Thông báo của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đã được Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan báo cáo về tình hình ở Myanmar.
“Mỹ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả cuộc bầu cử gần đây, hoặc cản trở quá trình chuyển đổi dân chủ ở Myanmar. Chúng tôi sẽ có hành động đối với những người phải chịu trách nhiệm”, thông báo của Nhà Trắng cho biết.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thúc giục giới quân đội Myanmar trả tự do ngay lập tức cho bà Aung San Suu Kyi và những lãnh đạo chính phủ bị bắt.
Cảnh sát Myanmar đã phong tỏa đường cao tốc trước lối vào tòa nhà quốc hội. Ảnh: Reuters. |
Ngoại trưởng Australia Marise Payne cũng bày tỏ quan ngại trước việc các lãnh đạo cấp cao của nhà nước Myanmar bị quân đội bắt giữ.
“Chúng tôi kêu gọi quân đội Myanmar tôn trọng pháp quyền, giải quyết tranh chấp thông qua các cơ chế hợp pháp, và thả tự do ngay lập tức cho các lãnh đạo nhà nước và những người bị giam giữ trái phép”, Ngoại trưởng Payne nói trong một tuyên bố.
Singapore là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên lên tiếng về vụ việc. Bộ Ngoại giao nước này ra thông báo bày tỏ "lo ngại nghiêm trọng" về diễn biến ở Myanmar.
"Chúng tôi đang giám sát tình hình chặt chẽ, hy vọng các bên liên quan sẽ kiềm chế, duy trì đối thoại, và cùng hợp tác hướng về giải pháp hòa bình, tích cực", thông báo của Bộ Ngoại giao Singapore cho biết.
Người phát ngôn của Liên Hợp Quốc cho biết Tổng thư ký Antonio Guterres lên án vụ lãnh đạo chính phủ Myanmar bị quân lính bắt giữ. Ông thúc giục quân đội nước này "tôn trọng ý chí của nhân dân Myanmar", theo Reuters.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết họ chưa có kế hoạch hồi hương công dân ở Myanmar, nhưng đang theo dõi sát sao mọi diễn biến, Reuters cho biết.
Ước tính khoảng 3.500 công dân Nhật đang ở Myanmar. Đại sứ quán Nhật Bản ở Myanmar đề nghị công dân nên ở yên trong nhà và hạn chế ra ngoài.
Trước đó, chính phủ Nhật Bản khuyến cáo công dân không nên du lịch ở Myanmar vì diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, cũng như các vấn đề an ninh khác.