Những “thượng đế màn ảnh” trong thời gian qua vừa phải chứng kiến một giai đoạn tồi tệ khi sức khỏe phim ảnh Việt kiệt quệ và thoi thóp thấy rõ. Nắm bắt được thời thế đó, phim ngoại thừa thắng xông lên, chia nhau miếng bánh ngọt doanh thu béo bở tại thị trường nội địa. Trong đó, “bộ đôi song sát” tới từ hai nền điện ảnh hàng đầu châu Á là Thái Lan và Hàn Quốc đua nhau lập nên kỳ tích vang dội tại rạp Việt.
Zing ghi nhận những phân tích của Tiến sĩ Hoàng Cẩm Giang - Trưởng bộ môn Nghệ thuật học, giảng viên cao học chuyên ngành Lý luận Phê bình Điện ảnh - Truyền hình của Trường đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) về vấn đề này.
Phim ngoại thành công ngoài mong đợi
Chúng ta có thể nhắc đến nhiều lý do giải thích cho thành công của công cuộc thâm nhập và chiếm lĩnh màn ảnh này. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất, theo tôi, chính là hai tác phẩm trên đã thực hiện rất tốt công thức “phim giải trí cho người châu Á”. Nội dung phim chứa đựng nét văn hóa bản địa và có sự dí dỏm, hài hước, đem lại cảm giác gần gũi, thân thuộc cho khán giả.
Ngược dòng thời gian để yêu anh (Love Destiny) là phiên bản điện ảnh của series truyền hình dài tập được phát sóng trước đó, rất được yêu thích tại thị trường nội địa xứ sở Chùa Vàng và lan rộng sang cả thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam. Với công thức rom-com kinh điển, tác phẩm của đạo diễn Adisorn Tresirikasem khai thác câu chuyện tình yêu xuyên không giữa người “thời nay” và người “thời xưa” dưới lăng kính “vừa yêu vừa khám phá” khá thú vị.
Lựa chọn bối cảnh sông nước và văn hóa cung đình – quý tộc, Ngược dòng thời gian để yêu anh mang đến sức hấp dẫn, độc đáo riêng so với các phim rom-com hiện đại/đô thị phổ biến khác của Thái Lan. Bên cạnh đó, sự xung đột của các tính cách nhân vật, của văn hóa bình dân và văn hóa quý tộc, của văn hóa đương thời và văn hóa quá khứ, khiến cho bộ phim tạo được nhiều va chạm, nhiều tiếng cười bất ngờ cho khán giả.
Bỗng dưng trúng số (6/45) của đạo diễn Park Gyu-Tae cũng được xây dựng trên chất liệu những đề tài bình dân, gần gũi (nghĩa vụ quân sự, trúng số độc đắc) đặt trong mối liên hệ với Triều Tiên, tính “đặc sắc” riêng mà Hàn Quốc sở hữu.
Các tình tiết, yếu tố hài hước được đạo diễn cài cắm duyên dáng và nhuần nhuyễn. Đó là cái hài nảy sinh từ tình huống trớ trêu, từ tính cách và hành động ngớ ngẩn nhưng đáng yêu của nhân vật chứ không đơn thuần chỉ từ cử chỉ, điệu bộ lố bịch của họ. Các diễn viên cũng biết cách tung hứng nhịp nhàng, ăn ý. Diễn xuất đầy sự nhập tâm, tự nhiên và có sự “kìm chế”. Ở những đoạn phim họ càng diễn nghiêm túc, người xem càng cười sảng khoái hơn.
Bỗng dưng trúng số cán mốc 100 tỷ doanh thu phòng vé tại Việt Nam. |
Có thể thấy, sự thắng thế tại phòng vé của hai phim trên ở thời điểm hiện tại xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do hiếm có phim ngoại nào thực hiện được trọn vẹn công thức giải trí như bộ đôi này.
Bên cạnh đó, nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc, Thái Lan từ lâu đã “ăn sâu bén rễ” trong tâm trí khán giả nước ta với việc đáp ứng rất đúng, rất đủ nhu cầu giải trí của đa số khán giả đại chúng. Ngoài các yếu tố về đạo diễn, diễn viên và quy mô đầu tư sản xuất, các nhà biên kịch đã chạm vào được sự hợp lý, tự nhiên, gần gũi với người Việt Nam nói riêng và người châu Á nói chung.
Lý do phim Việt kiệt quệ
Dễ thấy, kể từ sau đại dịch Covid-19, thị trường nội địa còn gặp nhiều khó khăn và hiện chưa thể bắt nhịp cùng tốc độ phục hồi của ngành công nghiệp điện ảnh thế giới. Đặt lên bàn cân so sánh với nước bạn, chúng ta còn để lộ nhiều thiếu sót khi tiến sâu vào những lối mòn khó lòng tìm ra cửa thoát.
Cụ thể, phim Việt vẫn có những điểm yếu chưa được khắc phục, nhất là sự hụt hơi trong kịch bản, là chưa khai thác được các đề tài bình dân, gần gũi một cách “có duyên”, do đó, chưa thực sự mang lại sự thư giãn và tiếng cười trọn vẹn cho người xem đại chúng.
Nhiều phim Việt vẫn duy trì việc sử dụng công thức: mời người mẫu, ca sĩ, idol đóng phim nhưng không tính đến việc họ không phải là diễn viên chuyên nghiệp và thiếu hụt kinh nghiệm diễn xuất.
Cái hài trong nhiều tác phẩm còn dễ dãi, chủ yếu là hài hành động, hài cử chỉ, thường xoáy vào ngoại hình nhân vật để gây cười; cốt truyện còn lỏng lẻo, nhiều chỗ phi logic. Đó là chưa kể, kỹ xảo còn hạn chế dẫn đến giảm thiểu tính thuyết phục, tính sinh động của bộ phim.
Đặc biệt, chất lượng thoại phim kém cũng là một trong số những yếu tố cần “cảnh báo” của điện ảnh Việt. Đó là biểu hiện của sự non nớt trong tư duy biên kịch, đạo diễn khi lựa chọn sử dụng lời thoại để thúc đẩy hành động; thoại còn nặng nề, không tự nhiên, thường mang tính giáo huấn, giải thích lộ liễu. Nhiều dự án thiếu vắng đặc trưng ngôn ngữ điện ảnh, mang hơi hướm của các sitcom hay phim truyền hình dài tập.
Phim điện ảnh Việt dù được đầu tư nhưng vẫn xuất hiện nhiều lỗ hổng không đáng có. |
Điện ảnh, nhất là điện ảnh thương mại sản xuất theo công thức của Hollywood là một ngành công nghiệp xa xỉ. Bởi, nó đòi hỏi một khối kinh phí khổng lồ so với các ngành công nghiệp sáng tạo, các lĩnh vực nghệ thuật khác. Ngoài một số lượng nhỏ phim độc lập được đầu tư bởi một số công ty tư nhân hoặc bởi các nhà phim Việt kiều, những dự án nội địa thường rất chật vật cả ở khâu sản xuất lẫn khâu phát hành.
Thực tế, số lượng các bộ phim được những hãng thương mại lớn như Galaxy, CJ, BHD sản xuất vẫn khá hạn chế. Chưa kể, đa số phim Việt thường tập trung vào hai “mùa” lớn trong năm là dịp hè và Tết. Vậy nên ở thời điểm tháng 9, 10 hiện tại, những ứng cử viên nội địa bị lấn át bởi các đối thủ nước ngoài cũng là điều dễ hiểu.
Chúng ta từng có những hiện tượng phòng vé là phim Việt, với chất lượng khá và gây sự chú ý của công chúng mạnh mẽ như: Để mai tính, Bố Già, Mắt biếc, Lật mặt: 48h, Thiên thần hộ mệnh, Tiệc trăng máu, Em chưa 18, Cua lại vợ bầu, Hai Phượng hay Em là bà nội của anh… Tuy nhiên, suy xét một cách khách quan, về mặt thị phần, các phim nước ngoài vẫn chiếm đa số ở rạp, như một menu dài phong phú các món ăn cho công chúng lựa chọn.
Trong khi đó, số lượng phim Việt được sản xuất và phát hành khá nhỏ bé khi đứng trước lưu lượng phim ngoại nhập khẩu dồi dào quanh năm. Điểm chung của các tác phẩm nội địa là đều chịu sự kiểm duyệt khắt khe hơn về nội dung so với phim nước ngoài. Điều này ít nhiều sẽ gây khó khăn cho việc phát hành phim rộng rãi; những bản phim bị cắt xén cũng khó khăn hơn trong việc chinh phục khán giả.
Trong thời đại toàn cầu hóa, lại không có sự tuyên truyền theo kiểu Hàn Quốc, Trung Quốc (“ủng hộ hàng nội địa”), khán giả Việt ra rạp và thoải mái lựa chọn phim có tiềm năng giải trí phù hợp với thị hiếu của họ, mà không cần phải đi theo định hướng “người Việt Nam ủng hộ phim Việt Nam”.
Con đường để phim Việt thoát bế tắc
Công nghiệp điện ảnh Việt Nam thực sự chưa mạnh, chưa đủ sức cạnh tranh, chưa có tiếng nói trong thị trường điện ảnh khu vực và toàn cầu. Mà theo quy luật thị trường, các quốc gia thường có xu hướng lựa chọn nhập khẩu phim từ các nền điện ảnh lớn, mang nặng sức ảnh hưởng và có tiềm năng thắng lợi cao về mặt doanh thu (như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Thái Lan,…)
Bên cạnh đó, việc sản xuất phim để vừa trình chiếu trong nước, lại có thể mang đi xuất khẩu, đòi hỏi những tiêu chuẩn chung, đáp ứng thị hiếu khán giả địa phương, với nét văn hóa Việt, song cũng phải mang đặc trưng quốc tế với những tình huống, câu chuyện hấp dẫn được người xem từ mọi nền văn hóa. Đây là câu chuyện đòi hỏi một quá trình dài đầu tư của cả phía nhà quản lý văn hóa, các công ty điện ảnh lẫn người xem.
Nền điện ảnh nội địa cần nghiêm túc cải thiện để bắt kịp với quốc tế. |
Để thành công trong nước cũng như xuất tiến sang thị trường quốc tế, các nhà sản xuất cần cân đối giữa các yếu tố: chất lượng phim, thị hiếu khán giả đại chúng (với những đề tài đời thường, dung dị nhưng trớ trêu, hấp dẫn, mang tính địa phương), và sự đầu tư kịch bản, diễn xuất, kĩ xảo, khâu quảng bá trước khi phát hành.
Bên cạnh đó, “Việt hóa”, remake các phim thành công của Mỹ, Hàn Quốc cũng là một phương pháp thành công mà một số đạo diễn như Phan Gia Nhật Linh hay Victor Vũ đã tiên phong tiến hành (tuy nhiên cũng không nên lạm dụng, vì để bản địa hóa một phim nước ngoài thành phim Việt không hề dễ dàng).
Đặc biệt, bản thân các cơ quan quản lý văn hóa cũng cần có những chiến lược khuyến khích người Việt xem phim Việt. Qua các đợt khảo sát thị trường, ngành công nghiệp điện ảnh nội địa phải tận dụng nắm bắt nhu cầu của khán giả, hỗ trợ các công ty làm phim đáp ứng tốt hơn những xu hướng đó - đúng với chức năng lớn nhất của phim thương mại.
Khâu kiểm duyệt cũng cần có sự nới lỏng tương tự với phim nước ngoài, để các biên kịch, đạo diễn “phóng khoáng” hơn trong việc sáng tạo, thể nghiệm nghệ thuật.