TP.HCM và một số tỉnh thành khác đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Các nhà văn bày tỏ tình cảm với mảnh đất gắn bó, đồng thời chia sẻ lối nghĩ tích cực trong mùa dịch.
Sách Sài Gòn, còn thương thì về! Ảnh: Q. M. |
Thành phố được thắp sáng bằng tình người
Sinh ra, lớn lên ở TP.HCM, từng viết cuốn Sài Gòn, còn thương thì về!, Tống Phước Bảo cho biết những ngày thành phố giãn cách, tâm trạng nhà văn cũng thay đổi nhiều.
Theo Tống Phước Bảo, thời khắc này, thành phố được thắp sáng bằng tình người. Từng nghĩa cử nhỏ, chuyện giản dị giữa khó khăn càng cho thấy vẻ đẹp của tình người, sự tử tế.
Họa sĩ Thăng Fly, tác giả của những cuốn truyện tranh thu hút giới trẻ, thể hiện tình cảm với thành phố qua những bức tranh. Hàng ngày, anh vẽ lại những câu chuyện đẹp về tình người trong giai đoạn chống dịch.
Đó là hình ảnh một tình nguyện viên cầm ô che mưa cho một cụ già đang chờ xét nghiệm; hình ảnh những tiệm hàng 0 đồng; chuyện “anh” bán rau viết sai chính tả nhưng kiên quyết không tăng giá bán mùa dịch; hình ảnh đội ngũ chống dịch trên chuyến xe trong mưa tầm tã… Từng nghĩa cử cao đẹp, dưới nét vẽ của Thăng Fly, được hàng chục nghìn bạn trẻ chia sẻ.
Bên cạnh lan tỏa những hình ảnh đẹp về tình người, Thăng Fly cũng vẽ những câu chuyện nhỏ, vui về giữ khoảng cách an toàn, các sinh hoạt thường nhật đảm bảo 5K chống dịch…
Nhà văn Dương Thụy duy trì công việc hàng ngày và tranh thủ sáng tác. Ảnh: FBNV. |
Sống lành mạnh, nghĩ tích cực, tranh thủ viết văn nhiều hơn
Như bao công dân khác đang sống tại TP.HCM, các cây bút làm việc tại nhà, chấp hành giãn cách và không quên công việc sáng tạo.
Nhà văn Dương Thụy cho biết thời gian này chị làm việc ở nhà. Mỗi ngày, Dương Thụy làm việc theo kế hoạch phân công của công ty. Buổi tối, sau giờ cơm cùng gia đình, chị vẫn giữ nếp sinh hoạt thường ngày như tập đàn, đọc sách, viết lách.
Dương Thụy chia sẻ trong đợt dịch Covid-19 vào đầu năm 2020, chị cũng ở nhà và đã tranh thủ viết liền hai cuốn truyện dài Em rắc thính, Anh thả tình và Yêu em bằng mắt, Giữ em bằng tim.
Cuốn mới Yêu em bằng mắt, Giữ em bằng tim chính thức lên kệ vào giữa tháng 6, ra mắt khá âm thầm vì tác giả không thể giao lưu với người đọc.
Nhà văn Dương Thụy cho rằng việc giữ tinh thần lạc quan là quan trọng: “Đợt bùng dịch này đáng lo ngại nên tinh thần rất quan trọng; giữ được bình tĩnh, mọi việc sẽ được kiểm soát”.
Tác giả Tống Phước Bảo cũng chia sẻ những thói quen tích cực. Thời gian này, cây bút trẻ tập sống chậm lại đôi phần, viết những điều tích cực để lan tỏa trên trang mạng cá nhân của mình, đọc những quyển sách hay mà lâu nay không có thời gian đọc.
“Cả gia đình bắt đầu giữ nếp ăn cơm cùng nhau, kể những câu chuyện hay. Ví dụ nghe má kể chuyện xưa, ba chỉ cách chăm cây làm vườn, đứa cháu nói về bạn bè, trường lớp”, Tống Phước Bảo nói.
Trong thời gian ở nhà, nhà văn Huỳnh Trọng Khang chọn cách đọc sách. “Đây là thời điểm thích hợp để đọc lại những cuốn sách tôi đọc dang dở”, Trọng Khang nói.
Những ngày qua, anh đọc Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn, Van Gogh - The Life, Đồi thỏ…
Duy trì công việc, tạo thói quen tốt trong mùa dịch, tiếp tục viết… là cách tích cực mà các cây bút đang hướng đến. Tác giả Tống Phước Bảo nói: “Không chỉ tôi mà ngay các bạn văn khác đã khai phá nhiều điều hay trên trang viết của họ”.
Nhà văn Dương Thụy cho rằng trong hoàn cảnh nào, niềm vui của người thích viết vẫn luôn là viết. “Chúc cho mọi người có thời giờ đọc sách, bình tâm với những xáo trộn và giữ sức khỏe thật tốt”, nhà văn Dương Thụy nói.