Hơn nửa thế kỷ qua, Mỹ và các đồng minh gần như thống trị bầu trời. Trong các cuộc chiến mà họ thực hiện, không đối thủ nào có thể cạnh tranh sức mạnh trên không với Mỹ. Nhưng sự hồi sinh của quân đội Nga và sự phát triển nhanh chóng của quân đội Trung Quốc đang đe dọa ưu thế trên không của Mỹ, SCMP cho biết.
Bầu trời không còn thuộc về Mỹ
Tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong công nghiệp hàng không vũ trụ, đặc biệt là các tên lửa không đối không phóng từ máy bay đang làm thay đổi cuộc chơi. Tên lửa mới của Trung Quốc được xếp ngang hàng với vũ khí của phương Tây, không chỉ ở đặc tính kỹ thuật mà còn trong thương mại.
Trung Quốc với nền kinh tế trị giá hơn 13.000 tỷ USD và sự giàu có ngày càng tăng có khả năng tạo ra thách thức lớn hơn đối với Mỹ và các đồng minh. Trong năm 2017, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng 5,6%, trong khi Nga giảm 20%, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm. Bắc Kinh đã chi 228 tỷ USD và Nga chi 66,3 tỷ USD cho quốc phòng vào năm ngoái.
“Chúng ta có một môi trường nơi chúng ta có thể làm bất kỳ điều gì chúng ta muốn trên không, nhưng những gì mà Trung Quốc đã làm nói cho bạn biết rằng bạn không thể tự do như trước nữa”, Douglas Barrie, người đứng đầu bộ phận không gian vũ trụ thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói.
Kết quả là các chỉ huy Không quân Mỹ phải tính đến tổn thất tiềm năng cho phi công và máy bay. Điều mà họ không phải đối mặt từ những năm 1980.
Tiêm kích J-11B của Trung Quốc. Ảnh: Defence Talk. |
Không quân Mỹ là lực lượng mạnh nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, sự tiến bộ của Không quân Trung Quốc khiến vai trò "cảnh sát" toàn cầu của Mỹ đang mất dần. Bắc Kinh liên tục cho ra đời các mẫu máy bay và tên lửa mới trong những năm gần đây.
Sự tiến bộ nhanh chóng của Nga và Trung Quốc xuất phát từ những cú sốc mà họ chứng kiến về sức mạnh hủy diệt của Không quân Mỹ. Trong Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, Không quân Mỹ dễ dàng nghiền nát quân đội Iraq. Vào thời điểm đó, quân đội Iraq được trang bị tốt hơn cả Trung Quốc.
Đối với Nga, chiến dịch không kích của Mỹ và đồng minh vào Kosovo năm 1999, buộc Serbia phải rút quân khiến Moscow cảm thấy bị đe dọa ngay sát nách, theo Vasily Kashin, chuyên gia hàng không quân sự, Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga, cho biết.
Xa và nhanh hơn
Trong số các tiến bộ vượt bậc của Trung Quốc, tên lửa không đối không là một yếu tố có thể giúp Bắc Kinh thay đổi cuộc chơi trên không. Các vũ khí trị giá 1 hoặc 2 triệu USD có thể phá hủy máy bay trị giá 150 triệu USD. Đó là một cách hiệu quả về chi phí để cố gắng cân bằng sân chơi với Mỹ.
Một trong những vũ khí điển hình là tên lửa không đối không PL-15. Tên lửa này được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) có thể bám theo những máy bay tàng hình và cơ động nhanh. PL-15 có tầm bắn gấp đôi so với AIM-120 AMRAAM của Mỹ.
Danh sách các tên lửa không đối không do Trung Quốc chế tạo. Ảnh: Sino Defence. |
Khi tên lửa PL-15 được thử nghiệm lần đầu trước công chúng, Herbert J. Carlisle, cựu tư lệnh Bộ chỉ huy tác chiến, Không quân Mỹ, nói rằng vấn đề này đủ quan tâm để yêu cầu Quốc hội tài trợ cho một phản ứng.
Trung Quốc đang phát triển một tên lửa không đối không khác, được biết đến với tên gọi PL-XX. Nó được thiết kế để tấn công máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm, tiếp dầu và trung tâm chỉ huy lưu động của Mỹ. Nó có tầm bắn ước tính khoảng 480 km.
Tên lửa tầm trung như PL-10 của Trung Quốc có thể so sánh với các tên lửa không đối không đối không tốt nhất thế giới hiện nay. Điều đó có nghĩa là trong một trận không chiến có thể kết thúc với thương vong cho cả hai bên.
Michael Griffin, thuộc Viện Hudson, cho rằng Mỹ đã tự mãn với thành tựu của mình. Trong hơn 2 thập kỷ qua, Mỹ không phát triển bất kỳ tên lửa không đối không mới nào. Ông Griffin đặc biệt lo lắng trước sự tiến bộ của Nga và Trung Quốc trong việc phát triển các tên lửa siêu thanh, trong khi đó, Mỹ vẫn chưa theo kịp về khả năng đánh chặn.
Tập đoàn RAND, tổ chức tư vấn quốc phòng cho Lầu Năm Góc, năm ngoái nhận xét lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Trung Quốc đạt được sự ngang bằng với Mỹ về ưu thế trên không cho bất kỳ cuộc xung đột nào gần đất liền của họ, kể cả đảo Đài Loan.
Tuy vậy, phần lớn các nhà phân tích quốc phòng đồng ý rằng Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước để thực sự bắt kịp Mỹ ở cấp độ toàn cầu. Công nghệ động cơ phản lực của Bắc Kinh vẫn còn yếu và phải phụ thuộc vào Nga.
Các vũ khí mới vẫn chưa được kiểm tra trong thực chiến. Phi công Trung Quốc vẫn thiếu kinh nghiệm và được đánh giá yếu hơn so với phương Tây trong đào tạo và kỹ năng chiến thuật.