Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thất vọng khi mua sắm Lễ độc thân

Dù được dự báo nhu cầu mua sắm dịp cuối năm sẽ bùng nổ khi người dùng có xu hướng tận dụng các đợt sale, một số người dùng đánh giá đợt sale năm nay chưa thực sự hấp dẫn.

mua sam le doc than,  thuong mai dien tu,  mua hang online anh 1

Mùa mua sắm cao điểm quý IV vừa đi qua một nửa chặng đường sau khi các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo kết thúc sự kiện mua sắm Lễ độc thân 11/11.

Khác mọi năm, tình trạng giá cả hàng hóa tăng cao cùng bối cảnh kinh tế trong nước chuyển xấu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến xu hướng chi tiêu của người dùng. Dẫu vậy, nhu cầu được đánh giá vẫn rất lớn khi một số người dân coi đây là cơ hội mua hàng giá rẻ khi điều kiện kinh tế khó khăn.

Nhu cầu có thể bùng nổ cuối năm

Chia sẻ với Zing, đại diện Shopee cho biết số lượng sản phẩm bán ra trong 2 giờ đầu tiên của sự kiện cao gấp 12 lần so với trung bình ngày thường.

Không chỉ tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, hoạt động mua sắm trực tuyến trên sàn TMĐT của người dùng tại các tỉnh thành như Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng cũng tăng đột biến, hơn 4 lần so với trung bình ngày thường.

“Nhiều người dùng chờ đến ngày 11/11 để mua các mặt hàng yêu thích nhằm tiết kiệm tối đa chi phí. ‘Sắc đẹp’, ‘Nhà cửa và Đời sống’ là 2 danh mục sản phẩm được ưa chuộng nhất. Trong đó, nhu cầu bổ sung các sản phẩm tẩy trang, trang trí nhà cửa làm bằng xốp cũng ở mức cao”, đại diện sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam nhận định.

Trong khi đó, đối thủ của Shopee là Lazada Việt Nam chứng kiến doanh thu toàn sàn tăng 75 lần so với ngày thường sau 2 giờ đầu tiên. Tại 6 thị trường trong khu vực Đông Nam Á, Lazada ghi nhận doanh thu tăng 124 lần chỉ trong 11 phút đầu tiên.

mua sam le doc than,  thuong mai dien tu,  mua hang online anh 2

Shopee và Lazada đều ghi nhận số liệu bán hàng cao hơn ngày thường. Ảnh: V.T.

Bên cạnh đó, chương trình ca nhạc Lazada Supershow 11/11 cũng thu hút 50.000 khán giả xem trực tiếp và hơn 4 triệu người theo dõi trực tuyến trên nền tảng xã hội và kênh LazLive.

Đánh giá về số liệu này, đại diện sàn cho biết mức doanh thu phản ánh tâm lý “háo hức” của người dùng trong các sự kiện cuối năm.

Dự đoán về hoạt động TMĐT quý cuối cùng của năm, Lazada cho biết đây sẽ là giai đoạn mua sắm cao điểm nhất do trùng với nhiều lễ hội quan trọng. Người tiêu dùng cũng có xu hướng sắm sửa cho các dịp lễ hội và chuẩn bị cho Tết truyền thống sớm hơn thường lệ, có thể bắt đầu từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12.

Nhu cầu dự kiến tập trung vào các mặt hàng thuộc lĩnh vực làm đẹp, thời trang, điện tử, nội thất nhà cửa và thực phẩm.

TMĐT sẽ tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm 2022 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế nếu đón đầu và đáp ứng nhanh chóng xu hướng của người tiêu dùng

Ông Đặng Anh Dũng, Phó tổng giám đốc Lazada Việt Nam

Người tiêu dùng sẽ tiếp tục duy trì mua sắm nhưng với tâm lí cân nhắc và thận trọng. Do vậy, TMĐT được dự đoán là kênh mua sắm được ưa chuộng và đón sóng truy cập cao trong giai đoạn cuối năm nhờ sự tiện lợi, nhanh chóng, lựa chọn đa dạng, cũng như tiết kiệm thời gian và chi phí.

Ngoài ra, người dùng Việt sẽ ưu tiên chi tiêu hiệu quả, thông minh thông qua việc đẩy mạnh mua hàng vào các dịp mua sắm như 11/11, 12/12 trên sàn TMĐT để nhận được ưu đãi về giá, đồng thời chủ động tìm kiếm các khuyến mãi khác như voucher giảm giá, miễn phí vận chuyển và tích cực tham gia các chương trình mua sắm kết hợp giải trí để tiết kiệm chi tiêu.

“TMĐT sẽ tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm 2022 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế nếu đón đầu và đáp ứng nhanh chóng xu hướng của người tiêu dùng”, ông Đặng Anh Dũng, Phó tổng giám đốc Lazada Việt Nam, nhận định.

Thay vì so sánh với thời điểm này năm ngoái, các sàn lớn nhìn chung chỉ đưa ra kết quả thực hiện so sánh với trung bình ngày thường.

Không khí ảm đạm

Dù công bố hàng loạt con số ấn tượng về doanh thu, doanh số bán hàng, một số người dùng vẫn cho rằng dịp sale 11/11 trên các sàn TMĐT thiếu sức hút hơn năm ngoái.

Nhận xét về các chương trình sale, Diệu Linh - 28 tuổi, nhân viên truyền thông tại TP.HCM - cảm nhận chưa thực sự hấp dẫn, ưu đãi cũng không hời hơn dịp sale ngày đôi 9/9 hay 10/10 là mấy. Thậm chí vài tháng trước, cô còn có cơ hội mua được sản phẩm với giá thành hợp lý hơn hiện tại.

“Tôi cảm giác năm nay các sàn chi tiền ít hơn cho hoạt động quảng bá nên không thấy không khí rộn ràng. Ví dụ năm ngoái đâu đâu cũng thấy người nổi tiếng với KOL chia sẻ link mua hàng, viết bài review. Riêng năm nay ngoài các clip quảng cáo chen ngang trên mạng xã hội thì chưa có gì nổi bật”, cô thắc mắc.

Dẫu vậy, người dùng này tin rằng việc tâm lý mua sắm báo thù sau dịch biến mất cộng hưởng thêm yếu tố kinh tế khó khăn, lạm phát gia tăng khiến cảm xúc săn sale không còn háo hức như trước. Thay vào đó, người dùng phải cân nhắc chi tiêu kỹ lưỡng hơn.

“Tôi chỉ mua một chiếc máy xay sinh tố vì đang thực sự cần chứ không dám vung tay mua hàng theo cảm xúc như trước”, cô chia sẻ.

mua sam le doc than,  thuong mai dien tu,  mua hang online anh 3

Các sàn đều chuẩn bị cho mùa mua sắm cao điểm cuối năm nhưng vẫn thiếu sức hút. Ảnh: Minh Khánh.

Với chủ trương tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy, Trà My - 25 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội - khá mong chờ dịp sale Lễ độc thân và hy vọng các hãng giảm sâu hơn thường lệ.

“Đợt này tôi cần mua một số hàng gia dụng. Nhưng vì đều tiền triệu đổ lên nên nấn ná mãi không mua để chờ tới đợt này. Ngoài ra là con gái nên cũng mong các sàn sale đồ thời trang, mỹ phẩm nhiều”, chị kể.

Tuy nhiên, mức ưu đãi thực tế của các sàn không hề tương ứng với kỳ vọng. Các ưu đãi giữa hai sàn lớn là Shopee và Lazada cũng có sự chênh lệch lớn.

Để săn giá tốt tôi phải tích lũy voucher từ đầu tuần. Còn nếu đợi đến đúng ngày mới vào mua thì mức giảm không chênh lệch mấy với sự kiện 10/10

Trà My, nhân viên văn phòng tại Hà Nội

Trên thực tế, không chỉ tại Việt Nam, không khí mùa sale Lễ độc thân năm nay trên khắp thế giới cũng kém vui trước bức tranh kinh tế u ám.

Theo công ty nghiên cứu Syntun, trong 12 giờ đầu tiên của Ngày độc thân 11/11, doanh số bán hàng của Alibaba và các công ty thương mại điện tử (TMĐT) khác ở Trung Quốc sụt giảm khoảng 4,7%, ước tính đạt 223 tỷ nhân dân tệ, tương đương 31 tỷ USD. Một cuộc khảo sát độc lập của công ty tư vấn Bain & Company cho thấy hơn 1/3 người mua sắm Trung Quốc trong Ngày độc thân có kế hoạch cắt giảm chi tiêu trong năm nay.

Các nhà phân tích của Citi thận trọng dự báo tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Alibaba cho sự kiện này dao động 545-560 tỷ nhân dân tệ, tức 75-77 tỷ USD, với mức tăng trưởng hạn chế 0,9-3,6%.

Mảng TMĐT của Alibaba khu vực Đông Nam Á là Lazada đang chứng kiến sự sụt giảm nhu cầu nhẹ ở các mặt hàng có giá cao, bao gồm đồ điện tử.

Chia sẻ với Bloomberg, James Chang - Giám đốc kinh doanh Lazada - cho biết doanh số bán hàng ở một số ngành và lĩnh vực nhất định đang đối mặt với trở ngại.

Từ nay đến cuối năm, người tiêu dùng có thể tiếp tục chờ đợi các sự kiện ưu đãi lớn khác như Black Friday (25/11) và ngày đôi 12/12.

Lạm phát nhấn chìm không khí mua sắm Lễ độc thân

Khác mọi năm, các sàn thương mại điện tử lớn đều chứng kiến tăng trưởng doanh số bán hàng mùa Lễ độc thân 11/11 chậm lại.

Kinh tế khó khăn, người Việt thờ ơ mua sắm Lễ độc thân

Khác năm ngoái, sự hào hứng mua sắm không còn thể hiện rõ trong đợt khuyến mại Lễ độc thân ngày 11/11. Tình hình kinh tế khó khăn đang ảnh hưởng xu hướng mua sắm của người dùng.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế

Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm