Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Triết học trả lời những câu hỏi thế nào?

Điều gì là bằng chứng cho một thứ gì đó là thật? Thậm chí cái “thật” đó có nghĩa là gì? Hiểu biết của bạn có thực sự là chắc chắn hay không?

Nhận thức luận: Ta có thể biết gì?

Khi nghiên cứu siêu hình học, có thể bạn sẽ hỏi, “Làm sao tôi biết thứ gì là thật và thứ gì là không thật?”

Nhận thức luận (môn học về nhận thức) là thứ thiết yếu để bạn trả lời câu hỏi này và nhiều câu hỏi khác nữa. Trong tiếng Anh, nhận thức luận là “epistemology”, trong đó “episteme” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp và có nghĩa là “kiến thức”.

Làm sao bạn biết chắc cuốn sách này không lừa gạt bạn? Làm sao bạn biết chắc bạn đang thực sự đọc nó ngay vào lúc này đây? Chắc chắn bạn có vẻ như đang đọc nó rồi, nhưng biết đâu bạn đang mơ? Biết đâu bạn cho rằng bạn đang ngồi đọc nó trên ghế, nhưng thật ra lại đang ngồi trên một thiết bị mô phỏng khiến bạn tưởng bạn đang ngồi trên ghế.

Triet hoc anh 1

Ảnh minh hoạ.

Thật ra bạn khỏi lo bị rơi vào một kịch bản dạng này đâu, nhưng việc đặt ra những câu hỏi có vẻ hiển nhiên như “làm sao tôi biết mình đang thực sự cầm cuốn sách?” sẽ giúp bạn trả lời một số câu hỏi khó và phổ quát hơn: Điều gì là bằng chứng cho một thứ gì đó là thật? Thậm chí cái “thật” đó có nghĩa là gì? Hiểu biết của bạn có thực sự là chắc chắn hay không, nhỡ không thì sao?

Ở đây, khoa học đảm nhận cái chức trách giúp chúng ta hình dung mình nên tin điều gì. Nhưng điều đó có đảm bảo không chứ? Khoa học có thể đưa ra kiểu tuyên bố hợp thức nào? Câu hỏi nào có thể được tính là câu hỏi khoa học? Liệu có lĩnh vực nào mà khoa học không cần thiết phải xía vào?

Đạo đức: Ta biết phải làm gì?

Đạo đức (Ethics) đặt ra câu hỏi chúng ta phải làm gì và ta muốn là kiểu người nào. Điều gì là đúng và điều gì là sai?

Quy tắc đạo đức liệu có phải là nguyên một bản danh sách những điều luật phải tuân theo, hay chỉ có một điều luật căn bản duy nhất như “Phải đối xử với người khác như cách ta mong muốn họ đối xử với mình.” Nhưng đạo đức học (hay luân lý học) không chỉ xem xét chuẩn mực nào là đúng, nó còn xem xét liệu có một chuẩn mực đúng hay không.

Nếu có một người lớn bảo bạn phải cư xử tốt với em trai thì từ “phải” ở đây có ý nghĩa gì? Có phải người lớn đó muốn nói họ mong bạn cư xử tốt? Cư xử đạo đức thì liên quan gì đến việc bạn la ó và reo hò trên sân bóng đá chứ? Bạn la ó trên sân bóng thì đâu phải bạn bình phẩm gì về kỹ năng của các cầu thủ, bạn chỉ thể hiện cảm xúc của bạn về họ mà thôi. Liệu đạo đức chỉ là biểu hiện của những gì ai đó muốn hoặc thích? Hay thực sự có những chuẩn mực đúng một cách khách quan?

Ngoài việc tìm hiểu những quy chuẩn đạo đức, luân lý còn bao gồm cả môn tâm lý đạo đức, môn học chuyên xem xét điều gì thúc đẩy ta làm điều đúng. Một câu hỏi siêu hình tác động sâu sắc lên đạo đức là ý chí tự do: Liệu ta có được tự do thực sự không trong lựa chọn hành động?

Các triết gia trong lĩnh vực này mà ta sẽ bàn đến gồm Khổng Tử, Lão Tử, Plato, Aristotle, Epictetus, Augustine, Jeremy Bentham, Immanuel Kant, John Stuart Mill, và Friedrich Nietzsche.

Mark Linsenmayer/ NXB Trẻ

SÁCH HAY