Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc bắt đầu đóng mới tàu ngầm cho Thái Lan

Nhà máy đóng tàu ở Vũ Hán bắt đầu quy trình đặt ky và cắt thép đóng mới tàu ngầm cho Thái Lan trong hợp đồng trị giá 411 triệu USD ký kết vào năm ngoái.

Quan chức cấp cao của quân đội Thái Lan và Trung Quốc đã tham dự buổi lễ đặt ky và cắt thép tại xưởng đóng tàu ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc (CSIC) cho biết trong một tuyên bố vào cuối ngày 4/9.

SCMP cho biết Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã ký hợp đồng với CSIC để mua một tàu ngầm điện-diesel S26T, phiên bản của Type-039B, lớp Yuan của Hải quân Trung Quốc. Hợp đồng trị giá 13,5 tỷ baht (khoảng 411 triệu USD) được ký kết vào tháng 5/2017, giao hàng dự kiến vào năm 2023.

Sau khi hoàn thành, S26T có lượng choán nước 2.600 tấn khi lặn, tốc độ tối đa 18 hải lý/giờ và có thời gian hoạt động liên tục khoảng 20 ngày trên biển. S26T được trang bị những công nghệ định vị thủy âm mới nhất của Trung Quốc. Tàu ngầm này có thể mang theo 16 ngư lôi và tên lửa cùng 30 thủy lôi.

Thai Lan mua tau ngam Trung Quoc anh 1
Tàu ngầm Type-039 của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Chính phủ Thái Lan dự định mua 3 tàu ngầm từ Trung Quốc nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của phe đối lập trong nước. Kế hoạch mua sắm giảm xuống còn một tàu. Tuy vậy, đây vẫn là một trong những hợp đồng mua sắm vũ khí lớn nhất giữa Bangkok với Bắc Kinh.

Zhou Chenming, nhà bình luận quân sự ở Bắc Kinh, cho biết song song với việc xây dựng tàu ngầm, Trung Quốc có thể cung cấp bí quyết kỹ thuật cho Thái Lan.

“Hải quân Hoàng gia Thái Lan không có kinh nghiệm vận hành tàu ngầm, vì vậy Trung Quốc chắc chắn sẽ cung cấp đào tạo. Quân đội Thái Lan là một trong những khách hàng chính của Trung Quốc trong nhiều năm”, ông Zhou nói.

S26T sẽ cải thiện đáng kể năng lực phòng thủ của hải quân Thái Lan, vị chuyên gia nhận xét. Thái Lan có truyền thống là một đồng minh của Mỹ trong khu vực. Nhưng kể từ khi lên nắm quyền sau cuộc đảo chính vào năm 2014, chính quyền quân sự đã tăng cường liên kết quân sự với Trung Quốc.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, một cựu tướng quân đội đã ra lệnh mua 49 xe tăng chiến đấu chủ lực VT-4 của Trung Quốc để thay thế cho xe tăng M41 do Mỹ sản xuất. Lô hàng đầu tiên gồm 28 chiếc đã được giao hàng trong năm 2017, phần còn lại sẽ được bàn giao trong năm nay.

Dù Thái Lan mua vũ khí Trung Quốc nhưng Bangkok không có kế hoạch thay đổi liên minh với Mỹ, theo Xu Liping, một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. “Thái Lan vẫn duy trì quan hệ an ninh chặt chẻ với Mỹ trong khi mua vũ khí từ Trung Quốc”, ông Xu nói.

Trung Quốc chưa thể cạnh tranh với Mỹ trong thương mại quốc phòng toàn cầu. Tuy vậy, thiết bị và công nghệ của Bắc Kinh vẫn hấp dẫn đối với các nước đang phát triển do có chi phí phải chẳng và dịch vụ hậu mãi tốt.

Năm 2016, Trung Quốc đã ký hợp đồng trị giá 4 tỷ USD với Pakistan để cung cấp cho Islamabad 8 tàu ngầm điện-diesel S20, phiên bản thu nhỏ của tàu ngầm Type-039B. Hợp đồng dự kiến hoàn thành vào năm 2028. Trung Quốc đã bán cho Bangladesh 2 tàu ngầm Type-035G và đi vào hoạt động trong năm 2017.

Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Trung Quốc chiếm 5,7% xuất khẩu vũ khí toàn cầu giai đoạn 2013-2017.

Trung Quốc khôi phục vũ khí cũ với AI Trung Quốc đang biến xe tăng Type-59 cũ thành phương tiện chiến đấu không người lái được trang bị trí thông minh nhân tạo (AI).

Tàu sân bay nội địa Trung Quốc thử nghiệm lần 2

Tàu sân bay Type-001A của Trung Quốc đã ra biển thử nghiệm lần thứ hai. Quá trình này có thể kéo dài 6-12 tháng trước khi bàn giao cho hải quân nước này trước thời hạn một năm.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm