Sân Mỹ Đình, phút 90+4, chung kết lượt về AFF Cup 2008, Minh Phương đứng trên chấm đá phạt. Anh tung đường chuyền vào trong, hướng tới vị trí Công Vinh đang di chuyển. Nhưng bóng đi quá nhẹ, Công Vinh rướn mình chạm đầu, bóng bật lên, cắm thẳng vào góc xa trong sự bất lực của thủ môn Thái Lan.
Bàn thắng ấy đưa bóng đá Việt Nam tới chức vô địch Đông Nam Á đầu tiên trong lịch sử. Phía sau khoảnh khắc huyền thoại của Công Vinh là câu chuyện về hành trình kỳ lạ.
Áp lực đặt lên HLV Calisto ở thời điểm trước AFF Cup 2008 là rất lớn. |
10 trận không thắng của ông Calisto và cuộc bỏ phiếu định mệnh
AFF Cup 2008 không phải là giải đấu dễ dàng với đội tuyển Việt Nam. Trước khi đưa Việt Nam tới ngôi vương, huấn luyện viên (HLV) Henrique Calisto đã lập kỷ lục không mong muốn: 10 trận không thắng trong giai đoạn chuẩn bị (6 hòa, 4 thua).
Áp lực thành tích dành cho ông Calisto thời điểm ấy là cực lớn, bởi đội tuyển Việt Nam khi đó đang sở hữu lứa cầu thủ tài năng. Một năm trước, với những con người ấy, bóng đá Việt Nam đã vào tới tứ kết Asian Cup 2007 dưới sự dẫn dắt của HLV Alfred Riedl.
Chia sẻ trong cuốn tự truyện, Công Vinh nhớ lại: “Khi áp lực từ mạch trận giao hữu chệch choạc lên đến cao trào, ông triệu tập cuộc họp và nói với chúng tôi:
Ở ngoài kia có nhiều người muốn tôi nghỉ. Nên giờ tôi cho các anh bỏ phiếu. Nếu số phiếu thuận đông thì tôi làm. Nếu số phiếu chống nhiều hơn, tôi cam kết sẽ từ chức ngay.
Kết quả cuộc bỏ phiếu ấy không cần nói thì mọi người cũng biết. Bởi vì, chúng tôi có niềm tin là đội tuyển sẽ thành công”, Công Vinh khẳng định.
Nhưng niềm tin vào thành công không có nghĩa là thành công sẽ đến ngay. Đội tuyển Việt Nam mở màn AFF Cup bằng cuộc đối đầu với đại kình địch Thái Lan. Đó là điểm bắt đầu hành trình vinh quang của đội tuyển nhưng cũng mở ra cơn ác mộng cho Công Vinh.
Lê Công Vinh từng bật khóc vì bất lực trước mảnh lưới tuyển Lào. |
Tịt ngòi 5 trận, bật khóc vì bất lực trước tuyển Lào
Trước Thái Lan mạnh hơn về mọi mặt, đội tuyển Việt Nam nhận thất bại như một lẽ dĩ nhiên. Trận sau gặp Malaysia, đội tuyển chiến thắng, nhưng Công Vinh không ghi được bàn. Đến trận gặp Lào, tiền đạo mang áo số 9 tiếp tục tịt ngòi.
Anh nhớ lại: “ĐT Lào là đối thủ không mạnh, đấy là cơ hội tuyệt vời để tìm lại cảm giác ghi bàn. Nhưng chân tôi vẫn như đeo chì. Suốt trận đấu, tôi chạy mà cứ ngỡ như mình đang mượn chân của người khác. Càng căng thẳng, tôi càng đá tệ hơn. Tôi tự trách mình: Vinh ơi, HLV đã bất chấp dư luận mà sử dụng mày, suất đá chính này chẳng qua là món quà sinh nhật mà ông Calisto dành cho mày, sao mày lại có thể tệ hại như thế?
Đầu hiệp hai, ông Calisto rút tôi khỏi sân. Khi thấy bảng thay người hiện lên số áo của mình, mắt tôi như nhòe đi, không còn thấy gì nữa. Mọi cánh cửa cứ như đang đóng sập trước mắt. Tương lai của tôi và đội tuyển sẽ dừng lại từ đây chăng? Ở những lần dự SEA Games và AFF Cup trước đó, tôi đều không tạo được dấu ấn gì. Và bây giờ, Calisto đã cho người hâm mộ và truyền thông điều mà họ muốn: Công Vinh ngồi trên ghế dự bị.
Trở về phòng sau trận đấu hôm ấy, tôi đã khóc. Trời ơi, ngay cả ĐT Lào mà mình cũng không ghi bàn được nữa, sự nghiệp quốc tế của mình có lẽ đã chấm dứt rồi chăng? Tôi cứ khóc và anh Sơn (Dương Hồng Sơn - PV) cứ dỗ. Nước mắt tôi chảy khi nghĩ đến viễn cảnh phải ngồi xem các đồng đội thi đấu đến hết giải”, số 9 kể.
Là một nhà tâm lý đại tài, ông Calisto kích thích niềm tự tôn dân tộc, giúp các cầu thủ Việt Nam thi đấu với sự tự tin cao nhất. Ảnh: Hoàng Hà. |
Các anh cho tôi một cái tên thay Công Vinh?
Trước thềm trận bán kết lượt về AFF Cup 2008, HLV Henrique Calisto đã hỏi báo chí như thế. Không một ai trả lời được. Bởi thế, thầy “Tô” tiếp tục chọn Công Vinh đá chính.
Thời điểm ấy, AFF Cup đã đi tới những trận cầu quyết định. Đội tuyển Việt Nam đánh bại Singapore 1-0 sau 2 lượt nhờ bàn thắng vô giá của Quang Hải. Công Vinh vẫn chưa ghi bàn. Lúc này, áp lực dành cho cả đội tuyển đã không còn nữa. Bởi 2008 mới là lần đầu tiên sau 10 năm, bóng đá Việt Nam lại có mặt ở trận chung kết AFF Cup.
Sân khấu dành cho Lê Công Vinh cuối cùng đã được vén màn. Nhớ về bàn thắng lịch sử ở chung kết lượt đi, Vinh kể lại: “Khi bóng đến chân tôi sau pha thoát xuống và chuyền ngang của Việt Thắng, tự nhiên tôi cảm thấy vừa sung sướng, vừa hồi hộp. Tôi chưa có bàn thắng nào tại giải, và bây giờ trước mắt tôi là mành lưới trống của Thái Lan”.
“Khi Thắng đợi thủ môn ra thật xa rồi mới đẩy quả sút bóng sang, quả thực tôi không dám sút. Cơ hội giành thắng lợi ngay trên đất Thái Lan phụ thuộc quá lớn vào pha bóng này, nên tôi chặn lại cho chắc. Bóng trong tầm chân rồi, tôi rướn lên và sút vào lưới trống. Các đồng đội đã làm tất cả phần vất vả nhất, và tôi chỉ việc đặt dấu chấm lên đầu chữ ‘i’.”
Bàn thắng ấy cùng pha lập công trước đó của Vũ Phong giúp đội tuyển Việt Nam thắng 2-1 ngay trên đất Thái Lan. Sau trận đấu, Công Vinh gọi đó là “bàn thắng quan trọng nhất đời mình”.
Sự có mặt của Minh Phương (phải) từ băng ghế dự bị đã giúp tuyển Việt Nam có khoảnh khắc lịch sử. Ảnh: Getty. |
Có ai cầm cúp đưa cho các anh chưa mà cười?
Những tưởng chiến thắng ấy sẽ khiến HLV Calisto và đội tuyển tự tin hơn. Nhưng cuộc sống thật kỳ lạ. Khi ở rất gần vinh quang rồi, người ta lại thấy “sợ”.
Công Vinh thuật lại trong cuốn tự truyện: “Ông Calisto ban hành một lệnh cấm: cấm cười. Ông nói ‘có ai cầm cúp đưa cho các anh chưa mà cười? Tôi biết các anh rất vui, và đây là mùa Giáng sinh. Nhưng tôi muốn các anh tôn trọng tôi, tôn trọng đối thủ. Hãy chỉ cười khi chúng ta cầm trên tay chiếc cúp”.
Từ đó trở đi, chiến lược gia người Bồ Đào Nha trở nên rất trầm mặc. Ông căng thẳng, không ngủ được và đốt thuốc liên tục. Ông thầy người Bồ Đào Nha phát cho cầu thủ một lá cờ tổ quốc nhỏ để họ mang theo bên mình. Phần còn lại của trận chung kết lượt về đã trở thành huyền thoại. Teerasil Dangda ghi bàn rất sớm. Nhưng pha lập công ở phút bù giờ thứ 4 của Công Vinh đã mang về cho ĐT Việt Nam danh hiệu vô địch.
Công Vinh nhớ lại: “Ông Calisto giữ Minh Phương trên ghế dự bị đến tận phút 60 mới tung vào sân thay Minh Châu. Và chính Minh Phương là người thực hiện quả sút phạt lịch sử ấy. Tôi cố di chuyển về cột dọc gần để lôi kéo vì nghĩ Minh Phương sẽ đá về cột xa. Nhưng bóng đi đến vị trí của tôi, dù cảm nhận rõ một cái đẩy nhẹ, tôi vẫn cố bật lên để chạm đầu vào bóng. Phần còn lại, như báo chí vẫn hay nói, đã trở thành lịch sử”.
“Không bao giờ tôi muốn đánh đổi cảm giác ấy với bất kỳ thứ gì. Vỡ òa, nhẹ nhõm, sung sướng, mãn nguyện, tất cả hòa vào làm một. Cả giải tôi ghi có 2 bàn, và đấy là 2 bàn ở 2 trận chung kết. Làm sao tri ân hết được người thầy tuyệt vời đã ở cạnh mình, các đồng đội sát cánh trong những trận cầu sinh tử và những CĐV cuồng nhiệt”, Công Vinh nhớ lại.