Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện kiếm sống của cô gái làm nghề viết

Tác giả Hạ Chi đã chia sẻ những trải nghiệm nghề viết của bản thân và hành trình trở thành cây bút chuyên nghiệp sau hơn 10 năm.

Trong thời đại 4.0, xuất phát từ các nhu cầu khác nhau của xã hội, nhất là việc xây dựng kênh truyền thông của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, đã thúc đẩy thị trường viết ngày càng phát triển. Đồng thời, tạo ra nhiều cơ hội cho những người trẻ muốn sống bằng nghề viết.

Tuy nhiên, làm thế nào để trở thành một cây viết chuyên nghiệp, sống được với nghề, có thu nhập cao và dài hạn lại là chuyện không hề dễ dàng.

Chuyện này càng khó với những bạn trẻ đam mê viết nhưng còn thiếu kỹ năng, hoặc chưa có lộ trình nghề nghiệp rõ ràng.

Nguoi viet kiem song anh 1

Sách Người viết kiếm sống. Nguồn: phuchungbooks.

Chọn nghề viết để kiếm sống

Trong cuốn Người viết kiếm sống (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM và Phục Hưng Books liên kết phát hành), tác giả Hạ Chi đã chia sẻ những trải nghiệm nghề viết của bản thân, lộ trình trở thành cây bút chuyên nghiệp sau hơn 10 năm viết, sống từ nghề.

Cuốn sách của cô cũng truyền cảm hứng cho những bạn trẻ đam mê viết và có thể giúp họ tự tin hơn trong việc theo đuổi nghề này.

“Quyển sách này không phải là một chỉ dẫn về thành công và hạnh phúc. Nó chỉ là chuyện ghi lại trên hành trình của một người bình thường, chọn nghề viết để kiếm sống và nhìn cuộc sống bằng thế giới quan của nghề”, Hạ Chi đã viết trong lời mở đầu cuốn sách.

Cũng trong lời mở đầu này, tác giả bày tỏ quan niệm của mình đối với người có ý định theo nghề viết một cách thẳng thắn: “Bạn không cần phải tìm trong sách một hình mẫu, hay một người truyền cảm hứng. Vì tôi biết rằng, sau tất cả những lời hay ý đẹp chúng ta đọc trên đời, cái quyết định ta sẽ làm hay không làm, thay đổi hay chững lại - là chính ta”.

Cô cũng không ngần ngại chỉ ra những khó khăn mà người theo đuổi nghề viết sẽ gặp phải: “Nếu bạn muốn theo đuổi nghề viết, quyển sách này là một bằng chứng rằng chỉ cần không bỏ cuộc và cố gắng có phương pháp, bạn sẽ làm được. Dĩ nhiên bạn sẽ gặp nhiều khó khăn...".

Nguoi viet kiem song anh 2

Tác giả Hạ Chi. Nguồn: phuchungbooks.

Không phải lúc nào cũng hái quả ngọt

Trong cuốn sách, Hạ Chi đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện, với những tình tiết chân thật.

Từ chuyện một người viết khó hay dễ, có thể viết gì để kiếm sống, làm sao để viết hay, đến làm sao để tham gia vào lĩnh vực viết báo, viết quảng cáo… hay chuyện khủng hoảng tuổi 30, thất nghiệp chủ động và đi tìm mục đích sống.

Những câu chuyện này được phân bổ trong 4 phần của cuốn sách, tương ứng là mỗi giai đoạn “hành nghề” của cô: Làm báo, viết quảng cáo, freelancer (làm việc tự do) và viết sách cho tuổi teen.

Hạ Chi đã khuyên những người muốn theo, sống với nghề viết phải đọc thật nhiều và viết thật chăm chỉ. Đọc sách, bạn trẻ sẽ có thêm tự tin theo đuổi nghề viết. Quan trọng hơn, những người yêu nghiệp bút nghiên thấy trân trọng nhu cầu được viết của mình và từ đó có động lực để theo đuổi con đường này.

Cô cũng khuyên mọi người hãy đặt nhiều câu hỏi: Tại sao? Cái gì? Ở đâu? Ai? Như thế nào?. Sau đó, người viết hãy sắp xếp những câu hỏi thành một chuyện kể, và hình dung rằng bạn đang kể cho ai đó ngồi trước mặt.

Nghề viết là nghề “không phải lúc nào cũng hái quả ngọt”. Có rất nhiều người viết không sống được với nghề. Lại có rất nhiều người gặp thất bại. Cho nên muốn duy trì nghề này bạn phải kiên trì và phải vượt qua tất cả khó khăn.

“Nếu còn muốn viết và theo đuổi nghề, bạn phải đón nhận những đau đớn đi kèm với nó. Như cách nàng Elisa dệt tầm gai thành áo, giải lời nguyền cứu các anh vậy”, Hạ Chi viết.

Cũng trong cuốn sách, Hạ Chi còn chia sẻ bí quyết để tạo nên “chất riêng”, “giọng điệu riêng” không lẫn với một ai.

“Chất riêng là tổng hòa của những trải nghiệm và kinh nghiệm, cộng với thái độ nhìn nhận vấn đề và kỹ thuật viết. Mà thực ra, nếu mỗi ngày viết 2.000 từ, suốt một năm là 730.000 từ, thì kiểu gì cũng có chất riêng”...

Tác giả Hạ Chi có kinh nghiệm 10 năm trong lĩnh vực báo chí - quảng cáo với các vị trí: Biên tập viên tạp chí 2!Người Trẻ Việt (thuộc báo Hoa Học Trò) năm 2009 - 2013, biên tập viên Đẹp Online năm 2014, tác giả sách Trung tâm phục hồi cảm xúc hậu thất tình (2014)…

Nhà văn hóa Hữu Ngọc vẫn viết sách ở tuổi 102

Những ngày đầu tháng 7, mưa tầm tã kéo dài và nặng hạt, tôi vẫn quyết tâm đội mưa đến thăm cụ Hữu Ngọc, phần vì gọi điện cụ không bắt máy, phần vì lo sức khỏe của cụ ở tuổi 102.

Minh Châu - Quỳnh My

Bạn có thể quan tâm