Những ngày ở nhà vì dịch bệnh, độc giả được tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực nhờ Đi qua hai mùa dịch của nhà văn Dy Khoa, Giữa muôn trùng nguy khó, vẫn có nhiều lối ra của Nam Kha, hay cuốn sách sắp lên kệ Giỏ trái cây của Liêu Hà Trinh.
Trong thời điểm bùng dịch, không ít thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều “chiến sĩ” cầm bút đã truyền thông điệp ý nghĩa qua những trang văn. Những tác phẩm ấy mang tinh thần tích cực, lạc quan chống dịch, ca ngợi tình người trong mùa Covid-19.
Sách Giữa muôn trùng nguy khó, vẫn có nhiều lối ra của nhà văn Nam Kha. Ảnh: Thanh Phong. |
Tìm đề tài tích cực trong những ngày giãn cách
Thời điểm này, nhiều nhà văn tìm cảm hứng viết lách thông qua hiện thực xã hội. Những tác phẩm ấy được độc giả đón nhận vì chạm đến trái tim người đọc.
Cuốn sách Giữa muôn trùng nguy khó, vẫn có nhiều lối ra của cây bút trẻ Nam Kha ra đời trong hoàn cảnh đó. Nam Kha quan niệm, một tác phẩm hay là “tạo được sự đồng cảm, chia sẻ với tâm tư của độc giả và nếu người viết làm được điều đó trong mùa dịch Covid-19 hiện nay thì quá tốt”.
Sinh ra và lớn lên tại TP.HCM, nơi đang nỗ lực dập dịch, thời gian này, MC Liêu Hà Trinh gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình vào thơ văn.
Thành phố qua khung cửa sổ nhà cô, con đường vắng bóng người qua lại, tất cả đều đi vào mỗi bài thơ cô đăng tải trên mạng xã hội những ngày gần đây.
Bên cạnh đó, tác phẩm Giỏ trái cây sắp lên kệ (gồm cả thơ và văn) cũng xoay quanh những suy tư của người dân thành thị. Qua sách, Liêu Hà Trinh mong mỏi sự an yên cho người dân mùa dịch.
Cuốn sách Đi qua hai mùa dịch của nhà văn Dy Khoa. Ảnh: NVCC. |
Đi qua hai mùa dịch là tác phẩm được nhà văn Dy Khoa viết trong những ngày thực hiện giãn cách lần đầu tiên. Cuốn sách được giới truyền thông và độc giả nhắc đến.
“Tác giả cũng là một thành phần trong xã hội. Họ cũng phải trải qua những vui buồn, hạnh phúc hay khổ đau như bao người, chỉ may mắn hơn là có khả năng truyền đạt qua việc viết lách”, nhà văn Dy Khoa nói.
Là người từng dương tính với virus A/H1N1 và được áp dụng biện pháp cách ly y tế khi điều trị cách đây hơn 10 năm, Dy Khoa ghi lại những khoảnh khắc không thể nào quên, từ đó móc nối quá khứ với trận chiến Covid-19 ở thời điểm hiện tại.
Người từng “đi qua hai mùa dịch” cho rằng nhiều độc giả sẽ hứng thú đọc những tác phẩm nóng hổi viết về các sự kiện đang diễn ra. Với anh, người cầm bút có thể giúp đời bằng cách truyền tải điều tích cực qua văn chương.
"Việc ghi chép sự kiện xã hội bằng sách là rất cần thiết, nhất là khi người viết từng trải qua sự kiện đó", Dy Khoa nói.
Sài Gòn, còn thương thì về! là tác phẩm của nhà văn trẻ Tống Phước Bảo. Ảnh: NVCC. |
Bắt nhịp hiện thực xã hội
Là nhà văn kiêm nhà báo, cây bút trẻ Nam Kha nhận định: "Nhà văn nên bắt nhịp hiện thực xã hội, chắt lọc những thông tin hữu ích, lấy đó làm nguồn cảm hứng để sáng tác và gửi gắm một thông điệp ý nghĩa đến độc giả".
Hiện, anh có kế hoạch viết tác phẩm mới về "hậu đại dịch Covid-19". Anh cho rằng khi đã đi qua một giai đoạn thăng trầm, con người ta cũng cần có "liều vitamin tinh thần" để mau chóng hồi phục và mạnh mẽ sống lạc quan hơn.
Qua 4 đợt dịch Covid-19, tác giả Dy Khoa vẫn duy trì các bài viết liên quan tinh thần đoàn kết chống dịch, kêu gọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, lan tỏa lòng nhân ái.
"Với cá nhân tôi, ngòi bút vừa có khả năng khơi dậy lòng tự hào, kêu gọi mọi người chung tay, đồng lòng vì xã hội hay khơi gợi lòng trắc ẩn để sống mạnh mẽ, kiên cường… Còn rất nhiều điều tích cực nữa mà người cầm bút có thể giúp đời", Dy Khoa nói.
Cũng lớn lên tại TP.HCM, cây bút trẻ Tống Phước Bảo xót xa khi nhìn mảnh đất của mình phải chịu “giăng dây, bó gối” nhiều ngày nay. Lấy cảm hứng từ những câu chuyện về bữa cơm từ thiện, cây ATM gạo, siêu thị 0 đồng... trong Sài Gòn, còn thương thì về!, anh dành riêng một tản văn để nói về tình người TP.HCM những ngày thực hiện giãn cách xã hội.
“Chiều nay, nhiều người bạn bắt đầu than vãn về sự bức bối và mệt mỏi khi phải bó gối ở nhà đã suốt 15 ngày... Mùa dịch này, chắc chắn sẽ đi qua, nhưng cái nó để lại trong lòng, không chỉ là sự bàng hoàng của một vết xước trong cuộc đời, mà rất có thể, cơn đại dịch sẽ bắt đầu nhen lên trong lòng mỗi chúng ta, một ngọn lửa ấm áp về tình thương giữa người và người, với nhau!”, Tống Phước Bảo viết.