"Đây là đòn tấn công rất tinh vi. Chiến dịch với quy mô như vậy đòi hỏi nhiều tổ chức phối hợp", Elijah J. Magnier, nhà phân tích rủi ro chính trị cao cấp tại Brussels (Bỉ), ngày 17/9 nhận định về loạt vụ nổ máy nhắn tin khiến 11 người thiệt mạng, gần 2.800 người bị thương ở Lebanon.
Tin nhắn "tử thần" lúc 15h30
Vị chuyên gia cho biết ông đã nói chuyện với các thành viên Hezbollah, những người đã kiểm tra các máy nhắn tin không phát nổ sau vụ việc, AP đưa tin hôm 18/9.
Ông cho biết nguyên nhân gây ra vụ nổ máy nhắn tin dường như là một thông báo lỗi được gửi đến tất cả thiết bị khiến chúng rung, buộc người dùng phải nhấp vào các nút để dừng rung. Và động tác đó đã kích nổ một lượng nhỏ thuốc nổ được giấu bên trong máy nhắn tin và đảm bảo rằng người dùng có mặt khi vụ nổ xảy ra.
Theo New York Times, các chiến binh Hezbollah đã nhận được một tin nhắn lúc 15h30 chiều 17/9 theo giờ Lebanon có vẻ như là từ ban lãnh đạo. Khi tin nhắn được gửi đến, có một khoảng dừng ngắn, có lẽ là để các chiến binh đưa máy nhắn tin về phía mặt họ, trước khi chúng phát nổ.
Theo tường thuật của hãng thông tấn AP, vào khoảng 15h30 chiều 17/9, theo giờ địa phương, khi nhiều người mua sắm trong các cửa hàng, ngồi trong các quán cà phê hoặc lưu thông ôtô và xe máy trên đường phố vào buổi chiều, các máy nhắn tin trong tay hoặc túi của họ bắt đầu nóng lên và sau đó phát nổ. Những vết thương, máu văng ra và sự hoảng loạn là cảnh tượng bao trùm.
Camera giám sát cho thấy một máy nhắn tin dường như phát nổ tại một khu chợ ở Lebanon. Ảnh: X. |
Có vẻ như nhiều người trong số đó là thành viên của Hezbollah, nhưng cũng chưa rõ liệu có phải chỉ có thành viên nhóm này với sử dụng loại máy nhắn tin đó.
Các vụ nổ chủ yếu được ghi nhận ở các khu vực Hezbollah có sự hiện diện đáng kể, đặc biệt là vùng ngoại ô phía nam Beirut và ở khu vực BEQAA của phía đông Lebanon, cũng như ở Damascus, theo các quan chức của An ninh Lebanon và một quan chức Hezbollah.
Máy nhắn tin bị cài thuốc nổ
Sean Moorhouse, một cựu sĩ quan quân đội Anh và chuyên gia xử lý vật liệu nổ, cho biết các video về các vụ nổ máy nhắn tin cho thấy lượng vật liệu nhỏ - nhỏ như một cục tẩy bút chì - có thể đã được cài vào các thiết bị. Những thiết bị như vậy hẳn đã bị cài đặt trước khi giao hàng, rất có thể do Mossad, cơ quan tình báo nước ngoài của Israel, ông nói.
Chính phủ Lebanon và Hezbollah đều cáo buộc Israel đứng sau sự việc trong khi Tel Aviv từ chối bình luận.
Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah từng yêu cầu các thành viên không mang điện thoại di động để tránh bị Israel theo dõi vị trí và nhắm mục tiêu.
Theo ông Magnier, Hezbollah phụ thuộc rất nhiều vào máy nhắn tin để ngăn Israel chặn thu thông tin liên lạc giữa các thành viên nhóm.
Những vụ nổ bí ẩn xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Israel và nhóm chiến binh Hezbollah do Iran hậu thuẫn, hai bên đã có những giao tranh xuyên biên giới Israel-Lebanon kể từ cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas tại Israel.
Các máy nhắn tin phát nổ trong vụ việc được Hezbollah mua sau khi lãnh đạo nhóm nhóm ra lệnh cho các thành viên vào tháng 2 ngừng sử dụng điện thoại di động, cảnh báo họ có thể bị tình báo Israel theo dõi.
Một quan chức của Hezbollah nói với Associated Press rằng máy nhắn tin này là một thương hiệu mới nhưng từ chối cho biết họ đã sử dụng bao lâu.
Theo tờ New York Times, Israel đã can thiệp vào các thiết bị liên lạc mà Hezbollah đặt hàng sản xuất riêng từ một vùng lãnh thổ châu Á.
Theo NYT, tình báo Israel được cho là đã đặt hai ounce vật liệu nổ bên cạnh pin trong mỗi máy nhắn tin.
"Một công tắc cũng được cài vào để có thể kích nổ từ xa," NYT cho hay.
Một quan chức khác của Hezbollah tiết lộ những chiếc máy nhắn tin có pin sạc lithium và chúng có thể đã phát nổ. Khi quá nóng, pin lithium có thể bốc khói và thậm chí bốc cháy, tạo ngọn lửa có thể lên đến 590°C.
Tuy nhiên, chuyên gia Magnier cho rằng "pin không thể đồng loạt phát nổ tại Beirut, Beqaa và miền Nam Lebanon, thậm chí cả ở Syria".
"Loạt sự cố không phải do thiết bị trục trặc mà vì thứ được cài trong đó phát nổ, chúng có thể được điều khiển từ xa bằng sóng vô tuyến", ông nhận định
Chuyên gia này nêu giả thuyết máy nhắn tin của Hezbollah bị cài thuốc nổ mạnh với khối lượng 1-3 g. Người thực hiện cần rất nhiều thời gian để đặt thiết bị nổ vào máy nhắn tin, trong khi phải đảm bảo toàn bộ chức năng và linh kiện của máy không bị ảnh hưởng.
"Điều này đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ quan tình báo, cũng như tận dụng lỗ hổng trong khâu phân phối thiết bị", ông Magnier đánh giá.
Đòn tâm lý thâm hiểm
Theo Al Jazeera, "tình báo Israel có thể cài thuốc nổ" vào máy nhắn tin của Hezbollah với sự hỗ trợ của một nước thứ ba. Hoạt động này diễn ra trong một thời gian dài trước khi thiết bị tới tay Hezbollah.
Sau sự cố, Iran có thể sẽ phải kiểm tra tất cả sản phẩm và thiết bị của nước này để đảm bảo không bị can thiệp.
Navvar Saban, chuyên gia an ninh thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Omran ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định loạt vụ nổ "là đòn tấn công xâm nhập quy mô lớn" không chỉ ảnh hưởng đến Hezbollah tại Lebanon mà còn cả thành viên Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ở Syria.
"Nhiều người cho rằng thiết bị nhắn tin đã cũ. Tuy nhiên, Hezbollah và IRGC mới nhận mẫu thiết bị tiên tiến được sản xuất gần đây. Các thành viên Hezbollah ở Lebanon và Syria đều dùng thiết bị này", ông Saban nói.
"Vụ việc này là dấu hiệu cho thấy có lỗ hổng an ninh lớn đối với Hezbollah".
Nhận định về quy mô sự cố, chuyên gia Saban cho rằng "hàng nghìn vụ ám sát cùng lúc xảy ra ở nhiều nơi là đòn giáng mạnh vào tâm lý" và sẽ tác động tới Hezbollah.
"Mục đích của chiến dịch này là đánh vào tâm lý, gây ra nỗi sợ hãi trong khu vực và tạo thêm áp lực lên Hezbollah", ông cho biết.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...