"Trung Quốc là nước láng giềng thân thiết của Myanmar. Chúng tôi hy vọng các bên bất đồng ở Myanmar sẽ giải quyết những khác biệt của họ một cách phù hợp theo khuôn khổ hiến pháp để bảo vệ sự ổn định chính trị và xã hội", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 1/2.
Myanmar là một phần quan trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá 1.000 tỷ USD do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng, với các dự án hàng hải, đường sắt và đường bộ trên khắp châu Á, châu Phi và châu Âu. Dự án này bao gồm một tuyến đường sắt cao tốc được đề xuất trị giá 8,9 tỷ USD từ tỉnh Vân Nam tới bờ biển phía tây của Myanmar.
Ông Uông cho biết Trung Quốc - quốc gia có chung đường biên giới với Myanmar - vẫn đang "tìm hiểu thêm về tình hình hiện tại".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân. Ảnh: VCG. |
Trước đó, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing đã lên nắm quyền sau khi quân lính bắt giữ các nhà lãnh đạo chính phủ, bao gồm Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint.
Theo Tân Hoa Xã, Văn phòng Tổng thống Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm. Sắc lệnh này do quyền Tổng thống U Myint Swe (trước đó là phó tổng thống thường trực) ký ban hành.
Reuters dẫn lời đài truyền hình quân đội Myanmar cho biết việc bắt giữ các nhà lãnh đạo là biện pháp phản ứng trước gian lận bầu cử.
Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi. Ảnh: Reuters. |
Trước những diễn biến trên, Brunei, quốc gia chủ tịch khối ASEAN hiện tại, cho biết nước này đang tham vấn các quốc gia thành viên khác về các diễn biến ở Myanmar.
“Với tư cách là chủ tịch ASEAN, chính phủ Brunei đang tham vấn các quốc gia thành viên khác về sự ủng hộ của họ đối với một tuyên bố chung từ khối ASEAN", đại diện Bộ Ngoại giao Brunei trả lời hãng tin CNA.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Indonesia kêu gọi Myanmar tuân thủ các nguyên tắc của hiến chương ASEAN, bao gồm tuân thủ pháp quyền, quản lý đất nước ổn định, các nguyên tắc dân chủ và chính phủ hợp hiến.
Cơ quan này cũng kêu gọi các bên ở Myanmar giữ bình tĩnh và khuyến khích giải quyết bất đồng bằng đối thoại.
Tương tự, Malaysia cho rằng các bên ở Myanmar nên giải quyết những mâu thuẫn về cuộc bầu cử một cách hòa bình.
"Malaysia ủng hộ việc tiếp tục thảo luận giữa các nhà lãnh đạo Myanmar để tránh những hậu quả bất lợi cho người dân và nhà nước Myanmar, đặc biệt là trong tình hình đại dịch Covid-19 khó khăn hiện nay", Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết trong một thông cáo.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhận định rằng cuộc chính biến là "công việc nội bộ" của Myanmar và từ chối bình luận thêm.
"Campuchia không bình luận về công việc nội bộ của bất kỳ quốc gia nào, kể cả trong hay ngoài khuôn khổ ASEAN", nhà lãnh đạo Campuchia phát biểu trước báo giới.
Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan cũng lặp lại quan điểm tương tự. Ông cho rằng cuộc chính biến "là công việc nội bộ của Myanmar".