tác phẩm, còn có trường hợp có tác phẩm, nhưng khuyết tác giả (vô danh, khuyết danh). Biểu hiện rõ nhất là những tác phẩm văn chương nổi tiếng thời trung đại như Phan Trần, Nhị độ mai, Thạch Sanh... dẫu hay, những bị xếp vào loại khuyết danh.
Lại có trường hợp tác phẩm như Chinh phụ ngâm dẫu có tác giả gốc bản chữ Hán là Đặng Trần Côn, nhưng việc xác định tác giả dịch ra chữ Nôm gặp nhiều tranh luận.
Tác phẩm Cuộc phỏng vấn các nhà văn do NXB Đời Mới in năm 1945. Ảnh: Trần Đình Ba chụp màn hình. |
Có ý kiến cho rằng bản dịch của Đoàn Thị Điểm, ý kiến khác lại cho là Phan Huy Ích... Cuộc tranh luận thu hút đủ mặt những nhà nghiên cứu nổi tiếng như Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn... nhưng không dễ có kết luận chắc chắn.
Ngoài việc bàn luận những nghi án văn chương trung đại, tác giả cũng hướng tới buổi giao thời đầu thế kỷ 20 với trường hợp Nam Phong và Đông Dương tạp chí. Trong đó tập trung vào trường hợp Nam Phong.
Với những chứng lý thuyết phục trên cơ sở khoa học từ nội dung, ban biên tập, kinh phí hoạt động, Nam Phong được nhận định là một tờ báo không chỉ đơn thuần mang tính văn chương, mà nó được lập ra và hoạt động, là một phương tiện ngôn luận từ động cơ chính trị của thực dân đối với văn hóa nước Việt.
Rời khỏi chủ đề nghi án văn chương, tác giả đưa chúng ta đến với những chủ đề tưởng khô khan nhưng lại có nội hàm hấp dẫn không kém.
Nhìn vào chủ đề "phê bình văn học", ta được biết hoạt động này được khởi đầu từ lớp trí thức Tây hóa đầu tiên. Nhưng để phê bình trở nên thực chất và chỉn chu, phải đến những năm 1938-1939 mới có.
Trong nhận diện của tác giả, mỗi một nhà phê bình lại có một dấu ấn, nhân diện phê bình khác nhau. Nếu Đào Duy Anh phê bình theo quan niệm ấn tượng, chủ trương "thái độ thưởng ngoạn" thì Thiếu Sơn xem phê bình là "đọc giùm cho người khác"; Hoài Thanh lại được biết là người chủ trương phê bình mang tính vị nghệ thuật qua Thi nhân Việt Nam...
Lối phê bình văn học khách quan ghi nhận trường hợp Trần Thanh Mại với biên khảo Trông dòng sông Vị viết về Trần Tế Xương và cuốn Hàn Mặc Tử (viết Mặc chứ không phải Mạc). Trong khi ấy Lê Thanh với tác phẩm Cuộc phỏng vấn các nhà văn năm 1945 lại được xem là "người đầu tiên dùng lối phỏng vấn để giúp người tìm hiểu nhà văn một cách vừa sâu xa, vừa linh động, vừa xác thực"...
Giải thưởng Sách Quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức. Giải thưởng tôn vinh 27 sách, bộ sách giá trị được xuất bản trong năm qua. Đơn vị đồng hành: Tập đoàn Sungroup, Công ty Phú Long và HDBank.