Thị trường điện ảnh tháng 9 đang chứng kiến sự oanh tạc của hàng chục phim quốc tế từ Âu Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc hay Indonesia,... Trong đó, Ngược dòng thời gian để yêu anh (Thái Lan), Bỗng dưng trúng số (Hàn Quốc) và Avatar (Hollywood) thắng đậm tại rạp, tạo thế kiềng ba chân nuốt trọn doanh thu. Trong khi, các phim Việt, hoặc đã rút lui từ lâu khỏi trận đấu hoặc đang thoi thóp về doanh thu.
Phim ngoại hốt bạc kỷ lục
Theo số liệu thống kê của Box Office Vietnam, đứng đầu danh sách phòng vé Việt hiện tại là bộ phim Ngược dòng thời gian để yêu anh của điện ảnh Thái Lan. Tính đến cuối ngày 29/9, sau gần một tháng công chiếu, phim gặt hái doanh thu 79 tỷ đồng. Tác phẩm với thời lượng gần 3 tiếng đồng hồ từ xứ Chùa Vàng gây sốt khi trở thành hiện tượng phòng vé với 3 tuần liên tiếp đứng nhất bảng.
Ở vị trí tiếp theo, Bỗng dưng trúng số chỉ mới ra rạp 1 tuần đã đút túi hơn 62 tỷ đồng, lập kỷ lục là phim Hàn có mở màn thành công nhất lịch sử phòng vé Việt. Với tốc độ này, phim dự kiến cán mốc 100 tỷ và sẽ sớm vượt qua Ngược dòng thời gian để yêu anh.
Trước đó, những bom tấn của xứ sở kim chi có doanh thu cao nhất tại Việt Nam là Bán đảo Peninsula (2020) với 80 tỷ đồng và Ký sinh trùng (2019) với 73 tỷ đồng. Gần đây nhất, Hạ cánh khẩn cấp ra mắt ngày 12/8/2022 đã vượt qua Chuyến tàu sinh tử, trở thành phim Hàn có doanh thu đứng top 3 tại thị trường Việt.
Các tác phẩm tới từ Âu Mỹ dù thiếu vắng những cái tên ấn tượng trong tháng 9, tuy vậy vẫn không gặp phải thất bại tại phòng vé. Đơn cử, bom tấn Avatar của James Cameron chỉ là bản tái chiếu nhưng vẫn có thể thành công gặt hái hơn 13 tỷ đồng sau 1 tuần ra mắt, lớn hơn bất kỳ phim nội địa nào trong khoảng thời gian gần đây.
Phim Thái thắng doanh thu ở rạp Việt. |
So sánh với phim ngoại, các tác phẩm đại diện nền điện ảnh nước nhà gần như “không có cửa”. Vô diện sát nhân (4,7 tỷ) hay Cù lao xác sống (12,8 tỷ) đều lần lượt rút lui khỏi rạp dưới sự chỉ trích nặng nề và quay lưng của khán giả. Tệ hơn, Trò chơi tử thần của đạo diễn Kazuhisa Yusa chỉ vỏn vẹn thu về 580 triệu đồng, đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng nề.
Chất lượng phim ngoại trung bình khá
Thắng thế áp đảo là điều khỏi bàn cãi, tuy vậy, không phải tất cả phim ngoại đều có nội dung khá khẩm rõ rệt hơn các phim nội. Ngoại trừ bản tái chiếu Avatar vốn được coi là bom tấn vĩ đại của lịch sử, chất lượng những cái tên khác đều dừng lại ở mức trung bình hoặc trung bình khá.
Thuộc thể loại rom-com (hài kịch lãng mạn), Ngược dòng thời gian để yêu anh không phải một tác phẩm ấn tượng, đặc biệt về mặt kịch bản. Được chuyển thể từ tác phẩm truyền hình cùng tên ăn khách trước đó, bản điện ảnh thất bại trong việc hoàn thiện một kịch bản chỉn chu và có chiều sâu. Mạch phim dàn trải, được chắp vá vụng về, sử dụng lời thoại hay những mánh hài quen thuộc để khỏa lấp cốt truyện nhiều “sạn”.
Khai thác chủ đề xuyên không vốn là địa đàng hấp dẫn để sáng tạo tình tiết, tuy nhiên, sự non tay của biên kịch khiến phim đi vào lối mòn motif chuyện tình không mới. So sánh với những bom tấn của xứ sở Chùa Vàng trước đó như Tình người duyên ma, Yêu nhầm bạn thân hay Lừa đểu gặp lừa đảo, tác phẩm do Adisorn Tresirikasem đạo diễn thua kém xa về mặt chất lượng.
Bỗng dưng trúng số với triển vọng doanh thu tăng tiến nhanh nhưng nội dung cũng chỉ chạm ngưỡng trung bình khá, không đặc sắc. Với thể loại military comedy (hài kịch quân đội), phim lựa chọn đề tài tương tự một số tác phẩm trước đó của Hàn Quốc như Battlefield Heroes, Once Upon a Time in a Battlefield,... Đây có vẻ là một dòng phim tương đối mới lạ với xứ sở kim chi nhưng thực chất, điện ảnh thế giới từ lâu đã thành công khai thác chủ đề này với nhiều cái tên nổi tiếng: Good Morning, Vietnam (1987), Three Kings (1999), Tropic Thunder (2008) hay War Machine (2018),...
Đạo diễn kiêm biên kịch Park Gyu Tae đã lựa chọn đơn giản hóa military comedy bằng cách biến Bỗng dưng trúng số thành một tác phẩm thuần hướng hài kịch giải trí, tuy nhiên, phong cách có phần đơn giản, thậm chí cũ kỹ.
Nực cười ở chỗ, thành công của phim chủ yếu tới từ việc đội ngũ biên dịch bắt kịp xu hướng ngôn ngữ giới trẻ: “U là trời” (Ôi là trời), “Ra dẻ” (ra vẻ), “Ô dề” (Over),... Đây là “ngôn ngữ giao tiếp” thường được thế hệ GenZ Việt Nam sử dụng, được cài cắm khéo léo khiến bộ phim tăng mạnh tính giải trí, hài hước.
Phim Hàn đại thắng một phần nhờ biên dịch Việt. |
Tháng 9 vừa qua cũng là khoảng thời gian cao điểm của những bộ phim kinh dị, giật gân với số lượng lớn nhưng chất lượng lại chưa cao. Hàng loạt cái tên từ nhiều khu vực đổ bộ màn ảnh Việt như Lời mời đến từ địa ngục, Ivanna: Hồn ma không đầu, Kisaragi: Nhà ga nuốt chửng cho tới Quái vật sông Mekong hay Kẻ săn lùng sợ hãi,... Đa dạng về xuất xứ, nhưng điểm chung của những phim này đều là sự cẩu thả, chắp vá cũ kỹ trong nội dung nếu không muốn nói là “vay mượn” ý tưởng, chi tiết từ các phim kinh điển tiền nhiệm.
Xa ngoài kia nơi loài tôm hát và Nô lệ của quỷ 2 là hai đại diện khả dĩ nhất với chất lượng miễn cưỡng “chấp nhận được”. Mặc dù còn sạn trong kịch bản và tình tiết phi logic, tổng thể phim vẫn tương đối ổn, được khán giả đánh giá dễ xem. Tuy nhiên, cả hai đều không được lòng giới phê bình vì thiếu vắng giá trị điện ảnh và nghệ thuật, diễn xuất cũng không mấy ấn tượng.
Phim ngoại thắng thế vì may mắn?
Không thể phủ nhận, một phần quan trọng dẫn tới chiến thắng áp đảo của phim ngoại phụ thuộc vào yếu tố “thiên thời, địa lợi”. Cụ thể, trong tháng 9, có tổng cộng 16 phim ngoại ra rạp so với chỉ 2 phim Việt, nếu tính cả Cù lao xác sống hiện đã rút lui khỏi rạp. Với số lượng ít ỏi, khán giả yêu thích phim nội cũng không có sự lựa chọn khi cả 2 tác phẩm này đều là kinh dị, giật gân - một dòng phim đã khiến người xem ngao ngán liên tục khoảng thời gian gần đây.
Trái lại, điện ảnh quốc tế lại mang đến đa dạng thể loại hơn, bao gồm phim hành động như Avatar, Cự đà triệu bath, phim tình cảm như Lỗi logic, Ngược dòng thời gian để yêu anh. Ở mảng phim hài hước lại có Bỗng dưng trúng số trong khi Huyền thoại một chú chó đại diện cho thể loại hoạt hình,... Với nhiều lựa chọn phong phú, khán giả ở các lứa tuổi khác nhau dễ dàng tìm được một dòng phim phù hợp với nhu cầu giải trí và gu thưởng thức điện ảnh của mình.
Lý giải cho sự doanh thu áp đảo của phim ngoại, trao đổi với Zing, đại diện CJ HK Entertainment cho rằng, hiện tại thị trường phim không có nhiều sự cạnh tranh, dễ tạo lợi thế cho những phim ngoại thu hút khán giả. Dòng phim rom-com lãng mạn và hài hước là một trong những lựa chọn yêu thích của người xem vậy nên hai bom tấn của Hàn Quốc và Thái Lan vừa vặn mang lại đúng tinh thần giải trí mà khán giả cần.
Phần vietsub của phim được làm mới, lồng ghép ngôn ngữ giới trẻ để tăng sự hài hước cho phim, gây bão mạng xã hội và tạo nên xu hướng. Đơn cử, câu thoại “mai đẹt ti-ni” (My Destiny) liên tiếp lọt top tìm kiếm Google, và top1 từ khóa thịnh hành trên MXH từ 20 - 26/9. Những tình huống hài hước của phim Bỗng Dưng Trúng Số cũng viral như cảnh các anh lính nhảy điệu nhảy “Brave girls”, học bắt trend Gen Z,…
"Nhờ sự sôi nổi của cộng đồng fan mà những khán giả bình thường cũng tò mò, muốn ra rạp để xem hơn. Các chiến dịch quảng bá, ưu đãi cho phim ngoại cũng được đầu tư hơn hẳn: tặng card bo góc, làm chương trình ghép đôi tìm một nửa tại rạp phim hay áp dụng game quay thưởng may mắn, tặng vé số Vietlott,... thu hút mạnh mẽ sự chú ý của khán giả”, đại diện nhà phát hành chia sẻ thêm.
Nhìn nhận lại thị trường nội địa, sự thưa bóng phim Việt kể từ dịp lễ Quốc khánh là minh chứng cho thấy thị trường đang tụt dốc nặng nề, chưa thể hồi phục sau đại dịch. Thực tế từ đầu năm tới nay, các tác phẩm với chất lượng dưới trung bình ra rạp khá nhiều như Duyên ma, Mưu kế thượng lưu, Mến gái miền Tây,... khiến khán giả cảm thấy mất niềm tin vào phim Việt. Em và Trịnh là phim nội có doanh thu cao nhất năm, nhưng cũng chỉ khiêm tốn dừng chân ở mức 97 tỷ đồng.
Theo số liệu thống kê, kể từ 2019 tới nay, số lượng tác phẩm nội địa thua lỗ lên tới hơn 50 phim. Trong đó, năm 2019 với 28 phim, năm 2020 có 16 phim và năm 2021 có 10 phim. Riêng trong năm nay, dù mới chỉ ở thời điểm cuối tháng 9, đã có ít nhất 6 phim thua lỗ nặng nề.