Giai đoạn chuẩn bị trước khi bước vào mùa phim tận sức dịp cuối năm ghi nhận tình trạng sức khỏe kiệt quệ của điện ảnh nội địa. Liên tục thất thế trước những đối thủ, người hâm mộ tự hỏi đâu mới là lối thoát cho chuỗi đại bại đầy chua chát này.
Phim ngoại độc chiếm sân chơi
Thị trường điện ảnh đang chứng kiến sự oanh tạc của hàng chục tác phẩm quốc tế với thể loại phong phú từ đa dạng quốc gia. Trong đó, Avatar, Bỗng dưng trúng số và Ngược dòng thời gian để yêu anh thắng đậm tại rạp, tạo nên “thế tam kiềng”.
Cụ thể, đến ngày 27/9, tác phẩm Ngược dòng thời gian để yêu anh của điện ảnh Thái vượt mốc doanh thu 76 tỷ đồng, theo Box Office Vietnam. Là một bộ phim thuộc thể loại rom-com với kịch bản nhạt nhòa thiếu chiều sâu, mạch phim dàn trải nhưng bất ngờ thay, tác phẩm dài lê thê với thời lượng gần 3 tiếng đồng hồ của xứ Chùa Vàng lại có thể trở thành hiện tượng phòng vé, 3 tuần liên tiếp đứng nhất bảng. Lý do đơn giản, giữa một mặt bằng chung thấp, phim chỉ cần pha chút mánh hài hước, duyên dáng với việc sở hữu lượng fan đông đảo từ phiên bản truyền hình nên nhận được sự ủng hộ của khán giả cũng là điều dễ hiểu.
Đứng kế tiếp trong BXH phòng vé, Bỗng dưng trúng số dù chỉ mới ra rạp vài ngày đã gặt hái hơn 25 tỷ đồng, lập kỷ lục là bộ phim Hàn Quốc có mở màn thành công nhất lịch sử phòng vé Việt từ trước tới nay. Kịch bản phim nhẹ nhàng, thuần hướng giải trí gần gũi. Qua lăng kính hài hước trào lộng của đạo diễn Park Gyu-tae, quân lính hai quốc gia căng thẳng chính trị lại được thổi một làn hơi dí dỏm có phần cường điệu hóa, tạo nên những tình huống gây cười, dễ chiếm thiện cảm. Với hiệu ứng tích cực đem lại cho khán giả, phim dự kiến thu về cả trăm tỷ đồng.
Đại diện cho thị phần Hollywood tấn công rạp phim nội địa, bản tái chiếu bom tấn Avatar của “phù thủy” James Cameron thu về 30 triệu USD tại phòng vé toàn cầu trong tuần đầu chiếu lại. Chỉ riêng tại thị trường Việt Nam, phim cũng đã gặt hái được 11,3 tỷ đồng. Xuất hiện và tạo nên trang sử mới của điện ảnh từ 13 năm trước (2009), tác phẩm vẫn chứng minh được sức hút không hề hạ nhiệt với khán giả yêu thích thể loại khoa học viễn tưởng.
Nhiều lỗ hổng nhưng Bỗng dưng trúng số vẫn được khán giả yêu thích vì những mánh hài dí dỏm. |
Chính sự phong phú trong thể loại, nắm bắt được thị hiếu và tâm lý khán giả cũng như quảng cáo tương xứng với chất lượng khiến cho phim ngoại thắng thế áp đảo. Bằng chứng là, trong bảng tổng sắp top phim có doanh thu cao, các bộ phim Việt chìm nghỉm dưới hàng loạt cái tên từ thị trường quốc tế.
Cay đắng ở chỗ, phim nội địa bị đánh giá tệ hại, nhưng không phải tất cả phim ngoại đều có chất lượng khá khẩm rõ rệt hơn. Ngoại trừ bản tái chiếu “siêu phẩm thế kỷ” Avatar, các cái tên còn lại đều chỉ dừng lại ở mức “thường thường bậc trung” theo đánh giá của giới phê bình. Chiến thắng áp đảo dù năng lực cạnh tranh không nhiều sự khác biệt được ví như cái tát đau vào mặt thị trường Việt, đồng thời làm dấy lên câu hỏi, liệu rằng những thượng đế có đang sính ngoại và khắt khe thái quá với phim ảnh nước mình hay không.
Phim nội địa mất dấu hoàn toàn
Trong chặng đua nước rút của mùa phim tháng 9, khán giả phải chứng kiến sự thất bại nặng nề của dòng phim nội địa khi thua kém cả về số lượng và chất lượng trước các tác phẩm điện ảnh quốc tế. Kể từ dịp lễ Quốc Khánh 2/9, chỉ có đúng một bộ phim kinh dị của Việt Nam ra rạp là Cù lao xác sống, cùng với Vô diện sát nhân phát hành một tuần trước đó. Gần đây nhất, Trò chơi tử thần của đạo diễn Kazuhisa Yusa công chiếu ngày 23/9 cũng nhanh chóng bị nhấn chìm trước làn sóng ồ ạt của phim ngoại.
Vô diện sát nhân ngay từ khi ra mắt đã không gây được nhiều thiện cảm với khán giả. Chuyện phim kể về một nữ bác sĩ bị gã sát nhân trong mơ ám ảnh mỗi ngày, tới mức chẳng thể phân biệt thật, giả. Kịch bản phim tham lam vì lạm dụng plot-twist, jump-scare rẻ tiền, xử lý vấn đề bằng lời thoại và lồng ghép thông điệp nữ quyền đầy gượng ép. Bên cạnh đó, việc xây dựng quá nhiều tuyến nhân vật nhưng không có định hướng phát triển rõ ràng khiến ngay cả số phận nữ chính cũng mờ nhạt, khó tạo được thiện cảm.
Là bộ phim đầu tiên của Việt Nam khai thác đề tài zombie, tuy nhiên Cù lao xác sống vấp phải vô số lời chỉ trích và chê bai nặng nề của khán giả ngay khi mới chào sân. Xoay quanh câu chuyện đại dịch xác sống ập tới một cù lao tại đồng bằng Nam Bộ, kịch bản phim bị đánh giá đơn giản đến mức hời hợt, thiếu sáng tạo, bên cạnh việc xây dựng một cốt truyện nhàm chán nhưng “bày vẽ” quá nhiều tuyến nhân vật dư thừa.
Chính vì vậy, mạch phim lê thê, tính cách nhân vật nhạt nhòa, đáng trách nhất là tạo hình zombie cũng sơ sài, cẩu thả. Chuyển biến tâm lý của diễn viên không thuyết phục được khán giả vì diễn xuất non nớt, gượng gạo và các mối quan hệ trong phim cũng không được đạo diễn khai thác một cách thấu đáo, triệt để.
Cả hai tác phẩm kinh dị đều thất bại hoàn toàn trong việc mang đến sức hấp dẫn cả về nội dung lẫn yếu tố giải trí. Kết quả không ngoài dự đoán, với kinh phí 15 tỷ đồng, Vô diện sát nhân vỏn vẹn thu về 4,77 tỷ, lỗ nặng! Trong khi đó, Cù lao xác sống tuy bị chê bai thậm tệ nhưng có phần khả quan hơn với gần 13 tỷ doanh thu phòng vé, nhưng cũng nhanh chóng rút lui khỏi rạp trước làn sóng phản đối dữ dội của khán giả.
Xuất hiện một cách thoi thóp trong bối cảnh phim Việt bại trận ê chề, Trò chơi tử thần không ngoài dự đoán là một “quả bom xịt" hứng chịu cả rổ gạch đá của khán giả. Cốt truyện nhàm chán, nội dung không chỉn chu, diễn xuất lố lăng phi điện ảnh dù phim ghi nhận sự góp mặt của những cái tên không nhỏ trong showbiz như Ngô Kiến Huy hay Hoàng Yến Chibi. Phim trở thành một “trò hề” đúng nghĩa với nội dung “3 xu” và chất lượng thảm họa.
Không chỉ thua kém về số lượng, chất lượng phim nội thấp kém và đóng khung với thể loại kinh dị nửa mùa cũng là nguyên nhân khiến người xem không khỏi quay lưng trong ngán ngẩm. Dễ thấy, các dự án của nước nhà hoàn toàn để lộ dấu hiệu hụt hơi về kịch bản, thụt lùi về đồ họa cho đến diễn xuất. Sự cũ kỹ trong cách khai thác chủ đề và cẩu thả khi sử dụng xúc tác điện ảnh hòng khỏa lấp những hạn chế chứng minh nhận định: Làm phim tệ hại tới như vậy cũng là một loại tài năng.
Phim nội tệ hay khán giả sính ngoại
Nhìn nhận dưới góc độ bi quan, việc khán giả quay lưng với phim nội địa là điều không thể phủ nhận. Nhiều ý kiến trào phúng cho rằng, “việc bỏ tiền xem một phim Việt trong giai đoạn hiện tại là không tôn trọng công sức lao động”. Người xem dường như đã mất toàn bộ niềm tin sau khoảng thời gian dài thị trường nội địa tỏ ra kiệt quệ, không theo kịp dòng chảy điện ảnh đang phục hồi mạnh mẽ sau ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19.
“Nền điện ảnh Việt hiện tại như những chú ếch nằm trong nồi nước sôi chậm nếu không có sự thay đổi đặc biệt về tư duy ở tầm hoạch định chiến lược vĩ mô", đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn bình luận. Nguyên nhân chủ yếu từ việc nhiều nhà sản xuất thiếu kiến thức điện ảnh, không đủ khả năng để thẩm định kịch bản. Số khác coi trọng các yếu tố bề nổi, thiếu đầu tư cả về thời gian, chi phí cho yếu tố cốt lõi là nội dung kịch bản. Bên cạnh đó, nhiều nhà làm phim không theo kịp sự thay đổi trong trình độ tiếp nhận nhu cầu và thị hiếu của giới trẻ.
Chiến thắng ngoạn mục của những phim ngoại "tầm thường" là cái tát đau vào thị trường điện ảnh Việt. |
Tuy nhiên, cũng cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại thị hiếu, thẩm mỹ và khẩu vị điện ảnh của người Việt. Đứng trước hàng loạt những bom xịt thảm họa từ thị trường quốc tế, dường như ít có dấu hiệu phản ứng kịch liệt và quay lưng gay gắt như cách một bộ phận khán giả đối xử với dòng phim nội địa.
Bài trừ và tẩy chay những “rác phẩm” chất lượng kém là một điều đúng đắn, nhưng đôi khi cũng cần cẩn trọng để tránh rơi vào cái bẫy của việc sính ngoại, “tiêu chuẩn kép”, ruồng bỏ cực đoan những thành quả lao động của thị trường mình.