Đầu tháng 11, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tiến hành truy quét một loạt cơ sở kinh doanh tại trung tâm thương mại Saigon Square (quận 1, TP.HCM).
Ngay trong ngày đầu tiên, QLTT đã phát hiện, làm thủ tục thu giữ gần 2.000 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm hàng giả, hàng nhái thương hiệu nổi tiếng sau khi kiểm tra 6 kiosk. Đây đều là các hộ kinh doanh có tên tuổi tại Saigon Square.
Trước hoạt động đột xuất của cơ quan chức năng, các tiểu thương đồng loạt đóng cửa kiosk, tập trung trước điểm kinh doanh để thăm dò tình hình. Tình trạng này khiến người dân cũng như khách du lịch trong và ngoài nước bất ngờ khi mất một điểm mua sắm.
Khách du lịch thất vọng
Theo ghi nhận của Zing, chỉ một số kiosk khu vực ngoài trung tâm còn mở cửa kinh doanh. Đây chủ yếu là các hộ kinh doanh quần áo trong khi phần lớn kiosk phía trong “cửa đóng then cài”.
Phía trong, nhiều tiểu thương tụ tập trò chuyện, bày tỏ sự lo lắng khi hướng về phía các kiosk đang bị lực lượng QLTT kiểm tra. “Tôi đóng cửa mấy hôm nay rồi. Mai họ bớt kiểm tra thì mở”, chị Chi, một tiểu thương có kiosk tại Saigon Square, trần tình.
Tương tự, một tiểu thương khác cho biết chưa hẹn ngày kinh doanh trở lại vì còn tùy thuộc vào hoạt động của QLTT.
Tiểu thương tập trung ngoài kiosk nghe ngóng tình hình. Ảnh: Diệu Thanh. |
Theo các tiểu thương, đóng cửa là biện pháp tạm thời duy nhất để “né” QLTT. Tranh thủ thời điểm QLTT không làm việc, hàng hóa trong kiosk sẽ được di dời ra ngoài trung tâm thương mại.
Saigon Square được mệnh danh là “thiên đường mua sắm” của người dân thành phố, đồng thời là điểm nóng về hàng giả, hàng nhái thương hiệu nổi tiếng. Đây cũng nổi tiếng là nơi làm giàu của nhiều hộ kinh doanh bởi nguồn lợi nhuận khổng lồ từ việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu nổi tiếng.
Theo lãnh đạo Tổng cục QLTT, các hộ kinh doanh ở đây có đủ chiêu trò để đối phó với các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn, hạn chế việc kiểm tra. Thời gian tới, các tụ điểm lớn, nổi tiếng về kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn TP.HCM sẽ tiếp tục nằm trong lộ trình kiểm tra.
Trước tình trạng hàng loạt kiosk đóng cửa, một nhóm khách du lịch đến từ Hàn Quốc tỏ ra ngạc nhiên. “Ban đầu chúng tôi tưởng họ còn đóng cửa vì dịch Covid-19. Sau một người bạn Việt Nam giải thích rằng họ tạm đóng cửa lý do khác”, một du khách chia sẻ.
"Chuyện gì xảy ra với nơi này vậy. Tôi thấy rất nhiều cửa hàng đóng cửa. Tôi đã quay lại 2 lần và thấy các cửa hàng vẫn không đón khách", Enver, du khách người Singapore thắc mắc.
Nam du khách cũng cảm thấy bất an khi nhiều người túm tụm lại một chỗ và bàn tán. Vì vậy, anh quyết định nhanh chóng rời khỏi nơi này và tìm địa điểm khác để mua sắm.
Chị Lan Anh - 38 tuổi, khách du lịch từ Nghệ An - cũng phải quay xe do không thể chọn được gì ở đây.
“Tôi thường đến đây mua quần áo mỗi khi đi công tác hoặc du lịch. Hôm nay quầy tôi hay mua đóng cửa nên chỉ đi xem sơ qua các kiosk khác. Mai tôi định ghé qua xem lần nữa trước khi về để xem có kịp mua gì không”, chị cho biết.
Tụ điểm hàng giả, hàng nhái nổi tiếng
Đây không phải lần đầu tiên các tiểu thương kinh doanh tại “thiên đường mua sắm” này bị lực lượng chức năng kiểm tra. Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, hàng nhái được bày bán công khai vẫn tiếp tục tái diễn.
Trên thực tế, các đợt kiểm tra hàng giả, hàng nhái thường xuyên có mặt Saigon Square, Lucky Plaza hay chợ Bến Thành.
Hồi đầu năm 2020, Tổng cục trưởng QLTT Trần Hữu Linh trực tiếp chỉ đạo kiểm tra đột xuất chợ Bến Thành và Saigon Square. Bước đầu lực lượng tạm giữ 1.500 sản phẩm thời trang có dấu hiệu giả mạo nhãn mác của Calvin Klein, Prada, Montblanc, Adidas, Gucci, Cartier, Rolex… với tổng giá trị gần 150 triệu đồng.
Trao đổi với Zing thời điểm này, ông Trần Hữu Linh đánh giá đây là những tụ điểm có số lượng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lớn nhất TP.HCM.
Saigon Square được đánh giá là điểm nóng về hàng giả, hàng nhái. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Theo công bố, trung tâm thương mại Saigon Square do Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Phan Thành sở hữu. Công ty được thành lập vào tháng 3/1998, có trụ sở chính tại số 2 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Ông Phan Quang Chất (sinh năm 1962, Hà Nội) là người đại diện theo pháp luật, đồng thời là Chủ tịch HĐQT công ty.
Ông Chất được giới thiệu là cử nhân quản trị doanh nghiệp, giữ chức Chủ tịch HĐTV ngay từ khi Công ty Phan Thành mới được thành lập. Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Bến Thành - Hoàng Thành; Phó chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Sài Gòn Ôtô (Sài Gòn Ford); Phó chủ tịch HĐQT Bến Thành - Phú Xuân; Chủ tịch HĐQT Đại Thống - Bình Dương…
Công ty Phan Thành có ngành nghề kinh doanh chính là mua bán ôtô và xe gắn máy. Doanh nghiệp đăng ký thêm kinh doanh nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động; kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; dịch vụ xông hơi xoa bóp; san lấp mặt bằng; dịch vụ thu hộ cước tiêu dùng.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế