Năm 2020, khi đại dịch bùng nổ, Tây Ban Nha thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình kinh doanh của đơn vị xuất bản truyện tranh và manga có nhiều năm hợp tác mua bán bản quyền với nước ngoài như ECC Cómics.
Ông Jaime Rodríguez, Giám đốc ECC Cómics, cho biết, khó khăn trong mùa dịch là thực trạng chung, nhưng đơn vị của ông đã tìm ra điểm sáng để bứt phá ngay sau khi kết thúc giãn cách.
Một số ấn phẩm truyện tranh của đơn vị xuất bản ECC Cómics. Ảnh: Lecturas Comics Mvdo. |
Sáng tạo trong chiến lược quảng bá
- Truyện tranh là thể loại thường chỉ nhận được sự quan tâm của giới trẻ. Đơn vị xuất bản của ông gặp khó khăn gì trong việc tìm kiếm độc giả, đặc biệt trong mùa dịch này?
- Xuất bản truyện tranh ở Tây Ban Nha là truyền thống lâu đời, không dành riêng cho độc giả trẻ. Tuy vậy, “săn” độc giả luôn là một thách thức. Ngoài một sản phẩm tốt, đơn vị xuất bản phải có hệ thống phân phối hiệu quả và nỗ lực trong chiến lược tiếp thị.
Chúng tôi đã trải qua hai tháng rưỡi giãn cách xã hội, chỉ được ra đường với mục đích mua đồ ăn, thuốc men. Điều này đẩy chúng tôi vào tình thế “buộc phải sáng tạo hơn” với các chiến lược giới thiệu sản phẩm (theo nghĩa là các sản phẩm, nhất là sách, không phải lúc nào cũng được bán tại thời điểm quảng bá).
Trong đại dịch, chúng tôi có nhiều thời gian rảnh hơn, nhưng lại có ít lựa chọn giải trí, vì phòng tập thể dục, nhà hàng, rạp chiếu phim, nhà hát, vũ trường... phải đóng cửa. Rõ ràng, đọc sách là một trong những lựa chọn ưa thích của con người trong thời điểm này.
- Cụ thể, những khó khăn mà ECC Cómics phải đối mặt trong mùa dịch là gì?
- Các nhà xuất bản đang nỗ lực giành lại thị trường và khôi phục doanh thu. Điều đó khiến cho sự cạnh tranh trở nên gay gắt hơn.
Thời gian này, đơn vị của chúng tôi chưa thể tổ chức bất kỳ sự kiện nào, mặc dù lệnh giãn cách đã được bãi bỏ. Các hội chợ ra mắt truyện tranh nói chung và manga nói riêng, nơi quy tụ độc giả mê truyện, vẫn chưa được tổ chức. Hầu hết danh mục truyện tranh của chúng tôi được xuất bản dựa trên giấy phép mua, bán từ các đơn vị xuất bản nước ngoài, mà nhiều đơn vị đó đang chịu hậu quả nặng nề hơn của đại dịch.
- Tây Ban Nha trải qua hai tháng rưỡi giãn cách xã hội. Thời gian đó, doanh thu ắt hẳn sụt giảm rất nhiều? Ông có kế hoạch gì để giải quyết vấn đề này?
- Thời gian giãn cách, chúng tôi tập trung việc tái cơ cấu chiến lược quảng bá. Một mặt, đơn vị ngừng sản xuất để không phát sinh chi phí không đáng có; mặt khác, xem xét lại việc chi tiêu hàng tháng của mình để cắt giảm xuống mức tối thiểu.
Nhận được gói viện trợ của chính phủ dành cho nhân viên, ECC Cómics đã thương lượng thời gian thanh toán phù hợp hơn cho khách hàng của mình để họ cũng có thể vơi bớt khó khăn trong mùa dịch.
Chúng tôi thường xuyên trao đổi, tương tác với độc giả qua hệ thống kênh bán hàng, cung cấp cho họ nội dung các ấn phẩm, thậm chí gửi họ bản PDF để độc giả có thể đọc mà không cần trả phí trong thời gian cách ly.
Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện chiến dịch hỗ trợ chi phí chăm sóc sức khỏe tới các tác giả người Tây Ban Nha, điều này được rất nhiều người ủng hộ.
Với các chiến lược đó, ngay sau khi kết thúc cách ly, toàn đơn vị có thể sẵn sàng “nhập cuộc”, triển khai in ấn, phân phối và tương tác mua - bán với độc giả.
Sau giãn cách, doanh thu khởi sắc
- Tình hình kinh doanh của ECC Cómics sau thời gian giãn cách xã hội có khởi sắc? Đại dịch có vẻ là tiền đề cho sự đột phá đó, thưa ông?
Ông Jaime Rodríguez trò chuyện với Zing qua Whatsapp về tình hình xuất bản truyện tranh ở đơn vị ông. Ảnh chụp màn hình. |
- Đúng vậy, như tôi đã đề cập, độc giả có nhiều thời gian hơn, nhưng cũng có ít lựa chọn giải trí hơn. Điều này tạo nên sự gia tăng chung về thói quen đọc truyện. Thể loại được đón đọc nhất vẫn là siêu anh hùng.
Hiện tại, việc bán sách của chúng tôi đạt kết quả khả quan, doanh thu tăng khoảng 20%. Các nhà sách bắt đầu mở cửa trở lại, mặc dù phải tuân theo giới hạn về thời gian đóng, mở cửa hàng ngày.
- Là đơn vị thường xuyên mua bán bản quyền với các đơn vị nước ngoài, ông gặp khó khăn gì trong việc hợp tác khi nhiều nước vẫn đóng cửa biên giới?
- Chúng tôi vẫn duy trì liên lạc qua email hoặc thông qua các cuộc họp ở Skype, Zoom, Google Meets... Thực tế, một đơn vị có số lượng sách phát hành lớn phụ thuộc việc liên kết xuất bản và mua bán bản quyền vốn đã có “đời sống” hoạt động online. Khó khăn duy nhất trong việc này đó là không thể gặp mặt trực tiếp để thực hiện các giao dịch một cách chuyên nghiệp hơn.
- Đơn vị của ông đã hợp tác với một vài nhà xuất bản ở Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về các đơn vị đó và nền tảng truyện tranh của Việt Nam?
- Tôi đã hợp tác rất nhiều lần với các nhà xuất bản Việt Nam, nhưng không phải trong thời gian đại dịch. Ở Việt Nam, truyện tranh chủ yếu là sản phẩm dành cho giới trẻ. Xuất bản truyện tranh cho đối tượng lớn tuổi hơn gần như không được khai thác.
Qua những lần hợp tác với các đơn vị xuất bản Việt Nam, tôi đã có những trải nghiệm rất tốt. Tôi đặc biệt ấn tượng với Nhã Nam. Cá nhân tôi thấy trân trọng họ cả về cách lựa chọn tiêu đề sách lẫn sự chăm chút dành cho các chi tiết trong từng ấn bản truyện tranh.
Tôi tin rằng Việt Nam có tiềm năng đọc rất lớn và hiện tại, chúng ta mới chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng chìm.