Quân đội Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vào ngày 1/2, sau khi bắt giữ hàng loạt nhân vật cấp cao trong chính phủ - bao gồm cả Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Myanmar Win Myint và Han Thar Myint, thành viên lãnh đạo chủ chốt của đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD).
Cùng ngày, quân đội ra thông cáo chính thức về cuộc chính biến. Nội dung này được phát trên đài Myawaddy (MWD) - cơ quan truyền thông do quân đội quản lý, theo Reuters.
Theo tuyên bố, quyền kiểm soát chính phủ tạm thời được giao cho Tổng tư lệnh quân đội Myanmar là Thống tướng Min Aung Hlaing. Tình trạng khẩn cấp được áp dụng toàn quốc nhằm giải quyết các vấn đề liên quan gian lận bầu cử trong ngày 8/11/2020.
Xe thiết giáp được triển khai đến khu vực bên ngoài tòa nhà quốc hội Myanmar ở thủ đô Naypyitaw vào sáng 1/2. Ảnh: Reuters. |
Phía quân đội cho rằng danh sách cử tri sử dụng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020 từng bị phát hiện có vấn đề nghiêm trọng, nhưng Ủy ban Bầu cử Liên bang (UEC) không giải quyết đến cùng.
"Danh sách cử tri trong cuộc tổng tuyển cử dân chủ có gian lận nghiêm trọng, đi ngược lại mục tiêu đảm bảo một nền dân chủ ổn định. Việc từ chối giải quyết vấn đề gian lận nói trên, không chịu hành động và không đáp ứng yêu cầu hoãn các kỳ họp quốc hội là trái với Điều 417 của hiến pháp năm 2008", phía quân đội khẳng định.
Theo Điều 417 của Hiến pháp Myanmar, được thông qua vào năm 2008, "những hành động hoặc âm mưu chiếm đoạt chủ quyền của liên bang bằng biện pháp ép buộc sai trái", có khả năng dẫn đến chia rẽ khối đoàn kết dân tộc ở Myanmar, đều bị ngăn cấm.
Quân đội Myanmar dựa vào điều khoản này để tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
"Vì những hành động vừa qua, nhiều cuộc biểu tình nổ ra ở khắp các làng xã và thành phố tại Myanmar nhằm bày tỏ sự thiếu tin tưởng dành cho UEC. Các đảng và một số người dân có hành động khiêu khích, gồm việc sử dụng một số lá cờ có khả năng gây tổn hại nghiêm trọng đến an ninh quốc gia", thông cáo của quân đội Myanmar nhấn mạnh.
"Nếu vấn đề này không được giải quyết, con đường đến dân chủ sẽ bị ngăn cản. Nó cần được giải quyết theo đúng pháp luật. Do đó, tình trạng khẩn cấp được ban bố dựa trên Điều 417 của hiến pháp năm 2008", thông báo cho biết.
Quân đội đồng thời tuyên bố quyền hành của các nhánh lập pháp, tư pháp và hành pháp (chính phủ) đều được chuyển giao cho Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing.
Tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực trong vòng 1 năm, trên toàn bộ lãnh thổ Myanmar, bắt đầu tính từ thời điểm được tuyên bố vào ngày 1/2.