Tên lửa siêu thanh Starry Sky-2 đã hoàn thành thử nghiệm đầu tiên vào hôm 3/8 tại một địa điểm không xác định ở tây bắc Trung Quốc, theo thông báo của Học viện vũ khí không gian Trung Quốc vào hôm nay.
SCMP dẫn lời các nhà khoa học tham gia dự án, cho biết Starry Sky-2 được đưa vào không gian bằng tên lửa đẩy đa tầng. Sau đó, nó tách khỏi thân tên lửa và lao đến mục tiêu. Trong quá trình bay, tên lửa có khả năng cơ động và duy trì tốc độ Mach 5,5 (khoảng 6.789 km/h) trong hơn 6 phút. Tên lửa đạt tốc độ tối đa Mach 6 (khoảng 7.344 km/h), tuyên bố cho biết.
Starry Sky-2 hoàn thành thử nghiệm và đáp xuống khu vực mục tiêu giả định. Toàn bộ chuyến bay được kiểm soát và cung cấp nhiều dữ liệu thử nghiệm hiệu quả. Tuyên bố của Học viện vũ khí không gian Trung Quốc nói rằng mẫu thử nghiệm được thu hồi nguyên vẹn.
Phương tiện bay siêu thanh Starry Sky-2 được thử nghiệm tại một địa điểm không xác định. Ảnh: CCTV. |
“Thử nghiệm đặt ra nền tảng công nghệ vững chắc cho kỹ thuật thiết kế tên lửa siêu thanh”, trích tuyên bố của nhà sản xuất. Mặc dù Starry Sky-2 vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng phiên bản phát triển hoàn thiện có thể được sử dụng để xuyên thủng lá chắn tên lửa hiện có.
Zhou Chenming, nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh, nói rất có thể Starry Sky-2 được sử dụng để mang đầu đạn thông thường nhưng ông cũng không loại trừ khả năng mang vũ khí hủy diệt hàng loạt. “Tôi nghĩ rằng cần 3 đến 5 năm trước khi công nghệ này có thể phát triển thành vũ khí”, ông Zhou nói với SCMP.
Starry Sky-2 không phải là phương tiện bay siêu thanh đầu tiên của Trung Quốc. Bắc Kinh đã thử nghiệm các phương tiện bay siêu thanh từ năm 2014, nhưng đây là phương tiện đầu tiên được áp dụng công nghệ "waverider" - một kỹ thuật sử dụng sóng xung kích trong chuyến bay siêu thanh để tạo ra lực nâng khí động học.
Mô hình đầu đạn siêu thanh WU-14 của Trung Quốc. Ảnh: Sputnik. |
Tên lửa mới có thân phẳng, hình nêm để cải thiện lực nâng ở tốc độ siêu thanh, đồng thời giúp tăng khả năng cơ động để tránh hệ thống cảnh báo, gây khó khăn cho phòng thủ tên lửa.
Mike Griffin, cựu quản trị viên của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), hiện là thứ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách nghiên cứu và kỹ thuật, cho biết đầu năm nay Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống khá hoàn chỉnh cho tên lửa siêu thanh có thể tấn công từ hàng nghìn kilomet.
Tuy vậy, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất phát triển tên lửa siêu thanh. Mỹ, Nga cũng đã phát triển những vũ khí như thế. Trong tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tên lửa siêu thanh Kinzhal có thể đạt tốc độ Mach 10 (khoảng 13.348 km/h).
Một vũ khí siêu thanh khác của Nga là tên lửa Avangard, được Tổng thống Putin mô tả là “vũ khí bất tử với bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào”, dự kiến được đưa vào hoạt động trong năm tới.
Mỹ đang làm việc trên một số thiết kế về vũ khí siêu thanh thế hệ 2. Đầu năm nay, Không quân Mỹ đã phân bổ 1 tỷ USD cho phát triển tên lửa siêu thanh có thể phóng từ máy bay.