Chỉ hơn 2 tháng sau khi Mỹ bắt đầu rút quân, Taliban đã chiếm gần như toàn bộ Afghanistan, đưa phụ nữ tại quốc gia này tới gần hơn với quá khứ mà họ không muốn nhớ lại.
Một số phụ nữ cho hay không có thời gian mua burqa (áo trùm kín người) theo luật Hồi giáo Sharia hà khắc Taliban quy định với phụ nữ.
Với nữ giới Afghanistan, chiếc áo là hiện thực tàn khốc, là bằng chứng cho thấy những nỗ lực đấu tranh trong suốt hơn 20 năm qua của họ đã sụp đổ. Đó là quyền làm việc, học tập, đi lại, thậm chí là sống trong hòa bình, những quyền mà họ lo sợ sẽ không bao giờ có lại.
"Taliban đang sử dụng sức mạnh của đạo Hồi để hù dọa mọi người. Họ lấy đạo Hồi làm vũ khí để hù dọa tất cả bằng vũ lực dưới cái danh đó", bà Quazi Marzia Babakarkhail - (55 tuổi) hiện sống ở Failsworth, Anh, đã phải chạy trốn khỏi quê hương sau khi Taliban cố gắng giết bà hai lần - trao đổi với Zing.
Một quá khứ đau thương
Bà Marzia cho biết mình từng là thẩm phán ở Afghanistan, và đã thành lập một trường học ở quốc gia này để trẻ em gái được tiếp cận giáo dục.
Thế nhưng, vào những năm 1996-2001, khi các tay súng của phong trào Taliban cai trị hầu hết đất nước, bao gồm thủ đô Kabul, đó là một trong những điều bị ngăn cấm.
Dưới chế độ Taliban, theo luật Sharia, họ đóng cửa trường nữ sinh và cấm phụ nữ làm việc. Nhiều điều khoản hà khắc đối với phụ nữ áp dụng như không được đi giày cao gót, trang điểm; chỉ ra đường khi có người thân là nam giới đi kèm.
Phụ nữ buộc phải giấu kín từng centimet da thịt của họ trước người ngoài, dưới một lớp vải phủ kín từ đầu tới chân. Họ chỉ có thể nhìn qua một lớp vải thưa ở phần mắt.
Phụ nữ Afghanistan từng chỉ có thể nhìn cuộc sống qua lớp vải thưa ở phần mắt. Ảnh: Reuters. |
Thậm chí, người dân không được phép quay phim hay trưng bày hình ảnh của phụ nữ ở nơi công cộng hay ở nhà. Tất cả phụ nữ vi phạm có thể bị đánh ngay trên phố, sân vận động.
“Cả đời chúng tôi chẳng có ngày nào tốt đẹp", bà Marzia nói.
Việc là nữ thẩm phán, đồng thời mở trường học khiến bà trở thành mục tiêu của Taliban. Trong lần chia sẻ với tờ Manchester Evening News, nhà hoạt động người Afghanistan kể lại các tay súng từng cố gắng giết bà hai lần.
“Năm 1996, 10 người đàn ông đã phá cửa nhà tôi và cầm súng đứng chặn ở lối ra”, bà Marzia cho biết.
Bà phải trốn trong một cái lỗ, nơi chứa những đường ống nước của ngôi nhà. Trong khi đó, điên lên vì không tìm thấy Marzia, các tay súng đã tát người mẹ già, đe dọa gia đình bà rằng họ sẽ quay lại vào hôm sau.
Nhà văn Homeira Qaderi. Ảnh: New York Times. |
“Tôi đã trốn trong đó suốt 5 tiếng với nỗi sợ hãi. Khi tôi bước ra, côn trùng bám đầy trên người tôi", Marzia nói.
Năm 2007, Taliban một lần nữa cố gắng sát hại bà Marzia khi cố tình lái ôtô cán qua người bà và bỏ mặc cho đến chết.
Những lần ám sát bất thành đã buộc Marzia phải chạy trốn đến Anh. "Mẹ tôi nói bà không thể chịu được nữa. Bà không thể nhìn thấy thi thể con mình trước mặt mình được", Marzia nói.
Homeira Qaderi, tác giả của cuốn sách Dancing in the mosque, cũng là một trong những nạn nhân của luật lệ Hồi giáo hà khắc dưới thời Taliban.
“Tôi sống ở thành phố Herat trong thời kỳ đầu tiên của Taliban. Điều kiện thật kinh khủng. Không ai có thể quên được những ngày đó”, nhà văn đồng thời là nhà hoạt động xã hội người Afghanistan chia sẻ với Zing.
Qaderi từng chia sẻ trên New York Times rằng chị đã bí mật mở lớp dạy tại nhà sau khi các trường học nữ sinh bị đóng cửa.
"Khi có người đến kiểm tra, chúng tôi như những con chuột, im lặng và lo lắng, cố gắng trốn khỏi một con mèo đói có thể vồ chúng tôi bất cứ lúc nào", chị nói.
"Ai cũng đang gào thét những lời hận thù"
Sau khi Afghanistan thoát khỏi Taliban, cuộc sống của phụ nữ ở Afghanistan đã phần nào cải thiện, đặc biệt là với phụ nữ. Theo BBC, năm 1999, không một nữ sinh nào học trung học cơ sở và chỉ có 9.000 bé gái được tiếp cận giáo dục tiểu học.
Đến năm 2003, 2,4 triệu trẻ em gái đã được đi học. Con số này hiện là khoảng 3,5 triệu. Khoảng 1/3 sinh viên tại các trường đại học công lập và tư thục là nữ.
Phụ nữ Afghanistan cũng tham gia nhiều hoạt động đời sống xã hội, nắm giữ các chức vụ chính trị và theo đuổi kinh doanh. Năm 2019, hơn 1.000 phụ nữ Afghanistan đã bắt đầu tự kinh doanh, hoạt động vốn bị cấm dưới thời Taliban.
Hiến pháp Afghanistan cũng thay đổi. Phụ nữ được cho là nên giữ ít nhất 27% số ghế trong hạ viện. Vào tháng 7, họ đã nắm giữ 69/249 ghế.
"Cơn giận dữ của người dân không còn giống như với thời của tôi nữa. Sự thay đổi của Afghanistan thật tuyệt vời khi tôi tới Kabul", bà Marzia chia sẻ với Zing về lần trở lại quê hương vào năm 2019.
Trẻ em gái được đi học trở lại sau khi Taliban sụp đổ. Ảnh: AFP. |
Thế nhưng, những bước chuyển mình này có thể sụp đổ khi Taliban lên nắm quyền. Sự trở lại của Taliban đang gieo rắc nỗi sợ hãi cho hàng triệu phụ nữ Afghanistan.
Zarmina Kakar lớn lên ở khu vực không có sự xuất hiện của Taliban, nơi phụ nữ dám ước mơ và được học hành. Trong 5 năm qua, chị đã làm việc với các tổ chức phi lợi nhuận để nâng cao nhận thức cho phụ nữ và báo chí về bình đẳng giới, theo AP.
Nhưng ước mơ và hoài bão của Kakar đã sụp đổ khi Taliban tràn vào thành phố, cắm lá cờ trắng ở quảng trường trung tâm.
“Takiban đang hạ quốc kỳ Afghanistan ở khắp mọi nơi. Chúng tôi phẫn nộ khi thấy thấy lá cờ của tổ quốc mình bị hạ xuống. Ai cũng gào thét những lời hận thù", Zarmina Kakar, nhà hoạt động vì quyền phụ nữ đang ở thủ đô Kabul, nói với Zing.
“Phụ nữ buộc phải ở trong nhà. Taliban yêu cầu phụ nữ bắt buộc phải mang burqa, họ không được ra khỏi nhà nếu không có nó”, chị cho biết thêm.
Zarmina Kakar, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, rơi nước mắt trong cuộc phỏng vấn với AP ở Kabul ngày 13/8. Ảnh: AP. |
Không chỉ đơn giản là quần áo, một thế hệ phụ nữ Afghanistan - những người đã cố gắng đấu tranh bình đẳng và làm việc với tư cách là nhà lập pháp, nhà báo, thống đốc, bác sĩ, y tá, giáo viên và nhân viên hành chính công - đang lo sợ sẽ mất quyền tự do của phụ nữ.
“Taliban đã gỡ bỏ hết các tấm áp phích, biểu ngữ, hình ảnh quảng cáo phụ nữ trên đường phố”, chị Zarmina Kakar cho biết.
Theo AFP, hàng loạt hình ảnh quảng cáo có mặt phụ nữ ở thủ đô Kabul bị bôi đen. Có tấm bị phun sơn nham nhở gần hết mặt, có tấm bị sơn đen kín hết cổ và đầu của người phụ nữ trong hình.
“Taliban đã kiểm soát tất cả những con phố. Họ tuần tra xung quanh. Các cửa hàng đóng cửa. Điều quan trọng nhất là họ bắt đầu tìm cách xóa bỏ hết hình ảnh của phụ nữ tại các tiệm làm đẹp. Taliban đang chống lại phụ nữ ở Afghanistan. Đây là dấu chấm hết cho sự tự do của chúng tôi”, bà Marzia nói với Zing.
Một số báo cáo cũng được đưa ra về việc phụ nữ độc thân và góa phụ đã bị ép kết hôn với các chiến binh Taliban.
Nhà văn Qaderi hiện ở thủ đô Kabul, Afghanistan chia sẻ khắp mọi miền đất nước, người dân sống trong cảnh sợ hãi, lo ngại mỗi khi nghe thấy tiếng gõ cửa nhà.
“Tất cả thành phố cả nước đều trong tình trạng chiến tranh và hỗn loạn. Súng được nhìn thấy ngoài đường còn nhiều hơn cả phụ nữ”, chị nói với Zing.
Những tấm ảnh phụ nữ bị bôi đen ở Kabul. Ảnh: AFP. |
Trả lời Zing, nhiều nhà hoạt động xã hội cho hay tính mạng của họ đang bị đe dọa.
“Chúng tôi, những nhà hoạt động nhân quyền, đang đếm ngược từng giây từng phút thời khắc mình ra đi. Tất cả phụ nữ đều sợ hãi. Hiện có rất ít nhà hoạt động nhân quyền và dân quyền sẵn sàng chia sẻ", chị Zarmina Kakar nói.
Trong khi đó, bà Marzia cho biết từ nước Anh xa xôi, bà đã nhận được rất nhiều tin nhắn của những người phụ nữ ở Afghanistan. Họ là những nhà hoạt động nữ quyền, nhà báo, thẩm phán, luật sư, những người làm việc cho chính phủ, chính trị gia, và đặc biệt là các nghị sĩ, làm việc với quốc hội.
“Có những nhà báo còn vừa khóc vừa nhắn cho tôi”, bà nói và cho biết thêm nỗi sợ này không chỉ ở trong những người phụ nữ mà ở cả mọi đối tượng tại Afghanistan. “Họ ùa tới sân bay, họ chỉ muốn trốn thoát”.
Những người phụ nữ Afghanistan có ít ký ức về những ngày yên bình, bởi nửa thế kỷ qua, đất nước của họ trải qua quá nhiều đau thương, đói nghèo và xung đột bởi những cuộc chiến chống lại các thế lực nước ngoài, xen lẫn nội chiến giành quyền lực của phe phái.
“Nghèo đói, chết chóc, và di tản dường như là những thuật ngữ gắn liền với số phận người dân Afghanistan. Và ngay lúc này đây, người dân đang trải qua một biến động khác như vậy”, nhà văn Qaderi chia sẻ.
Khi được hỏi người Afghanistan có thể nhận được sự trợ giúp từ đâu, bà Marzia chỉ nói lên 3 từ: “Tôi không biết”.
“Tôi nên gọi ai bây giờ, một tổ chức ư? Tôi nên gọi ai, ai có thể bảo vệ sân bay một cách an toàn cho những người muốn rời khỏi đất nước này?”, bà nói.
"Chúng tôi mất tất cả chỉ sau một đêm"
Lịch sử cai trị cực đoan của Taliban khiến nhiều người Afghanistan vẫn sợ hãi, bất chấp tổ chức này nỗ lực đưa ra nhiều giọng điệu mềm mỏng.
Hôm 17/8, tại cuộc họp báo đầu tiên sau khi tiếp quản Kabul, phát ngôn viên của Taliban, Zabihullah Mujahid, cho biết phụ nữ sẽ có quyền được giáo dục, chăm sóc sức khỏe và đi làm. Người phát ngôn khẳng định phụ nữ sẽ “hạnh phúc” trong khuôn khổ của luật Hồi giáo Sharia, theo Reuters.
Đặc biệt khi đề cập đến vấn đề phụ nữ làm việc trong lĩnh vực truyền thông, Mujahid cho biết điều đó sẽ phụ thuộc vào luật ban hành bởi chính phủ mới ở Kabul.
Ông Mujahid cũng đưa ra một cam kết mơ hồ về việc duy trì các quyền tự do báo chí, miễn là các nhà báo không "chống lại các giá trị quốc gia".
Tuy nhiên, trước tuyên bố có phần ôn hòa của Taliban, những người phụ nữ Afghanistan khẳng định họ không tin vào lời nói của lực lượng này.
“Taliban sẽ không thay đổi. Tôi không bao giờ tin rằng lực lượng này sẽ thay đổi”, chị Zarmina Kakar nói. “Taliban nói rằng họ thay đổi. Nhưng tại sao phụ nữ vẫn phải đeo khăn trùm đầu, không được phép ra khỏi nhà nếu không đi cùng chồng, anh trai hoặc con trai họ?”.
Lực lượng Taliban cho người tuần tra các trạm kiểm soát chứ không sử dụng cảnh sát truyền thống. Ảnh: AP. |
Ngoài ra, theo lời một người quen của chị Kakar, Taliban đang phát lệnh ân xá. Tuy nhiên, những người đó phải cam kết sẽ không hành động ngược lại Taliban và không được phép can thiệp vào chính phủ Taliban.
“Anh ấy kể rằng họ sẽ tiêu diệt bất cứ ai la hét và có biểu hiện chống đối”, chị cho hay. Zing chưa thể xác thực thông tin này.
Lời khẳng định không còn niềm tin vào Taliban cũng được bà Quazi nói trong cuộc phỏng vấn với Zing bởi bà tin “những điều Taliban nói trên truyền thông đều là giả dối”.
“Tư duy như vậy đã ngấm vào máu họ rồi”, bà Quazi nhấn mạnh. “Taliban đang muốn có quyền lực, họ muốn lấy lòng tin từ Liên Hợp Quốc, Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác. Họ bày ra những ‘trò chơi’ mà ở đó họ là những tay chơi cừ khôi. Họ dùng suy nghĩ, lời nói, hành động nhất quán trong trò chơi mà chính họ dựng lên”.
Chị Qaderi lại để ngỏ câu trả lời về số phận của những người phụ nữ Afghanistan dưới sự cai trị của Taliban, nghi ngờ liệu lực lượng này sẽ cai trị theo cách khác hay vẫn sẽ áp dụng cách thức tàn bạo trong quá khứ.
“Không ai có thể đoán trước được tương lai, ai nấy đều hồi hộp chờ đợi trong sợ hãi. Chúng tôi không thể làm được gì, ngoại trừ chờ đợi”, chị nói.
Tuy nhiên, chị cho rằng có những thứ đã đoán trước được. Chị không mong đợi Taliban sẽ để phụ nữ hoàn toàn bình đẳng với nam giới bởi “họ có cách hiểu riêng về luật tôn giáo”.
“Trong tâm trí của Taliban, giá trị truyền thống có sức mạnh hơn cả các chuẩn mực tôn giáo. Họ không bao giờ coi phụ nữ ngang hàng với mình”.
Nhưng một phần nào đó, chị hy vọng Taliban sẽ giữ đúng lời hứa, bởi “Taliban vẫn chưa nói gì về hình thức chính phủ mới mà họ dự định thành lập”, và “chúng ta hãy cứ chờ xem Taliban đối xử với phụ nữ như thế nào”.
Nhiều người Afghanistan xuống đường biểu tình hôm 20/8, trong đó có cả phụ nữ. Ảnh: Reuters. |
Một tương lai bất định với nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp. Cả ba người phụ nữ đều tự đặt ra cho mình những tình huống mà đất nước và bản thân họ sẽ phải đối diện trong tương lai.
“Phụ nữ sẽ quay trở lại thời kỳ đen tối. Tôi cảm thấy không còn chút hy vọng nào cho tương lai của đất nước mình. 20 năm qua, chúng tôi đã đạt được nhiều thứ, và giờ chúng tôi mất tất cả chỉ trong vòng một đêm. Thật không dễ dàng để chấp nhận chuyện này”, bà Marzia đau đáu khi nghĩ tới tương lai.
Chị Kakar nói rằng tính mạng mình đang ở trong tình huống nguy hiểm, nhưng chị sẽ không yên lặng. Kakar muốn lên tiếng và nói sự thật với giới truyền thông, bởi Afghanistan “đang ở trong tình trạng tồi tệ cả về mặt tinh thần lẫn an ninh. Cả nữ giới và nam giới đều sợ hãi nếu nói ra sự thật. Họ biết rằng nếu họ nói điều gì đó, họ sẽ phải nói lời chào tạm biệt với cuộc đời mình”.
“Tôi không biết tôi sẽ còn sống được bao nhiêu ngày nữa. Có lẽ đây sẽ là lần cuối cùng tôi lên tiếng”, chị nói. “Tôi tự hào nếu được hy sinh cho Afghanistan. Người dân Afghanistan và phụ nữ ở đất nước này đang mắc kẹt trong đau khổ và khủng bố. Thế giới chỉ đang đứng nhìn, và rồi lịch sử sẽ ghi lại hết tất cả những nỗi kinh hoàng và những điều khủng khiếp này”.
Còn với nhà văn Qaderi, nếu lịch sử đen tối ở Afghanistan lặp lại, nếu những lời hứa của Taliban mãi chỉ nằm trên giấy, chị chia sẻ đó là lúc chị phải rời bỏ quê hương của mình.
“Nếu Taliban không cho phép tôi làm việc, không cho phép tôi viết sách, không cho phép tôi tiếp tục kể chuyện về mảnh đất này, có lẽ lúc đó, tôi sẽ phải rời bỏ đất nước của mình. Bởi khi đó, tôi đã chẳng thể cống hiến được gì cho đất nước mình nữa rồi”, chị Qaderi nói.