Các binh sĩ Trung Quốc sẽ bước vào chiến trường với một loạt thiết bị công nghệ cao, CCTV cho biết trong một video. Họ cầm trên tay súng phóng lựu thông minh QTS-11. Nó là sự kết hợp giữa súng trường và súng phóng lựu 20 mm, một thiết kế tương tự XM29 OICW đã hủy bỏ của Mỹ.
Binh sĩ sử dụng súng phóng lựu thông minh QTS-11 sẽ được trang bị kèm theo màn hình hiển thị, hệ thống định vị nối mạng giúp họ có thể cùng nhau nhìn thấy mục tiêu. Bên cạnh đó, trung tâm chỉ huy có thể theo dõi hoạt động của họ trong thời gian thực để đưa ra những điều chỉnh chiến thuật kịp thời.
CCTV mô tả QTS-11 là hệ thống “hỏa lực cá nhân mạnh nhất thế giới”. Nhà sản xuất QTS-11 tuyên bố lựu đạn 20 mm có bán kính sát thương tới 7,7 m. Nó có thể bắn 5 loại lựu đạn khác nhau được lập trình thông qua hệ thống điều khiển hỏa lực. QTS-11 được cho là đã đưa vào phục vụ hạn chế trong đơn vị đặc nhiệm Sky Wolf thuộc Bộ Tư lệnh phương Tây, phụ trách khu vực giáp biên giới Ấn Độ.
Thông minh nhưng không hiệu quả
Những thông tin mà CCTV giới thiệu về súng phóng lựu thông minh QTS-11 cho thấy nó có thể tạo ra “cuộc cách mạng” trong hỏa lực cho bộ binh cá nhân. Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên chế tạo súng phóng lựu thông minh và kết quả thử nghiệm nó trên thực địa không như mong đợi.
Quân đội Trung Quốc khoe súng phóng lựu thông minh QTS-11 trong một chương trình ghi hình của CCTV. Ảnh: Shephardmedia. |
Năm 1996, Alliant Techsystems của Mỹ và Heckler & Koch của Đức đã phối hợp chế tạo súng phóng lựu thông minh XM29 OCIW. Súng kết hợp giữa một phiên bản của súng trường tấn công HK G36 và súng phóng lựu 20 mm, cùng hệ thống điều khiển hỏa lực tích hợp.
Những lời quảng cáo "có cánh" của nhà sản xuất nhanh chóng mất điểm trong mắt quân đội khi súng được đưa vào thử nghiệm. Lựu đạn 20 mm sát thương nhờ vào các mảnh đạn khi nổ nhưng lực văng của chúng không đủ mạnh, chúng có xu hướng hất lên cao nên bán kính sát thương thấp.
Ngoài ra, những quả lựu đạn thông minh đắt gấp nhiều lần so với lựu đạn thông thường, trong khi hiệu quả tác chiến lại kém hơn. Quân đội Mỹ nhanh chóng mất hứng thú với súng phóng lựu thông minh XM29. Chương trình XM29 OCIW bị hủy bỏ vào năm 2004.
Nhà sản xuất Alliant Techsystem sau đó phát triển súng phóng lựu thông minh XM25 sử dụng lựu đạn 25 mm. XM25 có thiết kế hiện đại, bắn lựu đạn thông minh có thể tiêu diệt bộ binh ẩn nấp trong hầm hào, công sự. XM25 đã được đưa đến chiến trường Afghanistan để thử nghiệm.
Tuy nhiên, đơn giá quá cao, nặng và cồng kềnh trong khi hiệu quả chiến đấu không quá vượt trội so với các súng phóng lựu kẹp nòng truyền thống. Chương trình XM25 đã bị hủy bỏ vào năm 2017.
Chương trình XM29 bị hủy bỏ vì không hiệu quả trên chiến trường. Ảnh: Military Factory. |
Hàn Quốc cũng phát triển súng phóng lựu thông minh K11 có thiết kế tương tự XM29. K11 kết hợp giữa súng trường 5,56 mm và súng phóng lựu 20 mm. K11 được đưa vào thử nghiệm từ năm 2010. Tuy nhiên, súng gặp trục trặc với hệ thống điều khiển hỏa lực và kính ngắm quang học. Nó cũng khá nặng với trọng lượng rỗng tới 6,1 kg.
Robert Beckhusen, nhà phân tích quân sự kỳ cựu, biên tập viên của tạp chí Warisboring, cho rằng việc truyền thông Trung Quốc ca ngợi súng phóng lựu thông minh QTS-11 và đơn vị đặc nhiệm Sky Wolf chỉ nhằm mục đích tuyên truyền.
QTS-11 nặng khoảng 7 kg, bao gồm đạn và phụ kiện, nhẹ hơn so với XM29 nhưng vẫn là một trở ngại đối với thể chất người Á Đông. Hiệu suất thử nghiệm của vũ khí thông minh này chưa bao giờ được công bố.
Các dự án súng phóng lựu thông minh trên thế giới đều không giải quyết được bài toán “chi phí và hiệu quả”. Ông Beckhusen hoài nghi khả năng Trung Quốc có thể làm tốt hơn Mỹ và Hàn Quốc đối với loại vũ khí này.