Việc tác phẩm Thái Love Destiny: The Movie (tựa Việt: Ngược dòng thời gian để yêu anh) cán mốc doanh thu hơn 80 tỷ đồng tại phòng vé Việt trong tháng 9 như một bài học nhãn tiền đối với giới làm phim trong nước. Đạo diễn, nhà sản xuất Việt một lần nữa có dịp nhìn nhận lại phong cách, thẩm mỹ và tính hướng ngoại trong tác phẩm của họ.
Trong lịch sử điện ảnh Việt, không ít bộ phim đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng tại phòng vé nội địa. Thậm chí, Bố già từng lập kỷ lục với con số 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, hiếm có một phim điện ảnh "made in Vietnam" nào có thể tạo được tiếng vang tại thị trường nước ngoài, đặc biệt là Đông Nam Á.
Câu hỏi đặt ra: "Tại sao phim Việt khó chinh phục thị trường khu vực, ít nhất là như Thái Lan?". Và "Bao giờ điện ảnh Việt mới kiếm tiền được từ khán giả Đông Nam Á như Ngược dòng thời gian để yêu anh?".
Phim Việt chưa kiếm tiền được ở Đông Nam Á
Từ trước tới nay, hệ thống rạp trong nước là thị trường chính, quyết định sự thành bại của một tác phẩm điện ảnh Việt. Đạo diễn, nhà sản xuất làm phim chủ yếu để phục vụ khán giả nước nhà. Tính “ao làng” của nền điện ảnh Việt được duy trì trong nhiều năm. Một số phim Việt được đưa ra nước ngoài chủ yếu để quảng bá hoặc giao lưu văn hóa, không mang tính thương mại.
Năm 2019, Ngô Thanh Vân đưa Hai Phượng “xuất khẩu” ở thị trường Mỹ và Trung Quốc, thu về 2 triệu USD. Tính đến nay, đây là phim Việt hiếm hoi đạt doanh thu nói trên tại hai thị trường lớn của điện ảnh quốc tế. Tất nhiên, để có thể đưa Hai Phượng đến với khán giả nước ngoài, đạo diễn Lê Văn Kiệt lẫn nhà sản xuất Ngô Thanh Vân phải mất hơn 7 tháng chỉnh sửa lại tác phẩm trước khi phát hành ở Mỹ, Trung Quốc.
Số lượng phim Việt phát hành tại thị trường quốc tế khá ít ỏi. Ảnh: ĐPCC. |
Sau Hai Phượng, Lật mặt: Nhà có khách và Lật mặt 48h của đạo diễn Lý Hải cũng được phát hành tại Mỹ và Australia. Thiên thần hộ mệnh của Victor Vũ từng được đem công chiếu tại 12 thị trường bao gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Ireland, Malaysia, Indonesia, Philippines, Canada, Cộng hòa Czech, Singapore, Hungary, Australia. Nhà sản xuất của Bóng đè công bố thông tin tác phẩm kinh dị sẽ được trình chiếu ở 25 nước.
Tuy nhiên, doanh thu của các tác phẩm nói trên tại thị trường quốc tế không được công bố. Nhiều ý kiến cho rằng, có thể doanh thu mà các phim nhận về không đáng kể.
Một trường hợp phải kể đến là Bố già của Vũ Ngọc Đãng, Trấn Thành, phát hành đầu năm 2019 và lập kỷ lục mới cho thị trường điện ảnh Việt Nam với doanh thu 400 tỷ đồng. Sau thắng lợi vang dội tại phòng vé trong nước, nhà phát hành đã đưa Bố già đến với Mỹ, Singapore, Malaysia, Thái Lan…
Theo số liệu từ Deadline, con đẻ của Trấn Thành thu về 1 triệu USD khi chiếu tại 47 rạp ở thị trường Mỹ (tính đến ngày 15/6/2021).
Kể ra để thấy, trong số hàng trăm phim Việt ra mắt, số lượng tác phẩm tự tin “đem chuông đi đánh xứ người” chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ở thị trường Đông Nam Á, chưa một phim Việt nào tạo được sức ảnh hưởng hay mang lại doanh thu lớn như cách mà Ngược dòng thời gian để yêu anh và nhiều tác phẩm điện ảnh Thái Lan từng oanh tạc phòng vé Việt trong thời gian gần đây và cả những năm qua.
So với nước láng giềng, điện ảnh Việt phát triển sau nhưng lại có nhiều lợi thế hơn trong việc sản xuất và kinh doanh phim. Theo báo cáo “Ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam: Làm sao để vươn mình trước một tương lai bất định” của đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, với sự hỗ trợ của Busan Asian Film School (AFiS), Việt Nam hiện có nền tảng hạ tầng kỹ thuật cho điện ảnh rất tốt và được đánh giá là thị trường đang lên. Nhìn ra châu lục, môi trường của Việt Nam là mơ ước của các nhà làm phim nước ngoài.
Tuy nhiên, tư duy hướng nội cùng phong cách làm phim, thẩm mỹ điện ảnh bộc lộ nhiều hạn chế của đạo diễn, nhà sản xuất trong nước khiến mong muốn phim Việt tạo được dấu ấn tại thị trường quốc tế vẫn mãi là giấc mơ chưa bao giờ chạm đến.
Lý do phim Việt khó xuất ngoại
Trao đổi với Zing, đại diện của CJ HK Entertainment cho biết các đơn vị phát hành/nhập phim khi tiến hành nhập khẩu phim điện ảnh của một nước khác vào thị trường nội địa sẽ căn cứ vào chất lượng tác phẩm, trong đó thể loại phim đóng vai trò quan trọng.
Cụ thể, dòng phim thriller (giật gân) và horror (kinh dị) sẽ có ít rào cản về ngôn ngữ và văn hóa hơn cho các nhà phát hành phim khi nhập phim ngoại về. Ngoài ra, họ cũng xem xét nhiều yếu tố khác như giá cả, lineup (nguyên chùm phim) của các đơn vị bán phim quốc tế về Việt Nam.
Đại diện của CJ HK Entertainment cho hay rào cản lớn nhất của phim Việt khi trình chiếu tại thị trường quốc tế đến từ việc du nhập, truyền bá văn hóa Việt tới các nước bạn chưa tạo ra sự đồng đều, bài bản.
"Không phải chỉ mỗi phim điện ảnh, âm nhạc, truyền hình, văn hóa, ẩm thực... cần được truyền bá để khán giả nước bạn có những hiểu biết nhất định về xã hội, một số giá trị, tập tục của Việt Nam. Từ đó, giúp cho việc đánh giá và tận hưởng các sản phẩm phim/series của Việt Nam được trọn vẹn như cách khán giả Việt Nam tận hưởng ca nhạc, phim, điện ảnh của Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Đây là một quá trình thẩm thấu dần dần và cần sự đồng đều từ các lĩnh vực giải trí của Việt Nam, chứ khó có thể trông cậy vào riêng điện ảnh để chinh phục thị trường nước ngoài", đại diện của CJ HK Entertainment chia sẻ thêm.
Phim Mười: Lời Nguyền Trở Lại của Hằng Trịnh cũng lên kế hoạch phát hành ở nhiều thị trường nước ngoài. Ảnh: ĐPCC. |
Từ thực tiễn làm phim, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho Zing biết phim nội địa khó tạo được dấu ấn thị trường nước ngoài đến từ nhiều nguyên nhân. Anh chỉ ra ngôn ngữ tiếng Việt là ngôn ngữ lạ trên thị trường nội dung.
Ngoài ra, theo Hữu Tuấn, diễn viên người Việt không có tầm ảnh hưởng quốc tế, chưa phải là ngôi sao để khán giả nước ngoài quan tâm. Điều quan trọng nhất, chất lượng phim, nhất là tác phẩm tốt của Việt Nam cũng chỉ bằng mức chấp nhận được khi so sánh với mặt bằng quốc tế. Điều này dẫn tới việc khả năng cạnh tranh của phim Việt khi xuất khẩu là không cao, nếu không muốn nói là quá thấp.
Chung quan điểm, nhà sản xuất Hoàng Quân nói việc một bộ phim có thể thu hút các nhà phát hành quốc tế phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố, trong đó quan trọng nhất thể loại và câu chuyện.
"Họ sẽ thích những câu chuyện mới lạ, sáng tạo hoặc rất 'đậm đà' tính địa phương. Còn về tính thể loại thì dòng phim tâm lý hồi hộp hoặc kinh dị thường dễ tiếp cận hơn với nhóm khán giả quốc tế vì ai thích thể loại này cũng dễ dàng hiểu được câu chuyện. Các yếu tố tình cảm, hài hước thì rất cần sự đồng điệu về mặt văn hóa xã hội mới khán giả có thể cảm nhận được", anh chia sẻ.
Nhà sản xuất Hoàng Quân trao đổi thêm có những câu chuyện phim phù hợp với khán giả Việt Nam song người xem nước ngoài lại không quan tâm. Hoặc nhiều diễn viên nổi tiếng của Việt Nam khi ra thị trường quốc tế lại không được biết đến nhiều.
Nhiều năm qua, giới đạo diễn, nhà sản Việt chuộng remake, chuyển thể phim bởi tính an toàn, dễ sản xuất và tiết kiệm thời gian, chi phí. Có thời kỳ, khán giả bị "bội thực" vì quá nhiều phim remake ra rạp cùng lúc.
Đối với phim remake, chuyển thể, việc "có cửa" tại thị trường nước ngoài là điều không bao giờ có thể xảy ra.
"Remake, chuyển thể khó đến được với thị trường lớn vì khán giả nước ngoài họ đã xem bản gốc từ lâu. Cho nên, câu hỏi đặt ra vẫn là: 'Tại sao chúng tôi phải nhập phim này'. Và câu trả lời là chẳng có lý do gì cả", đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nhìn nhận.
Giới phát hành bày giải pháp cho điện ảnh Việt
Đạo diễn, NSX Lý Hải cho biết với bản thân anh, mỗi khi phát hành một sản phẩm đều mong chờ cơ hội "xuất khẩu" phim ra nước ngoài. Ngoài việc tăng độ phủ sóng cho đứa con tinh thần, việc công chiếu phim ở các thị trường quốc tế cũng là cơ hội để cải thiện doanh thu.
Việc để đưa phim đến với khán giả nước ngoài phụ thuộc phần lớn vào nhà phát hành. Vì thế, Lý Hải bày tỏ mong muốn đơn vị phát hành sẽ tạo điều kiện để những phim Việt có chất lượng có cơ hội "cất cánh" ở những chân trời mới.
Bỗng dưng trúng số của Hàn Quốc thu hơn 100 tỷ đồng tại phòng vé Việt. Ảnh: CJ. |
Về phía nhà phát hành, ông Lê Hoàng Minh - đại diện BHD Star - trao đổi với Zing để một bộ phim Việt có thể tạo được hiệu ứng phòng vé ở thị trường nước ngoài sẽ còn là một chặng đường rất dài.
Ông Minh viện dẫn ở Hàn Quốc, để có được những bộ phim lớn gây tiếng vang ở quốc tế, Chính phủ nước này đã có chủ trương xuất khẩu văn hóa từ vài thập kỷ trước, thông qua các loại hình như âm nhạc, văn học, điện ảnh...
"Công cuộc xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc đã phải làm cách đây từ 20 năm trước và vẫn còn kéo dài đến hiện tại. Khi thành công trong việc xuất khẩu văn hóa thì lúc đó những tác phẩm phim ảnh, âm nhạc mới có chỗ đứng trên thị trường thế giới và đạt được doanh thu như mong đợi", ông Minh chia sẻ.
Theo đại diện BHD Star, để xuất ngoại, phim Việt cần khắc phục những điểm yếu cố hữu kể trên. Kịch bản phim Việt cần mang tính đại chúng, chỉn chu hơn và đặc biệt là phải chinh phục được khán giả trong nước trước.
Trước đây, nhiều bộ phim của Thái Lan chật vật tại quê nhà nhưng nhà sản xuất vẫn tìm cách xuất khẩu phim và thu thêm nhiều lợi nhuận. Đơn cử, trường hợp phim Friend Zone (Yêu nhầm bạn thân - 2019), chỉ đạt doanh thu nội địa khoảng 4 triệu USD nhưng thu thêm được hơn 9 triệu USD ở thị trường quốc tế, trong đó tại Việt Nam là 1,2 triệu USD.
Theo Nguyễn Hữu Tuấn, từ bài học của nền điện ảnh Hàn Quốc, Thái Lan, phim Việt cũng không chỉ tư duy hướng nội mà cần tầm nhìn rộng hơn, vươn mình ra xa khỏi quê nhà, tìm lợi nhuận ở các thị trường nước ngoài.
"Chất lượng phim là điều tiên quyết. Phim Việt buộc phải làm được điều đó bằng nội lực của chính mình, làm sao tạo ra được những bộ phim mang tính toàn cầu mà vẫn mang những nét độc đáo của đất nước", anh chia sẻ.