Thời gian qua, khi các đợt dịch liên tiếp tái bùng phát ở nhiều nơi, không ít cây bút đã lên tiếng kêu gọi tinh thần chống dịch, lan tỏa những câu chuyện đẹp qua các tác phẩm của mình.
Bên cạnh tản văn, truyện ký, sách kỹ năng, bối cảnh đại dịch còn là chủ đề được giới sáng tác thơ quan tâm. Các bài thơ ấy thể hiện trách nhiệm của thơ ca và nghệ sĩ khi đứng trước mối quan tâm lớn nhất của xã hội.
Các tình nguyện viên xung phong đi lấy mẫu xét nghiệm cho vùng dịch đi vào nhiều bài thơ trong thời gian qua. Ảnh: Chí Hùng. |
Tâm thơ của người trong tâm dịch
Khi Covid-19 bùng phát mạnh ở Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương, TP.HCM, những vần thơ thể hiện ý chí quyết thắng đại dịch liên tiếp ra đời.
Đêm 18/5, bác sĩ Vân Hoàng Yến (Bắc Giang), trong một ca trực tại bệnh viện tuyến đầu, đã viết Gửi về mẹ. Bài thơ thể hiện rõ nét “cuộc chiến sinh tồn đau như dao cứa”, nhưng vẫn toát lên niềm tự hào trước sự tình nguyện xung phong của nhiều chiến sĩ áo trắng.
Miêu tả về “cuộc chiến” ở Bắc Giang, tác giả cho biết đã có rất nhiều chiến sĩ và tình nguyện viên ra tuyến đầu tiếp sức khi mà 4 khu công nghiệp của tỉnh đã xiết chặt vòng vây, khoanh vùng để nhanh chóng tìm ra F0.
Thơ, sau cùng vẫn là tiếng nói của yêu thương cất lên từ lòng hiếu sinh, từ những băn khoăn sâu thẳm về thân phận con người.
TS Nguyễn Thanh Tâm
Trong cuộc chiến ấy, ta thấy được sự đồng lòng, chung sức của đội ngũ y, bác sĩ khi gót chân sinh viên trường Y ở Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Thái Nguyên tiến về giúp đỡ Bắc Giang. Theo tác giả, tình người ấy còn “đẹp hơn trăng”.
Bản thân bác sĩ Vân Hoàng Yến nhiều ngày không được về nhà, nhưng cô vẫn nhắn nhủ người mẹ đang chờ đợi: “Cuộc chiến này dẫu có phải trường kỳ / Nhưng nhất định chúng con sẽ đi tới đích /… Đồi vải căng tròn đang chín hồng lúc lỉu / Đợi chúng con về cùng ngọt thắm tình quê”.
Bên cạnh đó, Gửi em trong vùng dịch cách ly Covid-19 của tác giả Kiều Trọng hay Gửi Covid-19 của Trần Minh cũng là những bài thơ chứa đựng dòng tâm sự nhắn gửi đến “em” một tinh thần lạc quan và niềm tin chiến thắng.
Trước đó, hình ảnh những nữ bác sĩ vào tâm dịch đã đi vào bài thơ Thương con của tác giả Đỗ Quý Doãn. Sau những ca căng mình làm nhiệm vụ, các nữ y, bác sĩ có phút nghỉ ngơi ngắn ngủi. Khi ấy, lòng họ lại hướng về con nhỏ ở quê nhà. Ngay sau đó, tác phẩm được nhạc sĩ Đình Thậm phổ nhạc.
Nhiều sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương vừa trở về từ tâm dịch Bắc Giang đã lên đường vào TP.HCM chống dịch ngay sau đó. Ảnh: Khánh Huyền. |
Niềm tin chiến thắng bệnh tật
Nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm cho biết: “Khi cả xã hội có chung một mối bận tâm, một nỗi âu lo về dịch bệnh, con người đã tìm thấy những đồng cảm sâu sắc về thân phận. Rời xa những tứ thơ siêu hình, thơ ghé xuống gần hơn với cuộc đời, để nhận ra nhịp điệu và hơi thở của phận người”.
Theo anh, những bài thơ Thành phố này (Nguyễn Phong Việt), Hải Dương tôi (Đàm Huy Đông), Những mặt người sau khẩu trang (Nguyễn Quang Hưng), hay Mùa hạ buồn (Phạm Thị Ngọc Liên) giúp chúng ta nhận ra sự quan tâm, sẻ chia và hy vọng.
Trước xu hướng sáng tác thơ trong bối cảnh đại dịch, nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng những bài thơ đó nói riêng và các loại hình nghệ thuật khác nói chung đang "mang những hạt mầm của niềm tin và sự hướng thiện gieo vào lòng công chúng" giữa những ngày dịch bệnh hoành hành.
“Nếu các tấm lòng thiện nguyện đang ‘nhường cơm, sẻ áo’ bằng giá trị vật chất nuôi dưỡng phần xác, thì thơ ca cũng đóng vai trò này ở góc góc độ an ủi phần hồn. Đọc những bài thơ lấy chất liệu từ tháng ngày này, ta thấy được tiếng nói tích cực đã chung tay vì cộng đồng. Nó đáng quý lắm!”, nhà thơ Lê Minh Quốc nói thêm.
Nếu như Nguyễn Thị Hồng Hà viết Những chiến sĩ mặc áo blouse để kể về người anh hùng áo trắng lạc quan vì “Chẳng nghĩ phải kiếm tiền, bon chen hơn thua được mất” hay bởi “Trách nhiệm với cộng đồng nên chẳng đong đếm chuyện áo cơm”, tác giả Phùng Thị Lễ gọi lực lượng ấy là “anh lính cụ Hồ” trong vần thơ của mình:
“Anh nào cũng giống anh nào / Hết lòng vì dân phục vụ / Dễ thương, nhân hậu biết bao / Nhường giường, nhường chiếu, nhường nhà ở / Lều bạt ven rừng ngủ qua đêm…”.
Bên cạnh đó, những vần thơ “theo dòng thời sự”, của các hội viên Câu lạc bộ Thơ - ca Hòa Bình cũng góp mình vào cuộc chiến chống dịch với hơn 40 bài thơ được in trong tập Hương đất Mường viết về nỗi niềm và sự lạc quan của con người trong mùa dịch.
“Ở những bài thơ viết về Covid-19, ta cảm nhận được tinh thần, trách nhiệm của thơ ca và người nghệ sĩ. Thơ, sau cùng vẫn là tiếng nói của yêu thương cất lên từ lòng hiếu sinh, từ những băn khoăn sâu thẳm về thân phận con người”, TS Nguyễn Thanh Tâm nói.