Cuối tháng 4, Trung Quốc chính thức đưa vào hoạt động lữ đoàn tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26 đầu tiên. Lữ đoàn được trang bị 22 xe mang phóng tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26. Tên lửa này có thể mang theo đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân. DF-26 có tầm bắn ước tính khoảng 4.000 km đưa nó trở thành tên lửa mang đầu đạn thông thường có tầm bắn xa nhất thế giới.
Một số chuyên gia quân sự Trung Quốc gọi DF-26 là “sát thủ diệt đảo Guam”. Phạm vi hoạt động của tên lửa cho phép tấn công căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam, gồm căn cứ không quân Andersen, nơi có sự hiện diện của máy bay ném bom chiến lược Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Peter Layton, cựu sĩ quan Không quân Hoàng gia Australia, giảng viên thỉnh giảng Học viện Quốc phòng Mỹ, bày tỏ mối lo ngại về tên lửa DF-26 đối với an ninh quốc gia Australia. Layton lưu ý rằng DF-26, giống DF-21C/D trước đó là mối quan tâm lớn của Australia.
Khả năng tấn công chính xác của DF-26 cho phép lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc (PLARF) dễ dàng bao phủ miền Bắc Australia, bao gồm Darwin, Katherine và Derby.
Nhà phân tích Layton đề xuất một số biện pháp nhằm tăng cường an ninh quốc gia Australia, chống lại cuộc tấn công tiềm tàng từ Trung Quốc. Australia là đồng minh của Mỹ, Canberra có thể bị cuốn vào một cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, nếu có.
Tên lửa đạn đạo DF-26 của Trung Quốc. Ảnh: Zumapress . |
Ông Layton đề xuất 2 giải pháp nhằm tăng cường khả năng sống sót của Australia trong trường hợp xảy ra xung đột. Đầu tiên, Canberra cần đầu tư xây dựng lá chắn tên lửa tầm khu vực và phòng thủ điểm. Lá chắn tên lửa cho phép vô hiệu hóa tên lửa DF-26, trong trường hợp Trung Quốc có thể tấn công lãnh thổ Australia để làm giảm khả năng chiến đấu của Canberra.
Layton đề xuất mua sắm hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis lên bờ và hệ thống THAAD triển khai trên đất liền. Hệ thống Aegis lên bờ và THAAD có thể triển khai tại Darwin để đánh chặn tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, Australia nên xem xét triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên tàu khu trục lớp Hobart của Hải quân Hoàng gia Australia.
Tầm bắn một số tên lửa mới của Trung Quốc. Đồ họa: Stratfor. |
Việc đánh chặn tên lửa đạn đạo nghe có vẻ giống như khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo đã xuất hiện trên khắp các vùng rộng lớn ở Đông Nam Á. Trung Quốc có thể tạo ra mối đe dọa thực sự đối với miền Bắc Australia chỉ trong vài tuần.
Những đảo nhân tạo và tên lửa mới của Trung Quốc đã làm thay đổi cân bằng chiến lược trong khu vực. Kế hoạch quốc phòng hiện tại của Australia là không đủ để đối phó với các mối đe dọa hiện có và trong thập kỷ tới.
“Nếu chúng ta bắt đầu ngay bây giờ, chúng ta có thể có mạng lưới phòng thủ tên lửa vào năm 2030. Nếu chúng ta muốn duy trì tư thế phòng thủ tự lực, chúng ta cần tiến hành càng sớm càng tốt”, ông Layton kết luận.