Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tính tằn tiện của các đại gia

Một yếu tố tiếp tục gây hiểu lầm về hình ảnh của các đại gia là sự nổi tiếng về tính căn cơ, tằn tiện của họ.

Tỷ phú Lý Gia Thành. Ảnh: CK.

Một phần, điều này là hợp lý, tuy nhiên, sự tiêu pha tằn tiện của họ vẫn là cực lớn so với mức tiêu xài chung của xã hội. Sự tiết kiệm chính đáng đó phản ánh mong muốn bản năng của một doanh nhân là bảo tồn vốn.

Như một chủ ngân hàng đầu tư châu Á lâu năm (và là bạn tình của đại gia) nhận xét: “So với chủ ngân hàng đầu tư hạng trung bình, họ giỏi hơn ở chỗ biết tự từ chối những phần thưởng trần tục tức thời.

Ví dụ, Robert Quách đã mua một tòa biệt thự ở đường Vịnh nước sâu (Deep Water Bay) ở Hong Kong (một dạng “nhà ở ngõ hẻm” của các đại gia, gần một sân golf chín lỗ mà các bố già rất ưa thích chỉ để được chơi vài hiệp vào mỗi sáng sớm) trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, với cái giá bèo bọt là 80 triệu đôla Hong Kong. Ông đã cố gắng sống trong ngôi nhà đó, nhưng theo các thành viên của gia đình, ông trở nên ám ảnh với ý niệm rằng bất động sản đã quá nhiều, thậm chí ngay cả đối với một người có nhiều tỷ đôla.

Cuối cùng, ông cho dỡ bỏ ngôi nhà, xây dựng năm căn nhà khiêm tốn ở vị trí đó, một căn dùng cho mình, hai căn 1001 cho gia đình và cho thuê hai căn còn lại. Quách sống trong loại nhà mà ở châu Âu và Mỹ, một người quản lý ngân hàng hạng trung thường ở.

Các bố già cũng thích dùng điện báo để gửi tin nhắn cho nhân viên và các nhà cung cấp dịch vụ. Một chủ ngân hàng đầu tư tại Malaysia nhớ lại một cuộc họp tại London vào năm 1999 với Lâm Quốc Thái, con trai của tỷ phú trùm giải trí Lâm Ngô Đồng, để xác nhận việc mua lại công ty Cruise Lins của Na Uy với giá 2 tỷ đôla.

Rời khỏi văn phòng luật sư trong thành phố, Quốc Thái gọi một chiếc xe taxi mà các chủ ngân hàng đoán rằng sẽ đưa họ tới sân bay Heathrow để bay sang Na Uy. Nhưng đi được một dặm rưỡi, người thừa kế tỷ phú đã ra lệnh dừng xe và dẫn mọi người đến lối vào đường tàu điện ngầm London. Ông đã tiết kiệm một vài đồng bằng cách đi tàu điện đến sân bay.

Khi đã ở sân bay Heathrow, các chủ ngân hàng đầu tư lại lúng túng nhận thấy nhóm của mình đã được đặt vé hạng thường cho chuyến bay đến Oslo. K. S. Li (thường được gọi là Li Kashing - Lý Gia Thành khi ở Hong Kong) thích chứng tỏ sự khiêm tốn của mình bằng cách nhắc nhở mọi người về đồng hồ đeo tay Seiko và Citizen rẻ tiền mà ông đã đeo nhiều năm - “vẫn dùng tốt”.

Một người quản lý của ông đã được nghe câu nói này quá nhiều lần đến nỗi thuộc nằm lòng. Hình ảnh chiếc đồng hồ rẻ tiền đã trở thành biểu tượng của ông. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với tạp chí Fortune, Lý lại đưa ra chủ đề đồng hồ: “Đồng hồ của anh sang trọng hơn”, ông chỉ chiếc đồng hồ của phóng viên. “Của tôi rẻ hơn, rẻ hơn 50 đôla”.

Ngoài bản năng bảo toàn vốn, các thủ thuật kinh doanh nhạy bén cũng thể hiện cho nhân viên biết tính tiết kiệm. Tuy nhiên, có một thỏa thuận ngầm về lối sống được cho là khiêm tốn của bố già hạng trung. Một niềm tự hào khác của công chúng dành cho Lý Gia Thành là một thực tế, rằng ông đã rút những khoản tiền lương nhỏ từ các công ty đại chúng của mình để chi tiêu - năm 2005, ông chỉ rút khoảng 10.000 đôla Hong Kong từ công ty Cheung Kong Holdings. Điều này không bao giờ ngụ ý rằng tại Hong Kong người ta chỉ đánh thuế thu nhập dựa trên tiền lương chứ không theo cổ tức, do đó, khuyến khích các đại gia trốn thuế lợi tức.

Peter Churchouse, một cựu giám đốc điều hành tại Morgan Stanley ở Hong Kong, nhắc đến trường hợp của một trong những bạn đồng nghiệp của Lý Gia Thành: “Lý Triệu Cơ”, ông nói, “đã nhận được 150 đến 300 triệu đôla cổ tức chỉ từ công ty vận tải biển Henderson trong 20 năm". Lý đã sử dụng tiền để mua 30.000 căn hộ chung cư tại Mỹ. Suy cho cùng, chắc chắn đây không phải là những người chỉ sống nhờ các khoản thu nhập nhỏ.

Tính hoang tàng thực sự và bí mật của nhóm anh em, bạn bè các đại gia nằm ở thói cờ bạc cao cấp của họ. Hầu hết thành viên của nhóm đều tuyên bố rằng tất cả các thành viên khác (chứ không phải chính họ) đều ham mê cờ bạc.

“Cả bọn chúng tôi đều là những con bạc lớn”, một tỉ phú ở Hồng Kông đã nói như vậy. “Hai người duy nhất không phải con bạc lớn (nhưng vẫn là bố già cờ bạc) là Stanley Hà và Henry Hoắc”.

Các chủ ngân hàng đầu tư ở Hong Kong và Singapore thường đồn đại rằng trò chơi golf ăn tiền của các đại gia có giá trị đến 1 triệu đôla một lỗ. Hoặc có người thường thua đậm trong các chuyến đi đến Australia và Mỹ để đánh bạc. Tất nhiên, chẳng có tin tức gì trên các phương tiện thông tin đại chúng bởi vì các đại gia không công khai.

Những lời đồn đại có rất nhiều và gợi ý một hình thức đánh bạc vang tiếng một thời của các ông vua ở Trung Đông - những khoản tiền khổng lồ đã bị thổi bay bởi những người không biết giá trị thực tế của tiền bạc, vì họ đã không thực sự kiếm được nó.

Joe Studwell/NXB Thế giới & Alpha Books

SÁCH HAY