Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều cuộc thi viết chung tay chống dịch Covid-19

Đề tài phòng, chống dịch bệnh đã đi vào nhiều cuộc thi viết như “Thương lắm Sài Gòn”, “Chung một niềm tin chiến thắng”, “Nhân nghĩa đất phương Nam”.

Kể từ đợt tái bùng phát đại dịch lần thứ tư, giới văn sĩ và các đơn vị xuất bản đã tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác thơ, văn nhằm khích lệ đóng góp tích cực của các tác giả vào cuộc chiến chống dịch chung của cả nước.

Các cuộc thi này hướng tới tác phẩm đa thể loại, từ thơ, tản văn, truyện ngắn đến bút ký; thể hiện tinh thần lạc quan chống Covid-19 và niềm tin chiến thắng đại dịch.

Cuoc thi viet ve dai dich anh 1

Người dân TP.HCM chia sẻ những suất ăn thiện nguyện trong mùa dịch. Ảnh: Chí Hùng.

Lan tỏa tình người trong mùa dịch

Mới đây, Hội nhà văn TP.HCM tổ chức cuộc thi sáng tác thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam”, truyền cảm hứng, tinh thần lạc quan đến mọi người trong mùa dịch.

Thời gian chấm giải từ ngày 16/9 đến 15/10, lễ công bố dự kiến được tổ chức vào tháng 12. Theo đó, 40 bài thơ vào vòng chung khảo và 20 bài thơ hưởng ứng cuộc thi (không tham gia xét giải) sẽ được in thành một tập thơ.

Cuộc thi tiếp nhận các sáng tác về con người, cuộc sống mảnh đất phương Nam, đặc biệt chú trọng việc phản ánh những đổi thay, phát triển của TP.HCM, tình người và dấu ấn trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

“Khi cả nước đang đối mặt đại dịch, không một ai có thể dửng dưng, bàng quan đứng ngoài cuộc. Nhà thơ đứng ở đâu trong biến động dữ dội này? Nhà thơ không thể im lặng đóng cửa trong ‘tháp ngà văn chương’ để tìm cảm hứng cho riêng mình, mà phải bước ra ngoài để hòa nhập vào đời sống đang diễn ra”, nhà thơ Lê Minh Quốc - Trưởng ban chung khảo cuộc thi - nói.

Những ngày qua, TP.HCM gồng mình chống dịch. Mỗi thi sĩ có mỗi góc nhìn trước cuộc chiến đó. Song, theo nhà thơ Lê Minh Quốc, tất cả đều có “mẫu số chung” là cảm nhận về tình người, lòng nhân nghĩa của cư dân mảnh đất phương Nam. Tình cảm đó không thể thiếu chất liệu từ việc người dân nơi đây đang cùng cả nước san sẻ, đồng cảm để cùng vượt qua đại dịch.

“Qua cuộc thi này, chúng tôi tin rằng các tấm lòng nhân nghĩa của người phương Nam một lần nữa sẽ được các nhà thơ tái hiện, lấy đó làm tư liệu để viết nên những bài thơ với những vần thơ xao xuyến lòng người”, ông Quốc nói thêm.

Cùng hướng tới việc lan tỏa tình người trong mùa dịch, TYM Books & Media tổ chức cuộc thi viết tản văn về đề tài “Thương lắm Sài Gòn”. Thời gian nhận tác phẩm dự thi kéo dài đến hết ngày 20/10.

Với cuộc thi này, người tham gia có thể ghi lại cảm xúc, câu chuyện mưu sinh nhọc nhằn hoặc hành động thiện nguyện, trượng nghĩa về nghĩa tình người TP.HCM dành cho nhau trong những ngày cả thành phố nỗ lực chống dịch.

Chia sẻ về cuộc thi, giám khảo, nhà văn Tống Phước Bảo cho biết: “Các cuộc thi viết vào thời điểm này quả thật đúng lúc và rất cần thiết, bởi nó đem đến một liều vaccine tinh thần cho lực lượng sáng tác và bạn đọc. Bên cạnh đó, nó truyền đi thông điệp tích cực, lạc quan và sống tử tế”.

Theo nhà văn Tống Phước Bảo, viết để ghi lại những cảm xúc sát thực của thời khắc này như một sự trải lòng. Việc đọc những tác phẩm ấy giúp ta thấy được tinh thần ngoan cường, cũng như yêu thương luôn hiện hữu, kể cả trong đại dịch.

Cuoc thi viet ve dai dich anh 2

Poster cuộc thi viết "Chung một niềm tin chiến thắng". Ảnh: BTC.

Nâng cao tinh thần chống dịch

Được sự chấp thuận của UBND TP.HCM, cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật với chủ đề “Chung một niềm tin chiến thắng” theo đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao, chính thức được khởi động từ tháng ngày 1/8 đến hết 30/11.

Bài dự thi, bên cạnh những ca khúc, phim ảnh, là các tác phẩm văn học (thuộc thể loại thơ, truyện ngắn, bút ký và tản văn) xoay quanh vấn đề tinh thần chống dịch của cả nước. Cuộc thi vừa góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tác; vừa nhằm phát hiện và tôn vinh giá trị thơ, văn mang tính nhân văn đến người đọc.

Đó là những tác phẩm tuyên truyền công tác phòng, chống Covid-19 có chiều sâu nội dung và giá trị thẩm mỹ cao, đóng góp tích cực vào cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, thông qua việc tôn vinh sự cống hiến của tuyến đầu chống dịch và nêu bật sự đồng lòng, chung sức của người dân.

Ban tổ chức cho biết qua cuộc thi này, công tác tuyên truyền trong toàn dân về nâng cao ý thức phòng chống, dịch bệnh Covid-19 được đẩy mạnh. Từ đó, công nhân, viên chức, người lao động tại các đơn vị nghệ thuật, giới văn sĩ và nhân dân thành phố sẽ có thêm tinh thần trách nhiệm, sáng tạo tích cực.

Khi toàn dân đang chung sức, đồng lòng vượt qua những khó khăn, thách thức trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cuộc thi “Sáng tác về đề tài phòng, chống dịch Covid-19” do Câu lạc bộ Sáng tác trẻ - trường THCS Lê Văn Thiêm (TP Hà Tĩnh) tổ chức cũng đang lan tỏa nhiều thông điệp ý nghĩa.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 14/6 và sẽ kéo dài đến hết 15/8. Các tác phẩm dự thi bao gồm thơ, truyện ngắn, tản văn hoặc tranh vẽ.

Được tổ chức trong dịp nghỉ hè “đặc biệt” vì dịch bệnh, cuộc thi trở thành sân chơi phù hợp, bổ ích cho các em nhỏ, nhằm tăng cường tuyên truyền đến học sinh nói riêng và người dân cả nước nói chung về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó, cuộc thi lan tỏa tinh thần chống dịch, tôn vinh những nghĩa cử cao đẹp, sự hy sinh của nhiều lực lượng trong cuộc chiến này.

Hoạt động thiết thực góp phần chống dịch của ngành sách

Ngoài những cuốn sách cung cấp tri thức về chăm sóc sức khỏe, ngành sách có những hoạt động thiết thực góp vật chất, ủng hộ tinh thần phòng, chống dịch.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: 'Sách giúp ta vững tin đi qua mùa dịch'

Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, tác phẩm của những nhà văn vừa chống dịch, vừa cầm bút như những lá thư tin tức từ chính tuyến gửi đến tay độc giả.

Huế Trần

Bạn có thể quan tâm