Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc sắp triển khai tên lửa đe dọa đảo của Mỹ

Quân đội Trung Quốc có thể sắp triển khai tên lửa đạn đạo mang biệt danh “Kẻ diệt đảo Guam”, tên gọi nhằm ám chỉ căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương.

 

Báo cáo được công bố vào tuần trước của Ủy ban An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung cho biết, Bắc Kinh đang đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa khả năng tấn công trong bối cảnh Washington đang “xoay trục sang châu Á”.

Theo báo cáo, Bắc Kinh dường như đang cảm thấy lo lắng về khả năng bảo vệ hiệu quả các lợi ích của họ. Điều đó dẫn đến việc phát triển một loại tên lửa có khả năng nhắm mục tiêu quân sự Mỹ ở châu Á, đặc biệt là đảo Guam, như một phương tiện để ngăn chặn, hoặc phủ nhận sự can thiệp của Mỹ trong bất kỳ cuộc khủng hoảng.

Các lãnh đạo Trung Quốc tin rằng, vũ khí này có thể làm giảm áp lực cho quân đội Trung Quốc trong một cuộc khủng hoảng, nếu họ có thể ngăn chặn sự leo thang của Mỹ bằng cách đe dọa cuộc tấn công vào đảo Guam.

Theo Japan Times, Trung Quốc đang tiến gần hơn đến việc triển khai hoạt động tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26, biệt danh “Guam Killer” (kẻ diệt đảo Guam). Việc triển khai loại tên lửa này có thể uy hiếp căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Địa điểm chiến lược ở Thái Bình Dương

Guam ngày càng trở nên quan trọng trong lợi ích chiến lược của Mỹ cũng như hoạt động chiến đấu tiềm năng trong khu vực Thái Bình Dương. Báo cáo cho biết, khả năng Trung Quốc tấn công hòn đảo này đang tăng lên.

“Cuộc tấn công như vậy có thể buộc Mỹ phải giữ các tài sản quan trọng ở đảo Guam và có nguy cơ phá vỡ nỗ lực phản ứng trên diện rộng, làm chậm thời gian triển khai và giảm hiệu quả của lực lượng quân sự Mỹ trong khu vực”, báo cáo nêu rõ.

ten lua Trung Quoc de doa dao Guam anh 1
Máy bay ném bom chiến lược B-52 tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam. Ảnh: Không quân Mỹ

Guam là căn cứ rộng lớn của Hải quân Mỹ với nhiều cầu cảng cho tàu ngầm, cùng một căn cứ không quân lớn, nơi vẫn còn phi đội máy bay ném bom chiến lược B-52 đang hoạt động. Đối với Nhật Bản, Guam là chìa khóa để giảm quân số Mỹ đồn trú ở đảo Okinawa.

Năm 2012, Washington và Tokyo đạt được thỏa thuận di chuyển dần 5.000 thủy quân lục chiến Mỹ từ Okinawa đến cơ sở mới xây dựng trên đảo Guam.

Khả năng đe dọa thấp

Các chuyên gia quân sự nhận định, những hạn chế về độ chính xác và các vấn đề khác khiến mối đe dọa mà DF-26 đặt ra cho đảo Guam tương đối thấp. Trung Quốc từ lâu đã đưa đảo Guam thành mục tiêu với tên lửa tầm xa. Nhưng DF-26 được thiết kế để mang nhiều loại đầu đạn khác nhau, bao gồm đầu đạn hạt nhân. Nó là tên lửa đạn đạo thông thường đầu tiên của Trung Quốc có thể tấn công lãnh thổ Mỹ.

Kyle Mizokami, nhà phân tích quân sự tại San Francisco chuyên về các vấn đề an ninh Đông Á, nói với Japan Times rằng Trung Quốc cần khoảng 5 năm nữa để triển khai DF-26 với số lượng lớn. “DF-26 rất hữu ích ở Biển Đông và Hoa Đông”, Mizokami nói.

Ông cho biết thêm, trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã cố gắng cô lập Mỹ và các đồng minh châu Á bằng chính trị, điển hình là khơi dậy tội ác chiến tranh của Đế quốc Nhật trong Thế chiến II. Bắc Kinh muốn chia rẽ liên minh để không phải quá lo lắng về việc Mỹ can thiệp vào cuộc xung đột trong khu vực.

ten lua Trung Quoc de doa dao Guam anh 2
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 trong lễ diễu binh ngày 3/9/2015. Ảnh: Jane's Defence Weekly

Một số nhà phân tích cho rằng, tên lửa DF-26 khá nguy hiểm, nhưng vẫn có thể đánh chặn. Những ý kiến khác nói rằng, nếu tình trạng leo thang quân sự xảy ra, Trung Quốc hy vọng DF-26 có thể ngăn chặn Mỹ điều động hạm đội.

“DF-26 có thể ảnh hưởng đến Nhật Bản bằng cách ngăn chặn lực lượng Mỹ di chuyển gần đến biển Hoa Đông. Hầu hết kế hoạch dự phòng của Nhật Bản đối với các đảo đều liên quan đến sự hỗ trợ của lực lượng Mỹ. Ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ, kế hoạch của Nhật Bản có thể sụp đổ”, Mizokami nói.

ten lua Trung Quoc de doa dao Guam anh 3
Đảo Guam. Đồ họa: Oocities

Nếu xảy ra xung đột trên diện rộng, DF-26 với tầm bắn từ 3.000-5.000 km có thể được sử dụng để tấn công các căn cứ quân sự, chính trị và các mục tiêu kinh tế bất kỳ nơi nào tại Nhật Bản.

Zack Cooper, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận xét, vị trí và diện tích của đảo Guam đưa khu vực quanh nó trở thành một trong những nơi hiếm hoi có khả năng lưu trữ và tái cung cấp số lượng lớn máy bay và tàu chiến, làm cho hòn đảo này trở thành một liên kết quan trọng với châu Á trong bất kỳ cuộc khủng hoảng.

“Mỹ ngày càng phụ thuộc vào đảo Guam khi Trung Quốc áp dụng chiến lược chống tiếp cận buộc quân đội Mỹ phải chuẩn bị hoạt động từ khoảng cách xa hơn so với lục địa Trung Quốc”, Cooper nói. Nếu DF-26 có thể vượt qua hoặc áp đảo lá chắn tên lửa của Mỹ, nó có thể phá hỏng đường băng, máy bay dự phòng và cầu cảng ở đảo Guam, gây khó khăn cho việc triển khai hỏa lực trong khu vực.

DF-26 có thể là một vũ khí chiến lược đối với Trung Quốc, nhưng tấn công Guam có thể dẫn đến những rủi ro chính trị và chiến lược đáng kể, ngay cả khi cuộc tấn công đem lại hiệu quả. Toshi Yoshihara, giáo sư tại Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ nhận xét rằng “hiệu quả của cuộc tấn công sẽ đi kèm với những rủi ro”.

“Nếu Mỹ can thiệp vào cuộc chiến với Đài Loan, việc sử dụng DF-26 có thể chấp nhận được, nhưng nếu phóng tên lửa trong một cuộc đụng độ không chiến tranh ở vùng biển khác sẽ rất bất lợi cho Trung Quốc. Do đó khả năng đe dọa đảo Guam của DF-26 chủ yếu về mặt lý thuyết mà ít giá trị thực tiễn”, ông Yoshihara nói

Mỹ không nên coi thường 'sát thủ tàu sân bay' DF-21D của TQ

Nếu hệ thống tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc vận hành theo đúng thiết kế, nó sẽ trở thành mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm đối với các tàu sân bay và chiến hạm Mỹ.

Quốc Việt

(theo Japan Times)

Bạn có thể quan tâm