Trước hết bạn cần xác định rõ bạn muốn biết gì từ cuốn sách này. Triết học là gì nhỉ? Nó khác gì với khoa học hay tôn giáo? Cớ sao phải quan tâm đến mấy ông triết gia đã phát biểu cái gì? Tại sao tự bạn không trở thành triết gia luôn cho nhanh?
Từ philosophy (triết học) được ghép từ hai từ tiếng Hy Lạp: philo - có nghĩa là yêu thích (mọi dịch thuật đều chỉ là tương đối thôi nhé), còn cái đuôi - sophy thì có nghĩa là “khôn ngoan”, “trí tuệ”, hay “thông minh”.
Tóm lại, triết học là việc “yêu thích sự khôn ngoan” hay thích mình khôn ngoan. Điều quan trọng không phải là bạn khôn ngoan, trí tuệ hay thông minh gì cả, mà điều quan trọng là bạn muốn được như thế.
Ai mà chẳng thích những câu chuyện độc lạ, như chuyện một siêu nhân do trúng tia phóng xạ gì đó hay bị mất người thân, vì thế nguyện chiến đấu cho một thế giới tốt đẹp hơn.
Chân dung triết gia Plato. Nguồn: BBC. |
Triết học là một câu chuyện cũng na ná như thế. Trở lại cái thời năm 400 TCN, hồi đó có một ông kia tên là Socrates, sống ở thành phố Athens, Hy Lạp. Socrates thường đi loanh quanh hỏi han mấy vị chức sắc vì cớ gì họ tin vào những gì họ làm. Dĩ nhiên, Socrates đã chứng minh rằng mấy vị chức sắc này thực sự chẳng hiểu những gì họ nói. Họ không ưa bị ông khui ra huỵch toẹt như thế, cho nên họ tố cáo ông cái tội báng bổ thánh thần và làm hư hỏng lớp trẻ. Thế là Socrates bị kết án tử hình.
Với tội danh này, Socrates đã uống thuốc độc. Ông biết mình chẳng làm gì sai cả. Ông đã có một cuộc đời tươi đẹp nhưng nếu đó là phán quyết của thành phố quê hương ông thì ông cũng sẽ chấp thuận thôi.
Lấy cảm hứng từ Socrates, người học trò Plato của ông chép lại tất cả mọi câu chuyện của sư phụ, bởi lẽ tự thân Socrates chưa bao giờ viết ra một cuốn sách nào cả. Sách của Plato đến ngày nay vẫn là tác phẩm triết được đọc nhiều nhất, và mọi triết gia sau ông đều đi theo chân ông hay theo chân những người theo chân ông. Nói nôm na, Plato là người đã khởi đầu cuộc đàm luận mà đến tận ngày nay chúng ta vẫn còn đang đàm luận.
Các môn đồ của Plato đã lập ra nhiều trường phái khác nhau, làm đậm nét hơn những tư tưởng của ông, lan tỏa chúng ra khắp thế giới. Sau khi Đế chế La Mã sụp đổ, cộng đồng Hồi giáo đã tiếp quản và lưu giữ các văn tự Hy Lạp. Các lãnh đạo tôn giáo Trung cổ cũng chuyển đổi tư duy Hy Lạp thành những giáo lý Thiên Chúa (và cả Do Thái giáo lẫn Hồi giáo). Trong thời kỳ Phục hưng (khoảng thế kỷ 14), nhiều văn tự Hy Lạp và La Mã được tái phát hiện ở châu Âu, điều này đã mở ra thời kỳ Khai sáng mà trong đó khoa học đã ra đời cùng tất cả những triết gia lừng lẫy như René Descartes, John Locke, và Immanuel Kant.
Sau Kant, đã có sự phân tách giữa triết học phân tích (trọng tâm đặt ở Anh và Mỹ, có ảnh hưởng lớn đến toán học với các nỗ lực khoa học hóa triết học) và triết học lục địa (trọng tâm ở Pháp và Đức, mở rộng cả sang lĩnh vực thi ca). Đó là những thể loại phi chính thức của triết học. Rất nhiều triết gia không biết ghép mình vào đâu giữa hai thể loại này nên... bác bỏ luôn cả hai.
Dĩ nhiên, tư duy hệ thống không chỉ khởi phát từ Hy Lạp. Ấn Độ và Trung Hoa cũng có nền triết học cổ điển của riêng họ, chỉ mới gần đây thôi, các triết gia phương Tây mới lồng ghép, phối hợp các triết lý của mình với triết lý của châu Phi, người Mỹ bản địa cùng nhiều nhóm sắc tộc khác và đưa vào tư duy triết học dòng chính. Với sự bùng nổ của thông tin cùng Internet, triết học đã trở nên manh mún hơn bao giờ hết. Cuốn sách này sẽ chỉ cung cấp cho bạn điểm xuất phát để bạn tự mình khám phá lấy.
CÁC NHÁNH TRIẾT HỌC
Triết học không chỉ là một lĩnh vực nghiên cứu. Nó là sự khởi đầu của mọi câu hỏi, và các nhánh khác nhau của nó thì tập trung vào các chủ đề khác nhau. Hãy điểm lại những nhánh mà bạn sẽ đọc trong cuốn sách này nhé!
SIÊU HÌNH HỌC: THỰC TẾ LÀ GÌ?
Siêu hình học (metaphysics) đặt ra câu hỏi “thế giới thật ra là như thế nào?”. Lý thuyết cốt lõi của siêu hình học là bản thể luận (ontology), một lý thuyết về sự tồn tại và thế nào là tồn tại. Các triết gia siêu hình đã cố gắng lập ra một bản danh sách các loại vật mà họ nghĩ là thực sự tồn tại. Con kỳ lân có nằm trong bản danh sách đó không nhỉ? Còn tâm trí (soul) thì sao? Các đấng quyền năng nữa? Biết đâu thần thánh mới là thứ duy nhất có thật, còn chúng ta chỉ là những ý tưởng trong tâm trí của mấy ông thần đó. Biết đâu trong bản danh sách chỉ có những hạt nguyên tử bé tí tẹo bởi lẽ mọi thứ chẳng phải được xây lên từ chúng đó sao?
Các nhà siêu hình học còn nghiên cứu cách mọi thứ gắn kết với nhau: Làm cách nào để biến cái đơn lẻ thành cái tổng thể? Làm cách nào để cái mới phát triển từ cái cũ? Làm cách nào để một sự kiện tạo ra sự kiện khác? Làm cách nào để tinh thần vẫn tồn tại trong thế giới vật chất?
Một số câu hỏi siêu hình có sự chồng lấn với khoa học và nhất là vật lý. Trong tiếng Anh, siêu hình học được gọi là “metaphysics”. “Meta” là một tiền tố liên quan đến việc nghiên cứu những căn bản của một thứ gì đó rồi quay sang chất vấn lại thứ này.
Nhà vật lý có thể nghiên cứu cách tương tác của các vật thể, chẳng hạn như một chiếc xe bị hư hại cỡ nào khi tông vào bức tường bê tông với tốc độ 130 km/h. Siêu hình học đặt ra những câu hỏi tổng quát hơn, ẩn sâu hơn bên dưới: Chuyển động là gì vậy? Làm sao để hai thứ tương tác với nhau? Rốt lại, thế nào là một thứ?