Hơn một năm qua, Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái của Iris Lê, Những ngày cách ly của Bùi Quang Thắng, Đi qua hai mùa dịch của Dy Khoa, hay Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể của bác sĩ Ngô Đức Hùng... liên tiếp ra mắt độc giả.
Ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc NXB Hội Nhà văn - chia sẻ góc nhìn về xu thế viết sách chống dịch của các tác giả hiện nay và vai trò của sách trong việc lan tỏa tinh thần lạc quan mùa dịch.
Xu thế sáng tác trong mùa dịch
- Ông đánh giá thế nào về xu thế các nhà văn viết sách chống dịch ở nước ta thời gian qua?
- Khi đất nước đứng trước một sự kiện nào đó, đặc biệt là thách thức đối với sinh mệnh con người, giới cầm bút thường lên tiếng theo nhiều cách khác nhau.
Cho đến đợt tái bùng phát lần thứ tư này, số lượng các đầu sách viết về đại dịch hoặc lấy bối cảnh đại dịch mỗi ngày một tăng lên. Tất cả đều xoay quanh mối nguy hại, tổn thất mà Covid-19 gây nên; đồng thời cũng hướng tới cách con người đối diện, chống chọi dịch bệnh.
Tôi và nhiều nhà văn khác cũng từng nghĩ, đến một lúc nào đó sẽ viết truyện ngắn hoặc tiểu thuyết về đề tài này. Vấn đề chỉ còn là thời gian.
Tôi không biết ở Việt Nam sẽ có tác phẩm như Dịch hạch của tiểu thuyết gia người Pháp Albert Camus hay không, nhưng tôi tin có những nhà văn đang lấy tư liệu, nghiền ngẫm rất kỹ, quan sát hiện thực đời sống và lên kế hoạch cho một tác phẩm thật sự lớn.
Ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc NXB Hội Nhà văn. Ảnh: Việt Linh. |
- Bên cạnh nhiều cuốn sách của các y, bác sĩ trực tiếp tham gia chống dịch, một số tác phẩm được viết bằng cảm nhận của người đang sống trong giãn cách. Hội Nhà văn sẽ làm gì để khích lệ, động viên tinh thần sáng tác đó?
- Những cuốn sách sẽ mang một giá trị khác biệt nếu được viết từ ngòi bút của người trực tiếp tham gia chống dịch. Họ là người trong cuộc, hiểu biết hơn ai hết về đại dịch này.
Vừa chiến đấu chống dịch, vừa cầm bút, dòng viết của họ sẽ đạt độ tin cậy rất cao. Tác phẩm ấy đến tay độc giả như những lá thư tin tức từ chính tuyến gửi về.
Bên cạnh đó, nhiều cây bút không tham gia chống dịch, nhưng cũng tìm được cảm hứng trong mùa giãn cách. Tác phẩm của họ lan tỏa tinh thần lạc quan, giúp ta tìm lại niềm vui sống.
Dù người viết có đang nằm trong vùng dịch hay không, những cuốn sách của họ ra đời trong thời điểm này đều đem đến lòng tin rằng con người sẽ sớm đi qua mùa dịch.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Về thể loại, các cuốn sách xoay quanh đại dịch đa số được viết dưới dạng nhật ký, sách kỹ năng, tản văn. Nó phù hợp nhu cầu của độc giả trong thời điểm này.
Dù người viết có đang nằm trong vùng dịch hay không, những cuốn sách của họ ra đời trong mùa dịch đều đáng khích lệ. Nó đem đến lòng tin rằng con người sẽ sớm đi qua đại dịch.
Những tác phẩm này, nếu gửi đến NXB Hội Nhà văn, sẽ luôn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ từ chúng tôi, ít nhất là trong việc rút ngắn thời gian cấp phép để sách đến tay bạn đọc nhanh nhất có thể.
Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái của y tá Việt kiều Iris Lê viết về cách người Việt ở Australia chống chọi với đại dịch. Ảnh: Q.M. |
- Việc lấy bối cảnh thực trạng xã hội làm xu thế sáng tác đem lại giá trị về thông điệp và nghệ thuật trong văn chương như thế nào, thưa ông?
- Để nhận xét giá trị văn chương của những tác phẩm này, tôi nghĩ chúng ta sẽ phải chờ đợi. Khi hết dịch, đọc lại chúng, thứ đọng lại là gì? Đó chính là giá trị của tác phẩm.
Với một thể loại văn chương mang tính tốc độ, người viết không trải qua quá trình ấp ủ, tìm cảm hứng nhiều năm, tác phẩm sẽ không đạt đến độ kỹ lưỡng về con chữ, câu từ. Song, tôi vẫn cho rằng, cách dùng từ dù có thô nhát đi chăng nữa, nó vẫn mang sức mạnh riêng, làm sống lại một khoảng thời gian đáng nhớ của nhân loại.
Những cuốn sách “vội” ra mắt ấy vẫn mang giá trị nghệ thuật nào đó bên cạnh sức mạnh thông điệp nhân văn. Nó ra mắt độc giả trong thời điểm con người đang rất cần đọc để tìm sự chia sẻ, động viên.
- Theo ông, những cuốn sách này có thể coi là “liều vaccine cho tâm hồn” độc giả mùa dịch không?
- Câu hỏi này đã hàm chứa câu trả lời. Covid-19 là nỗi kinh hoàng đối với con người. Nếu chỉ chống dịch như một loài sinh vật bình thường, chúng ta đã gục ngã. Nhưng chính sự chia sẻ, tình người trong mùa dịch đã giúp chúng ta đứng vững.
Xét cho cùng, sách chỉ là “văn bản hóa” lại thái độ, hành động và lẽ sống của con người. Nếu không có niềm tin thông qua các cuốn sách mang giá trị nhân văn cao đẹp, con người sẽ dễ gục ngã.
Theo ông Nguyễn Quang Thiều, sách đến với người dân vùng dịch giúp con người giải thoát lòng mình khỏi sự giãn cách. Ảnh: Thành Đoàn TP.HCM. |
Sách giúp giải thoát lòng người khỏi giãn cách
- Hành động mang sách đến những khu cách ly qua chương trình "Sách trao tay, học ngày giãn cách" và "Khép cửa đọc sách" có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Sách không được liệt vào danh sách các mặt hàng thiết yếu trong mùa dịch, nhưng nó vẫn mang giá trị quan trọng. Áp lực của những người đang thực hiện giãn cách tại nhà hay khu cách ly rất lớn. Sách khiến con người giải thoát lòng mình khỏi sự giãn cách đó.
Nếu không có niềm tin thông qua các cuốn sách mang giá trị nhân văn cao đẹp, con người sẽ dễ gục ngã trước đại dịch.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Nhiều bạn bè tôi nói những ngày qua nếu không có sách, hay những bản nhạc, bộ phim, họ có thể bị trầm cảm.
Tôi nghĩ rằng những cuốn sách hay nếu đến được người dân vùng dịch, nó giống như một bản kinh nơi người đọc tìm thấy niềm an ủi, động viên trong tâm hồn. Với tôi, sách ngang bằng với những nhu yếu phẩm cấp thiết khác.
- Vừa qua, ông đã thay mặt Hội Nhà văn phát động lời kêu gọi ủng hộ bà con ở những vùng dịch. Đến nay lời kêu gọi đã nhận được kết quả ra sao?
- Tôi phát động lời kêu gọi khi số ca lây nhiễm ở TP.HCM đang ở mức báo động. Những ngày qua, có nhà văn đứng tuổi đã đi bộ đến tận trụ sở Hội Nhà văn, mang theo tiền mặt để ủng hộ vì không thông thạo công nghệ chuyển tiền.
Cũng có nhà văn gặp trục trặc trong vấn đề chuyển tiền qua ngân hàng, nhưng họ vẫn kiên trì nhiều ngày để gửi tiền đến Hội.
Thậm chí, nhiều người không phải hội viên của Hội, chưa từng cầm bút viết văn, nhưng họ biết đến lời kêu gọi và cũng chung tay ủng hộ.
Lại có nhà văn sống trong vùng dịch nhưng cũng đóng góp. Điều đó chứng tỏ họ không ngồi yên đợi chờ sự giúp đỡ. Nhiều người gọi điện đến và nói với chúng tôi rằng đừng dừng lại cuộc kêu gọi này mà hãy tiếp tục, vì từ trong tâm dịch, con người sẽ cảm nhận được sự sẻ chia, dù nhiều hay ít, từ các vùng, miền của xã hội.
Hội Nhà văn có hơn 1.000 người, sự ủng hộ này mang tính chất tinh thần là chính. Về kết quả, tiền thu được không nhiều, nhưng về mặt tinh thần thì vô hạn.