Nếu thành công, công nghệ này có thể nhanh chóng tăng cường sức mạnh cho các máy bay chiến đấu thông thường, SCMP dẫn lời các nhà nghiên cứu cho biết. Công nghệ mới sử dụng loại “siêu vật liệu”, một lớp chế tạo gồm các cấu trúc vi mô tương tự như mạch tích hợp.
Siêu vật liệu này có thể thay đổi cách phản xạ sóng radio phát ra từ các loại radar chạm vào bề mặt, tạo ra một hình ảnh giả mạo hoặc làm nhiễu loạn tín hiệu, giúp máy bay ẩn mình trước sóng radar. Vật liệu đặc biệt này được phát triển bởi nhóm nghiên cứu tại phòng thí nghiệm trọng điểm về sóng milimet tại Đại học Đông Nam ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu từ chối tiết lộ vật liệu mới đang được thử nghiệm trên loại máy bay nào, nhưng nó đang được đánh giá tại nhà máy chế tạo máy bay Thẩm Dương, nơi sản xuất máy bay chiến đấu không tàng hình J-11 và J-15.
Tiêm kích J-11 của Không quân Trung Quốc. Ảnh: Chinamil. |
Trong những năm qua, chính phủ Trung Quốc đã tài trợ cho nhiều nhóm nghiên cứu về vật liệu có khả năng hấp thụ sóng radar nhưng chưa có báo cáo nào về việc áp dụng nó trên máy bay.
“Đây là sự khởi đầu, siêu vật liệu mới đang được thử nghiệm”, một nhà nghiên cứu giấu tên nói. Nhóm nghiên cứu do giáo sư Cui Tiejun dẫn đầu đã tạo ra một loại vật liệu có thể thay đổi tính chất vật lý của nó đối với sóng điện từ. Về lý thuyết, máy bay được phủ loại vật liệu này có thể tàng hình đối với radar.
Tuy nhiên, một số chuyên gia hoài nghi loại siêu vật liệu này có thể chế tạo đại trà và nó chỉ có tác dụng rất nhỏ đối với một số băng tần nhất định. Han Yiping, Chủ nhiệm bộ môn vật lý ứng dụng, Đại học Xidian, cho biết một mình siêu vật liệu hấp thụ sóng điện từ không đủ để che giấu máy bay khỏi sóng radar.
“Máy bay tàng hình được nhờ dựa trên sự kết hợp giữa thiết kế khí động học, vật liệu chế tạo, lớp sơn hấp thụ sóng điện từ và một số công nghệ khác”, bà Han nói. Bà cho biết thêm siêu vật liệu khó có thể chịu được ma sát của không khí khi bay ở tốc độ cao.