Sputnik dẫn nguồn tin chính phủ Nga cho biết hợp đồng cung cấp 24 tiêm kích đa năng Su-35 cho Trung Quốc sẽ được hoàn thành trong năm nay. Trung Quốc đã trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên mua tiêm kích Su-35 khi Bắc Kinh đồng ý chi 2,5 tỷ USD cho 24 chiếc trong hợp đồng được ký vào tháng 11/2015.
4 chiếc Su-35 đầu tiên được giao cho Trung Quốc trong năm 2016. 10 chiếc khác được giao trong năm 2017. 10 máy bay còn lại sẽ được bàn giao đầy đủ trong năm nay. Su-35 là chiến đấu cơ đầu tiên của Trung Quốc được trang bị động cơ kiểm soát vector lực đẩy, đem lại khả năng cơ động cao trong phạm vi hẹp.
Su-35 được trang bị 2 động cơ kiểm soát vector lực đẩy AL-117S, radar đa chức năng có thể theo dõi 30 mục tiêu và có thể tấn công 8 mục tiêu cùng lúc. Phiên bản Su-35 xuất khẩu cho Trung Quốc được trang bị bộ thu tín hiệu vệ tinh của hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu.
3 tiêm kích Su-35 của Trung Quốc trong một đợt diễn tập. Ảnh: Không quân Trung Quốc. |
Collin Koh, nghiên cứu viên tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, cho biết Su-35 được trang bị hệ thống điện tử hiện đại, radar tối tân và động cơ kiểm soát vector lực đẩy đem lại khả năng cơ động cao.
Những công nghệ trên Su-35 sẽ cho phép Trung Quốc khai thác nó để phát triển các phiên bản trong nước, tương tự điều mà Bắc Kinh đã làm với Su-27 và Su-30. “Ít nhất trong thời điểm hiện tại, Su-35 hoạt động trong Không quân Trung Quốc có thể đảm nhận vai trò máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không”, ông Koh nói với SCMP.
Song Zhongping, nhà quan sát quân sự ở Hong Kong, cho biết với 10 máy bay còn lại sẽ được giao trong năm nay sẽ tăng cường chương trình đào tạo phi công mới cho Trung Quốc. Ông cho rằng Su-35 có vai trò quan trọng đối với việc huấn luyện phi công cho chương trình máy bay chiến đấu tàng hình J-20, vì Bắc Kinh không có loại máy bay huấn luyện tinh vi hơn.
Bắc Kinh đã phô diễn sức mạnh quân sự chống lại Đài Loan trong cuộc diễn tập vào tháng 5. Khi đó, tiêm kích Su-35 cùng với máy bay ném bom H-6K đã bay qua kênh Bashi, nằm giữa đảo Đài Loan và Philippines.
Trung Quốc đang tức giận vì sự hỗ trợ ngày càng tăng của Mỹ đối với đảo Đài Loan. Tuần trước, Bắc Kinh đã gửi công hàm phản đối Washington khi lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn dừng chân ở Mỹ trong một chuyến công du nước ngoài.