Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing tuyên bố lên nắm quyền vào sáng 1/2, theo Tân Hoa xã. Từ sáng sớm, quân đội đã bắt nhiều nhà lãnh đạo của đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), trong đó có Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi - người được xem là lãnh đạo thực quyền - và Tổng thống Win Myint. Theo dự kiến trước đó, ngày 1/2 vốn là ngày Hạ viện mới được bầu của Myanmar tổ chức phiên họp đầu tiên. Tuy nhiên, quân đội đã kêu gọi hoãn phiên họp này. Tại Yangon - thành phố lớn nhất Myanmar - quân đội đã được triển khai tại tòa thị chính thành phố. Ảnh: Reuters. |
Chỉ vài ngày trước, quân đội Myanmar tuyên bố sẽ có kế hoạch "hành động" nếu khiếu nại của họ về cuộc bầu cử không được giải quyết. Quân đội cáo buộc cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11/2020 tại nước này là gian lận. Ảnh: Reuters. |
Phong trào biểu tình của người dân phản đối kết quả cuộc bầu cử cũng nổ ra từ tháng 1. Họ ủng hộ quân đội, và không tán thành kết quả cho thấy đảng NLD của bà Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo. Ảnh: Reuters. |
Các nhóm hoạt động nhân quyền cũng chỉ trích cuộc bầu cử vì tước quyền bỏ phiếu của cử tri ở các khu vực xung đột. Quân đội cáo buộc cuộc bầu cử có nhiều điểm bất thường, và có tới 8,6 triệu trường hợp gian lận. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, Ủy ban Bầu cử Myanmar đã bác bỏ cáo buộc gian lận phiếu bầu của quân đội. Họ nói không có sai sót nào đủ lớn để ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử. Ảnh: Reuters. |
Hiện bà Suu Kyi chưa đưa ra bất kỳ bình luận công khai nào về cáo buộc của quân đội. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của đảng NLD cho biết thành viên đảng này đã gặp các nhà lãnh đạo quân đội hôm 28/1 để đàm phán, nhưng "không thành công". Ảnh: Reuters. |
Reuters dẫn lời một lãnh đạo nhóm thanh niên của đảng NLD cho biết nhiều người thực sự sợ hãi trước nguy cơ Myanmar quay trở lại chế độ quân sự cầm quyền, và cảm thấy thất vọng khi giới tinh hoa "tranh giành quyền lực cho cá nhân". Ảnh: Reuters. |
Các nhà sư tham gia biểu tình ủng hộ quân đội Myanmar hôm 30/1 ở Yangon. Tại thời điểm đó, một số nhà lãnh đạo tôn giáo và các nhóm chính trị đã thúc giục các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tránh để xảy ra đảo chính. Ảnh: Reuters. |
"Tất cả chúng ta phải hợp tác để đạt được hòa bình và xây dựng hệ thống liên bang dân chủ. Đảo chính là một từ cay đắng mà chúng tôi không muốn nghe", nhà sư Hkalam Samson nói với tờ Irrawaddy. Ảnh: Reuters. |
Tuy đảng NLD thắng cử, 1/4 số ghế trong quốc hội Myanmar được dành riêng cho quân đội, theo hiến pháp năm 2008. Hiến pháp cũng trao quyền kiểm soát ba bộ chủ chốt - nội vụ, quốc phòng và biên giới - cho quân đội Myanmar. Ảnh: Reuters. |