Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phân tích 15 lời khuyên đọc sách của 'các ông lớn'

Theo ông Nguyễn Cảnh Bình, tỷ phú Elon Musk, Bill Gates, Warren Buffett... đều là "các ông lớn" trên thương trường, họ đọc và viết sách, đưa ra lời khuyên tuyệt vời cho độc giả.

Theo ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books, Viện trưởng Viện Lãnh đạo ABG, hầu hết các nhân vật, học giả, doanh nhân, chính trị gia lớn trên thế giới (và có lẽ ở Việt Nam cũng vậy) đọc sách rất nhiều. Họ đều có kinh nghiệm và lời khuyên tuyệt vời về đọc sách.

Ông Nguyễn Cảnh Bình đã chọn lựa những nhân vật nổi bật, có lời khuyên hữu ích từ việc viết và đọc. Từ đó, ông giải thích thêm để độc giả, đặc biệt là các bạn trẻ, hiểu rõ nội dung trong những lời khuyên của họ.

Doc sach anh 1

Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books, Viện trưởng Viện Lãnh đạo ABG. Ảnh: NVCC

1. Tỷ phú Elon Musk

Elon Musk thường đặt ra mục tiêu rõ ràng khi đọc, chẳng hạn như tìm hiểu công nghệ mới hay tìm kiếm giải pháp cho một vấn đề cụ thể. Điều này giúp ông tập trung và tiết kiệm thời gian.

Tôi rất đồng tình với cách này, đừng đọc mà không có mục tiêu gì. Khi xác định mục tiêu thật rõ, việc đọc mới có tác dụng. Ví dụ bạn gặp vấn đề về chiến lược phát triển công ty, hãy tìm vài cuốn sách dạng đó đọc. Như vậy sẽ hiệu quả gấp nhiều lần so với khi bạn đọc sách chiến lược nhưng chẳng có mục đích gì rõ ràng trong đầu.

2. Tỷ phú Bill Gates

Bill Gates khuyên xem qua mục lục và các tiêu đề chính của cuốn sách trước khi đọc sẽ giúp hiểu rõ cấu trúc và nội dung chính, từ đó đọc nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Đương nhiên trước khi mua sách, bạn hãy lướt qua nội dung. Nhưng khi cầm sách bắt đầu đọc cũng nên xem qua phần đầu, mục lục, phần cuối, bìa, lời giới thiệu. Những tác phẩm văn học hay tiểu thuyết trinh thám đọc thế sẽ mất vui, nhưng sách non-fiction (sách phi hư cấu) thì rất nên. Tôi hay đọc nhảy cóc hơn là đọc tuần tự. Thậm chí, tôi thích nhảy cóc sang cuốn sách mới khi cuốn cũ còn chưa đọc xong, một lúc nào đó sẽ quay lại đọc tiếp.

3. Nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey

Oprah Winfrey luôn dành thời gian mỗi ngày để đọc sách. Bà cho rằng thói quen đọc hàng ngày không chỉ giúp cải thiện kỹ năng đọc mà còn là cách nạp thêm kiến thức và cảm hứng.

Ngày nào cũng đọc sẽ giúp chúng ta có thói quen tốt, giống như tập gym vậy thôi. Để lâu, nhiều tuần không đọc sẽ khiến việc khởi động khó khăn, não cũng phải khởi động lại. Khả năng tư duy, phân tích vấn đề và sự nhạy bén sắc sảo giảm đi nếu không duy trì thói quen đọc thường xuyên.

Hãy luôn nhớ rằng, đọc sách không chỉ cung cấp kiến thức, thông tin mà quan trọng hơn, giúp cho não linh hoạt. Cứ hình dung như chiếc xe ô tô vậy, bạn nên duy trì hoạt động đều đặn, đừng bỏ mặc vì khi khởi động, chạy lại sẽ khó khăn, thậm chí máy móc còn bị hỏng hóc...

4. Doanh nhân, tác giả Tim Ferriss

Tim Ferriss, tác giả cuốn The 4-Hour Workweek (Tuần làm việc bốn giờ) gợi ý nên đọc theo cụm từ thay vì từng từ một để tăng tốc độ đọc. Điều này giúp não bộ xử lý thông tin nhanh hơn.

Chỉ trẻ con hay người đọc ít mới nhẩn nha từng từ, chứ người lớn và dân chuyên nghiệp thì không đọc cách này. Họ thường đọc âm thầm không tiếng động trừ vài lúc xuýt xoa vì những đoạn hay. Theo tôi, hãy tập đọc cả cụm từ, hiểu nghĩa cả câu, cả đoạn chứ không chỉ đọc từng từ. Bạn hãy tập đi rồi sẽ quen và hiểu ý nghĩa của việc này!

5. Tỷ phú Warren Buffett

Buffett khuyên khi đọc hãy tìm một nơi yên tĩnh và không bị phân tâm để có thể tập trung tối đa vào nội dung sách. Điều này giúp bạn hiểu sâu và nhớ lâu hơn.

Đọc lãng đãng (giống kiểu nghe audiobooks) hiệu quả thấp, trôi tuồn tuột, tưởng đọc nhiều, nghe nhiều mà não không được thêm gì đáng kể, phí lắm! Nên lựa chọn không gian yên tĩnh hoặc nếu ầm quá, hãy dùng tai nghe nhạc không lời để tránh bị phân tán.

6. Nhà văn Dr. Seuss

Ít người Việt Nam biết Dr. Seuss, nhưng ông là một nhà văn lớn của trẻ em Mỹ. Ngày sinh nhật của ông được chọn làm Ngày đọc sáchcho nước Mỹ. Dr. Seuss nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc nhiều thể loại sách khác nhau nhằm mở rộng kiến thức và phát triển tư duy toàn diện.

Tôi là con người điển hình của cách này, đến độ bố kêu "đọc lắm thứ lung tung quá". Khoảng cuối năm cấp 2, tôi đã bắt đầu đọc rất đa dạng từ chính trị, tôn giáo, lịch sử, triết học, tiểu thuyết, khảo cứu, ghi chép.

Không phải ai cũng đọc được như vậy nếu bạn không định đi sâu vào con đường học vấn và nghiên cứu. Nhưng việc đọc đa dạng các lĩnh vực khác nhau từ khi còn nhỏ thực sự giúp tôi có kiến thức bao quát rất rộng.

Các bạn trẻ và cả những doanh nhân nên đọc đa dạng một chút, sẽ kinh doanh tốt hơn nếu có kiến thức văn hoá, lịch sử, âm nhạc, hội hoạ...

7. Học giả, tác giả lớn của Mỹ - Michael Eric Dyson

Dyson khuyên nên dừng lại khi cảm thấy không hiểu rõ một đoạn nào đó và thử tóm tắt bằng lời của mình. Điều đó giúp bạn nắm bắt ý chính và tăng khả năng ghi nhớ.

Kỹ năng này tốt nhưng khó, luyện nhiều mới quen, nhất là tập kể lại cho người khác. Người ta thường nói "đọc thì nhớ 1, kể lại thì nhớ 2, làm thì nhớ 3".

Từ nhỏ tôi đã đọc Tam Quốc diễn nghĩa (sách khi đó cực hiếm, rất khó để bọn trẻ tìm được tác phẩm vô cùng lôi cuốn này). Cứ vài ngày đọc xong tôi lại đến lớp kể những đoạn thú vị cho bạn nghe. Việc này giúp tôi học cách tổng hợp (thực ra khi đó chưa hiểu kỹ năng đó), giờ ngẫm lại thấy rất hữu ích.

8. Nhà văn Stephen King

Stephen King khuyên hãy đọc những gì mình yêu thích để duy trì niềm đam mê và hứng thú với việc đọc. Khi có cảm giác thích thú với nội dung, bạn sẽ đọc nhanh và hiệu quả hơn.

Khi các độc giả trẻ hỏi lời khuyên cho việc đọc sách, tôi cũng nói như vậy. Hãy tìm mấy cuốn thân thuộc, yêu thích mà đọc chứ đừng chọn sách khảo cứu khô khan.

9. Nhà thơ, học giả Mỹ Maya Angelou

Maya Angelou tin rằng, nếu bạn không thể đọc một cuốn sách đặc biệt nào đó nhiều lần thì việc đọc không có ý nghĩa. Đọc lại giúp hiểu sâu hơn và khám phá những chi tiết mới.

Tôi đồng ý với quan điểm này. Những cuốn như Đợt sóng thứ ba, Sự xung đột giữa các nền văn minh, hồi ký Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt, Sapiens: Lược sử loài người, súng, vi trùng và thép... tôi đều đọc đi đọc lại, mỗi lần lại nghĩ được ý tưởng mới và hiểu nhiều vấn đề hơn.

10. Nhà bác học Charles Darwin

Charles Darwin luôn dành thời gian cố định trong ngày để đọc và viết, giúp tăng cường kỷ luật cá nhân. Điều này rất hữu ích, học thói quen đọc đúng giờ trước, sau này sẽ đọc được bất cứ khi nào. Với trẻ con nên đọc sách khi mẹ vắng nhà, các cụ nên đọc khi vợ vắng nhà (chứ đừng ngược lại) thì mới hiệu quả, mới thấy hay, mới vui (cười).

11. Tiểu thuyết gia hàng đầu Charles Dickens

Charles Dickens thường kết hợp đọc và viết hàng ngày để phát triển kỹ năng ngôn ngữ. Tôi rất đồng tình với cách đọc đó. Nạp chữ nhiều thì nên viết ra, cũng là cách luyện bút lực. Viết nhiều thì thạo và hay lên, học được kỹ năng sử dụng ngôn từ. Nói chung rất tốt cho não. Phần não đảm trách nhiệm vụ đọc suy nghĩ khác với phần não quản lý việc viết. Kiểu như tập cơ tay cũng cần tập cơ chân. Cơ thể cân đối mới khỏe mạnh, bộ não của con người cũng vậy.

12. Nhà văn, tác giả viết sách cho trẻ em Neil Gaiman

Neil Gaiman xem việc đọc là cách để trải nghiệm những cuộc phiêu lưu và khám phá thế giới mới.

Với tôi cũng vậy, dù hiện nay các bạn trẻ khám phá thế giới theo nhiều cách khác nhau, đặc biệt là sử dụng công nghệ nghe nhìn. Nhưng vào thời của tôi, phim ảnh và truyền hình rất ít, cách duy nhất khám phá thế giới là đọc sách.

Tôi tin rằng việc đọc sách, ví dụ như cuốn Harry Potter giúp trẻ em có trí tưởng tượng tốt hơn nhiều so với xem phim.

13. Nữ nhà văn Mỹ Ursula K. Le Guin

Theo K. Le Guin, sách giúp phát triển tư duy và tâm hồn, điều này là hiển nhiên. Sách mang đến trải nghiệm mới, mở rộng tầm nhìn và khả năng hiểu biết của con người. Khi đọc, chúng ta có những trải nghiệm, cảm xúc, suy tư và triết lý khác nhau, từ đó làm giàu cho tâm hồn, trở thành con người toàn diện hơn.

14. Nhà văn Ray Bradbury

Ray Bradbury cho rằng cần đọc sách để tránh sự suy tàn văn hóa. Chúng ta đều hiểu rằng sách là kho tàng tri thức và văn hóa của nhân loại. Nếu con người ngừng đọc sách, những giá trị này có thể bị lãng quên hoặc mai một.

15. Phó Chủ tịch Hội đồng trường - Trường Đại học FPT Hoàng Nam Tiến

Anh Hoàng Nam Tiến chia sẻ: "Trước khi đọc nên ăn phở, có thể là phở gà. Còn đọc xong cũng nên ăn phở, có thể là phở bò. Việc ăn hai loại phở này sẽ giúp bạn hiểu tốt hơn, não hoạt động cường độ cao rất tốn năng lượng, cần bù đắp phần mất mát này nhanh chóng".

Thực ra, anh Tiến chưa nói chính xác câu này. Nhưng anh Tiến khuyên mọi người đọc sách và ăn ngon. Tôi tin rằng, đọc sách phải đi cùng với ăn uống tốt. Các nhà khoa học nói não tiêu tốn khoảng 30% năng lượng của cơ thể. Nhưng tôi và anh Tiến đều đồng ý rằng hãy nên ăn ngon, sách hay bổ cho não, thức ăn ngon cũng bổ não không kém.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

https://vietnamnet.vn/chu-tich-nguyen-canh-binh-phan-tich-15-loi-khuyen-doc-sach-cua-cac-ong-lon-2288452.html

Tình Lê/Vietnamnet

SÁCH HAY