Ronaldo trải qua mùa giải thảm họa ở MU. Ảnh: Reuters. |
Sir Alex Ferguson chưa bao giờ là một chuyên gia chiến thuật hay đơn giản là HLV sở hữu triết lý bóng đá rõ ràng. Song nhà cầm quân người Scotland vẫn đưa Man United trở thành biểu tượng của bóng đá thế giới bởi khả năng quản trị nhân sự thuộc dạng số một lịch sử.
Ông già gân người Scotland luôn tâm niệm khi cầu thủ bắt đầu nghĩ bản thân lớn hơn HLV, đó là lúc họ phải ra đi. Roy Keane, Japp Stam hay Ruud van Nistelrooy đều đã rời Old Trafford theo cách này.
Sir Alex giờ không còn tại Old Trafford. Phong cách quản lý nhân sự khắc nghiệt nhưng đầy hiệu quả ấy cũng biến mất khỏi MU suốt thời gian dài. Tuy nhiên, tất cả đang trở lại với Erik ten Hag. Và con cừu đen sắp bị loại bỏ là Cristiano Ronaldo.
Ronaldo đã đi quá giới hạn
Không ai có thể bênh vực Ronaldo sau khi CR7 từ chối vào sân thay người và bỏ về khi trận đấu của MU với Tottenham còn chưa kết thúc. Peter Schmeichel, người hè năm ngoái từng ca ngợi Ronaldo "là chữ ký tốt nhất của MU" trong 10 năm qua, cũng lắc đầu trước hành xử nông nổi của siêu sao người Bồ Đào Nha.
"Thật thất vọng. MU không cần những sự phân tâm kiểu vậy", huyền thoại người Đan Mạch nói với Daily Mail.
Danny Mills, một danh thủ khác của Premier League, thì nhận định CR7 đang nghĩ bản thân lớn hơn MU. Cả Schmeichel lẫn Mills đều không quá lời khi nhận xét như vậy về siêu sao người Bồ Đào Nha.
Ronaldo tự làm khó bản thân bằng hành động bỏ về ở trận gặp Tottenham. |
MU về cơ bản đang chơi ổn. Chiến thắng Tottenham 2-0 cho thấy những toan tính của Ten Hag đang đi đúng hướng. "Quỷ đỏ" đã thắng 3 trong 4 CLB cạnh tranh trực tiếp mùa này (Liverpool, Arsenal, Tottenham). Bộ khung lý tưởng để cạnh tranh cũng đã được tìm ra.
Hành động hờn dỗi của Ronaldo hoàn toàn không cần thiết và đang gây tổn hại tới bầu không khí chung tại Old Trafford. Những đồng đội sẽ nghĩ gì khi thấy ngôi sao lớn nhất trong phòng thay đồ bỏ đi chỉ vì không được ra sân lúc đội bóng giành chiến thắng?
Đây không phải lần đầu Ronaldo hờn dỗi vì không được thi đấu cho MU dưới thời Ten Hag. Những hành vi trước đó của siêu sao người Bồ Đào Nha đều được nhà cầm quân người Hà Lan bỏ qua, từ không tập trung trong chuyến du đấu hè tới bỏ về ở trận gặp Rayo Vallecano.
Tuy nhiên, pha bất tuân lệnh công khai này đã đi quá giới hạn. Ronaldo cần hiểu đâu là giới hạn của một cầu thủ tại Old Trafford. CR7 là biểu tượng của bóng đá thế giới nhưng trong nội bộ CLB có những luật lệ không được phép vi phạm. Cầu thủ phải nghe lời HLV và tôn trọng tập thể.
Ronaldo đã dẫm qua lằn ranh này.
Trừng phạt
Việc loại Ronaldo khỏi danh sách gặp Chelsea là phản ứng cho thấy Ten Hag sẵn sàng đương đầu với nạn kiêu binh trong phòng thay đồ của MU. Thực tế, Ten Hag có thể làm đơn giản. Ông chỉ việc loại Ronaldo khỏi danh sách, lấy lý do sức khỏe, gia đình nào đó và để truyền thông thế giới tự đồn đoán (như trong các biến cố tiền mùa giải và ở trận Vallecano). Thời gian sẽ giải quyết rắc rối kiểu này.
Tuy nhiên, Ten Hag xử trí chỉ một ngày sau trận đấu với Tottenham. Trang chủ MU thậm chí đăng tải thông tin này. Đó là cú đấm mà Ten Hag cùng đội ngũ lãnh đạo MU nhắm thẳng tới Ronaldo. "Quỷ đỏ" đang chơi tốt mà không cần CR7.
Vì vậy, họ không ngại trảm siêu sao người Bồ Đào Nha, vừa để khẳng định vị thế, vừa để nhấn mạnh với các cầu thủ về tầm quan trọng của tinh thần tập thể. Bóng đá là môn thể thao 11 người. Một cá nhân xuất sắc đến thế nào cũng không thể làm nên chuyện nếu 10 người còn lại không đồng lòng.
Ten Hag đang được MU ủng hộ. Ảnh: Reuters. |
Kể từ sau kỷ nguyên Sir Alex, MU đã luôn phải đối mặt với nạn kiêu binh kiểu này. Trước Ronaldo, Paul Pogba, Harry Maguire hay thậm chí Luke Shaw, David de Gea... đều có thời điểm nghiễm nhiên được đá chính mà không cần cạnh tranh vị trí. Việc có được mọi thứ quá dễ dàng khiến các cầu thủ ỷ lại và sa sút phong độ. Ten Hag đã thay đổi thực tế này. Ông đẩy đội trưởng Maguire và ngôi sao Ronaldo lên ghế dự bị. Ten Hag thậm chí bắt các cầu thủ học lịch sử MU, buộc những ngôi sao đến năm cuối hợp đồng phải chứng minh năng lực để kiếm suất ở lại.
Hành động trảm Ronaldo có thể sẽ đưa vị thế của Ten Hag lên mức cao nhất tại Old Trafford. Jose Mourinho từng có những hành động cứng rắn kiểu này khi còn tại vị nhưng kết quả không đi cùng nắm đấm là nguyên nhân khiến nhà cầm quân người Bồ Đào Nha đánh mất phòng thay đồ.
Ten Hag thì ngược lại. MU ngày càng chơi tốt, ông càng có cớ để xây lại đội bóng theo ý muốn của mình.
Quản lý nhân sự chưa bao giờ là việc đơn giản đặc biệt ở những CLB phức tạp và có truyền thống gần đây hỗn loạn như MU. Sir Alex trong quá khứ phải mất 5 năm để tìm ra bộ khung ưng ý với Bryan Robson, Mark Hughes, Eric Cantona đóng vai trò đàn anh, sau khi trảm hàng loạt các ông sao say xỉn.
Đội đầu bảng Premier League lúc này, Arsenal, cũng đứng dậy từ tro tàn khi Mikel Arteta nhất quyết dẹp các kiêu binh như Mesut Oezil, Pierre Aubameyang khỏi sân Emirates. Đó là mô hình MU nên học hỏi và Ten Hag thực tế đang rất quyết đoán trong việc làm điều này. Trảm Ronaldo là điều giới mộ điệu trung lập có thể không muốn bởi vị thế, tầm ảnh hưởng và cả tình cảm dành cho siêu sao người Bồ Đào Nha.
Nhưng với cương vị của Ten Hag, đây là điều buộc phải làm. Nếu MU muốn vĩ đại trở lại, các cầu thủ lẫn ban lãnh đạo phải nhìn về một hướng. Ronaldo đơn giản là không có ở đó.
5 cuốn sách thể thao đáng chú ý
Park Hang-seo: Bí quyết thành công của doanh nghiệp Hàn Quốc - tác giả Lê Huy Khoa.
Tự truyện của Andrea Pirlo Tôi tư duy là tôi chơi bóng từ Nhà xuất bản Lao Động.
Tự truyện của tôi được viết bởi chính Steven Gerrard, xuất bản năm 2007.
Lê Công Vinh - Phút 89 kể về sự nghiệp hiển hách của cựu tiền đạo tuyển Việt Nam.
Cuộc Đời Tôi Qua Hai Màu Đỏ - Trắng do Arsene Wenger chấp bút.