Ở trên, mới nói về lễ trừ tịch và mấy tục lệ trong đêm Giao thừa. Thực ra với ngày Tết Nguyên Đán dân ta có những tục lệ trước và sau lễ trừ tịch.
Người dân Việt Nam thuần túy rất tha thiết với Tết, nhất là ở nông thôn. Quanh năm vất vả, Tết mới là dịp nghỉ ngơi. Bao nhiêu lo nghĩ người ta gác một bên để hưởng thú xuân cho đầy đủ. Cảnh xuân muôn hồng ngàn tía, pháo xuân rền nổ rắc hồng trên ngõ, nhất là ở miền Trung và miền Bắc, thêm mưa xuân phơi phới, thử hỏi ai là người không xúc cảm trước cảnh xuân, trước màu Tết.
Người ta đón Tết một cách nồng nàn, người ta đợi Tết một cách trịnh trọng, người ta vui Tết một cách náo nhiệt hân hoan. Từ ngàn xưa, những tục lệ ngày Tết vẫn làm cho Tết thêm ý nghĩa và cũng một phần nào làm tăng niềm vui phấn khởi cho mọi người lúc xuân sang.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Nguyễn Thị Minh Nghi/Pexels. |
Sửa soạn ngày Tết
Tết Nguyên Đán tuy bắt đầu từ mồng một tháng Giêng, nhưng sự thực người ta đã sửa soạn Tết ngay từ đầu tháng Chạp.
Nhà nhà lo mua gạo nếp, đậu xanh để đến ngày gần Tết gói bánh chưng, và tại nhiều vùng, gói bánh chưng bằng lá dong, người ta phải mua lá về, đem luộc chín, bó vào các cột nhà, để khi gói bánh thì dùng. Gói bánh bằng lá chín dễ gói, nhưng bánh bóc ra kém màu xanh. Nhiều nơi gói bằng lá sống, họ không buộc lá, nhưng độ ngoài rằm tháng Chạp họ đã phải mua sẵn sợ đến khi giáp Tết giá sẽ cao và có khi không có.
Người ta cũng sửa soạn cho vại dưa hành ngay từ đầu tháng Chạp, vì dưa hành cần muối sớm đến Tết mới kịp ăn. Và người ta cũng lo sắm sửa những phẩm vật dùng cho ngày Tết, mua sẵn gà vịt thả trong vườn; rủ nhau mua chung lợn để ngày gần Tết cùng nhau đụng lợn.
Người ta sắm sẵn hương vàng dùng để cúng ở trong nhà cũng như dùng để gửi Tết, và người ta cũng mua sẵn những bánh mứt hoa quả, một phần dành cho gia đình, một phần gửi Tết, một phần mang Tết những người mình chịu ơn như thầy học, ông lang, chủ nợ v.v...
Người ta cũng lo tới bộ quần áo ngày Tết, nhất là đối với các cô gái mới lớn, ngày xuân là dịp các cô chưng diện để dân làng nhìn vào, có cậu nào vừa mắt muốn “gương cung bắn sẻ”.
Dân làng cũng sửa soạn Tết chung cho cả làng, trù tính việc mở hội đầu năm, việc cúng thần ngày Tết. Và các em cũng rối rít lo Tết, thúc dục bố mẹ may quần áo mới và mấy ngày gần Tết đi chơi chợ Tết mua tranh mua pháo.
Trang hoàng nhà cửa
Tết là bắt đầu cho một năm. Người ta phải đón xuân trong một khung cảnh sáng sủa, sạch sẽ và đẹp đẽ. Do đó trước ngày Tết, nhà nào cũng lau quét cửa nhà, trang hoàng trong nhà cho xứng đáng với năm mới.
Con cháu lau chùi các đồ thờ. Những đồ đồng được đem đánh bóng. Án thư, mâm bàn đều lau rửa lại kỹ lưỡng cùng với tất cả các tự khí khác kể cả hoành phi câu đối. Những câu đối đỏ cũ được thay bằng những câu đối mới, những đôi liễn mới. Bàn thờ được cắm thêm hoa, các y môn được đem giặt lại hoặc thay thế.
Từ trong nhà đến ngoài cửa, chỗ nào trông cũng như mới, thật ăn khớp với khung cảnh tưng bừng của mùa xuân với mưa phùn lấm tấm, với lời chúc tụng nhau tốt đẹp trong ngày Tết.
Đây là chưa nói đến trên tường, ngoài cổng còn có dán những tranh Tết, tranh Đàn gà mẹ con, tranh Lý ngư vọng nguyệt, tranh hứng dừa, tranh Đánh ghen, tranh Thầy đồ Cóc, Đám cưới Chuột, tranh Tiến tài tiến lộc, tranh gà gáy sáng, v.v...